THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:03

Nhiều khó khăn trong giáo dục trẻ khuyết tật

 

Giáo dục cho trẻ khuyết tật cần được quan tâm nhiều hơn.


Khó khăn với giáo viên trực tiếp giảng dạy TKT

Việt Nam hiện có 14 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, 97 trường chuyên biệt dành cho TKT và học hòa nhập ở tất cả các cơ sở giáo dục. Số trẻ đến học tại các cơ sở hòa nhập ngày càng tăng, đặc biệt ở bậc tiểu học và Mầm non, một số lượng đáng kể tiếp tục học lên THCS và THPT. Năm học 2016-2017, có trên 60% TKT có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục.

Để tăng cường tiếp cận giáo dục cho TKT chưa có điều kiện đi học tại các cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đã có chương trình giáo dục từ xa thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và đưa giáo dục về gia đình TKT. Đặc biệt Thông tư 42/2013 quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật (Thông tư 42) của liên Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính được xem là chính sách ưu việt tiếp sức cho TKT đến trường. Tuy nhiên việc triển khai chính sách này vẫn gặp không ít các rào cản.

Phản ánh từ nhiều địa phương cho biết hiện nay nhiều nơi vẫn chưa có trung tâm, trường chuyên biệt hay đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị học tập dành riêng cho học sinh khuyết tật cũng không có giáo viên được đào tạo chuyên sâu về giáo dục TKT nên việc chăm sóc, dạy dỗ các em còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp trẻ đến trường nhưng khả năng nhận thức kém, quá hiếu động hoặc khả năng nghe kém, gây khó khăn cho giáo viên giảng dạy.

Trong khi giáo viên tham gia dạy TKT hiện nay chưa được đào tạo bài bản về phương pháp giảng dạy trẻ chuyên biệt thì khả năng truyền thụ cũng như kỹ năng giảng dạy để các em hiểu còn hạn chế. Mặt khác, không phải giáo viên nào cũng đủ kiên trì để quan tâm đặc biệt đến các em trong quá trình giảng dạy cũng như quan tâm, gần gũi đến các em để giảm bớt sự tự ti, có khả năng giao tiếp để hòa nhập.

Trong khi đó, học sinh khuyết tật lại học cùng với học sinh phát triển bình thường, thời gian ở trên lớp hạn hẹp, nếu giáo viên dành nhiều thời gian để quan tâm đến trẻ khuyết tật sẽ ảnh hưởng đến các bạn khác. Việc thiếu thốn về trang thiết bị chuyên biệt hỗ trợ các em trong quá trình học tập, hòa nhập cũng là một khó khăn không nhỏ đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy TKT.

 Chưa có Giấy chứng nhận khuyết tật

Đánh giá về việc triển khai thông tư 42 trong báo cáo gửi Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng thừa nhận, mặc dù đến nay các địa phương đều đã triển khai thực hiện thông tư 42 đặc biệt là việc chi trả học bổng, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh thuộc diện nghèo và cận nghèo. Tuy nhiên, việc thực hiện còn nhiều khó khăn, bất cập do việc chi trả các chế độ cho học sinh khuyết tật cần có Giấy chứng nhận khuyết tật, nhưng hiện nay còn rất nhiều học sinh khuyết tật đang đi học nhưng chưa có Giấy chứng nhận khuyết tật dẫn đến bản thân học sinh đó không được nhận các chế độ chính sách về bảo trợ xã hội và chính sách hỗ trợ giáo dục.

 

Nguyên nhân dẫn đến học sinh không được cấp Giấy chứng nhận do gia đình không muốn xã hội biết con mình có khuyết tật.


Nguyên nhân dẫn đến học sinh không được cấp Giấy chứng nhận do gia đình không muốn xã hội biết con mình có khuyết tật nên không đưa đi xác nhận. Bên cạnh đó do Hội đồng xác định khuyết tật cấp xã không có thành phần làm công tác giáo dục, bộ Công cụ xác định dạng tật và mức độ khuyết tật theo Thông tư liên tịch số 37/2012 quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện không có những tiêu chí để xác định những dạng tật có khó khăn trong học tập. Đây chính là nguyên nhân khiến việc triển khai Thông tư 42 chưa được hiệu quả như kỳ vọng. Thực tiễn triển khai chương trình hỗ trợ giáo dục, đặc biệt là trợ cấp xã hội hàng tháng cho thấy còn có sự chồng chéo. Việc quy hoạch hệ thống trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập và cơ sở giáo dục chuyên biệt cần sớm được nghiên cứu và hoàn chỉnh.

Hiện nay nhiều tỉnh, thành không có các trường chuyên biệt trong khi thực tế nhu cầu học trong các trường chuyên biệt đối với những trường hợp không thể học hòa nhập là rất khó khăn. Một số địa phương cơ sở giáo dục chuyên biệt còn đặt ngay tại Trung tâm Bảo trợ xã hội. Vẫn còn nhiều trường hợp TKT thực sự nhưng chưa được thừa nhận là khuyết tật để được ứng xử và tiếp cận phù hợp trong giáo dục. Các địa phương không có cơ quan chuyên môn về tâm lý, tâm thần để có thể sử dụng các công cụ đánh giá, sàng lọc.

 

Mục tiêu của ngành GD&ĐT trong giáo dục người khuyết tật (NKT) giai đoạn 2018-2020 là tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng giáo dục NKT, bảo đảm NKT được tiếp cận giáo dục chất lượng, bình đẳng. Cụ thể, đến năm 2020 có ít nhất 70% NKT trong độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục hòa nhập chất lượng, bình đẳng và thân thiện; có ít nhất 50% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục NKT được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về giáo dục NKT; có ít nhất 40% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; 100% tỉnh, thành phố, cơ sở giáo dục được phổ biến và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục NKT.

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh