CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:02

Luật Giáo dục có bỏ quên học sinh khuyết tật?

 

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam). Ảnh: Quochoi.vn.

Theo Zing.vn, sáng 15/11, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng dự thảo luật giáo dục chưa thỏa đáng, chưa thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng và tinh thần Công ước về quyền của người khuyết tật.

Theo bà Hiền, Nghị quyết 29 của Trung ương quy định việc biên soạn sách giáo khoa, tài liệu hỗ trợ dạy và học phải phù hợp từng đối tượng học, chú ý đến học sinh dân tộc thiểu số và học sinh khuyết tật.

"Các quy định về ngôn ngữ, chữ viết, sách giáo khoa hoàn toàn chưa đề cập gì đến việc bảo đảm tiếp cận giáo dục của người khuyết tật trên khía cạnh ngôn ngữ, chữ viết, sách giáo khoa phù hợp", nữ đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Hà Nam cũng phân tích phạm vi sách giáo khoa không đề cập sách nói, chữ nổi cho người khiếm thị, khiếm thính. Phạm vi ngôn ngữ, chữ viết chỉ gồm tiếng Việt, ngoại ngữ, tiếng nói và chữ viết của dân tộc thiểu số mà chưa đề cập ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khuyết tật.

Tường thuật phiên thảo luận, Báo Tuổi trẻ TP HCM cho hay, đại biểu Trần Thị Hiền tha thiết bày tỏ: "Công ước về quyền của người khuyết tật yêu cầu các quốc gia thành viên trong điều kiện kinh tế - xã hội của mình, cần thực hiện những điều chỉnh hợp lý cả về chính sách, pháp luật và các chương trình hỗ trợ để thúc đẩy tiếp cận giáo dục cho người khuyết tật.

Tôi cho rằng việc sửa đổi Luật giáo dục chính là cơ hội quý báu, cơ hội 'vàng' để thực hiện sự điều chỉnh hợp lý về chính sách, thông qua việc tạo thuận lợi cho việc học chữ nổi, chữ viết in thay thế, ngôn ngữ ký hiệu, các phương tiện và hình thức giao tiếp khác".

Bà Hiền khẳng định "chỉ có phát triển mạnh giáo dục hòa nhập, đặc biệt là ở khía cạnh trang bị kiến thức, kỹ năng giáo dục hòa nhập cho đội ngũ giáo viên mới là cách tốt nhất tôn trọng tiềm năng phát triển của trẻ em khuyết tật, đưa các em ra khỏi thế giới nghèo nàn, mặc cảm, tự ti và giảm thiểu định kiến về người khuyết tật trong những thế hệ tương lai".

HOA HẠ (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh