CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:20

“Lửa nghề” trong tim những người trẻ

Không ngại dấn thân

Chưa từng đến TP Hồ Chí Minh, không quen biết ai, đường sá cũng mù tịt, chỉ với một tờ thông báo được nhận vào làm cộng tác viên của một tờ báo, chàng trai Quảng Trị  Nguyễn Tiến Tân đã khoác ba lô lên và đi. “Những ngày đầu khó khăn nhiều lắm, tiền dành dụm được sau một thời gian làm CTV cho mấy tờ báo ở địa phương đi tong sau một tháng, lương thì không có mà lại được giao phụ trách địa bàn xa, tiền xăng để chạy đi chạy lại cũng là cả vấn đề, đã vậy tiếp cận được với chính quyền đâu có dễ, chỉ là CTV nên người ta không tiếp.  Rồi giọng Quảng Trị khó nghe cũng là một bất lợi. Thậm chí có lần đi xây dựng nguồn tin do bất cẩn bị gãy vai thế nhưng ngay hôm sau có tin về vụ lật thuyền ở Cần Giờ làm nhiều người chết thì không sao ở nhà được”, chàng phóng viên Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh nhớ lại.

Nguyễn Tiến Tân (đeo kính) chụp cùng nữ du khách bị cướp giật ở TP Hồ Chí Minh.

Lăn lộn với nghề hơn 1 năm ở đất Sài thành, Tân chia sẻ kinh nghiệm với giọng hài hước: “Kinh nghiệm xương máu nha, trước khi quyết định leo cây phải quan sát xem có đường dây điện không, thứ hai nhất định không được leo cây gòn”. Chuyện là sau khi nhận được nhiều phản ánh của những người dân về tình trạng ô nhiễm bãi rác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân xung quanh khu vực bãi rác Đông Thạnh (Hóc Môn), Tân đã quyết tâm làm một cuộc điều tra. Để quan sát hoạt động bên trong bãi rác, chàng phóng viên trẻ đã trèo lên cây gòn gần  đó và kết quả là cả người lẫn cây đổ rầm xuống mái tôn mỏng của quán nước.

Lê Trai tranh thủ chợp mắt.

Không xuất phát từ lòng yêu nghề khi đến với nghề báo, thế nhưng chỉ sau chưa đầy một năm chàng phóng viên trẻ Lê Trai, CTV tờ New.Zing.VN  được nhiều đồng nghiệp đánh giá cao vì sự lanh lẹ, chịu khó và dám xông pha. Lê Trai thành thật: “Lúc đầu Trai cũng không có ý định làm báo đâu, tại thi rớt đại học luật nên học tạm cao đẳng phát thanh truyền hình để sang năm thi lại. Rồi khi học lại thấy ngấm và yêu thích nghề báo lúc nào không hay, có lẽ vì thấy phù hợp với bản thân, thấy nghề báo đến gần với cuộc sống của người dân, cũng phần nào bênh vực được cho họ nếu họ gặp phải những bất công”. Say nghề cộng với yêu cầu công việc cần đưa thông tin nhanh nhất, chính xác nhất đến công chúng nên việc quên ăn quên ngủ của Lê Trai là chuyện bình thường. Nhận được thông tin là chạy ngay đến hiện trường không kể nửa đêm hay quá trưa chưa kịp ăn gì. “Mới làm chưa đầy năm mà bị đau dạ dày rồi  hay như chuyện bị dí đánh thì như cơm bữa.” - Trai cười.

Nguyễn Hoàng Lan, phóng viên Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh. 

Làm báo muốn có được những bài viết hay đòi hỏi phóng viên phải lăn lộn nhiều, thậm chí phải chấp nhận mạo hiểm, thế nhưng cô gái nhỏ nhắn Nguyễn Hoàng Lan, phóng viên Ban Đời sống - Xã hội Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh không hề ngần ngại. Để có những bài viết về nạn mại dâm, nạn ma túy, nạn lừa đảo cướp giật tại TP Hồ Chí Minh, Hoàng Lan đã không ít lần hóa thân thành gái bụi đời, hay làm bạn với những người nghiện ma túy... Hoàng Lan trải lòng: “Với Lan làm báo không đơn thuần chỉ là người đưa tin, khai thác thông tin với mục đích cho ra sản phẩm trên mặt báo mà Lan muốn là người đồng hành cùng những số phận trong bài viết của mình, hiểu được những góc khuất sau mỗi mảnh đời Lan đưa lên...”

Giống như Hoàng Lan, cô phóng viên trẻ Hoài Vy cũng  không ngại hóa thân để thực hiện những phóng sự mình ấp ủ. Vy kể, có lần 2 giờ đêm Vy cùng với mấy người bạn đã đóng giả thành gái nghiện net để thực hiện phóng sự “Internet về đêm” phản ánh hoạt động đêm của những tiệm net trên địa bàn thành phố. Rồi không ít lần Vy còn bị dọa “đâm lòi ruột”, lần căng thẳng nhất là khi Vy thực hiện bài viết “Xưởng chui dân khổ” đăng trên Báo Sài Gòn đầu tư tài chính phản ảnh tình trạng ô nhiễm môi trường ở quận Bình Tân do các xưởng chui gây ra. “Nhưng Vy không sợ đâu, Vy sẽ tiếp tục theo đuổi những đề tài như vậy”, Vy khẳng định. Vy chia sẻ thêm: “Đối với công việc mình luôn làm hết mình và ko biết mệt, thường thì khi đi quay cả nửa tháng cũng ko đuối nhưng khi về đến Sài Gòn là hay có truyền thống đổ bệnh 2 ngày. Sau đó hồi phục nhanh chóng. Hiểu nghề giữ nghiệp nên mình sẽ không ngừng cố gắng học hỏi và thu nhận nhiều kiến thức hơn nữa mỗi ngày. Duy trì thói quen đọc sách, tập yoga, nghiên cứu những kỹ năng phát triển bản thân. Theo mình một phóng viên hiện đại cần phải ý thức tự giác học hỏi nhiều hơn nữa mới đáp ứng kịp nhu cầu đặt ra.”

Yoga là cách để Hoài Vy giữ tinh thần và sức khỏe. 

Vượt qua nỗi sợ

Làm CTV cho Báo Tuổi Trẻ từ khi còn là sinh viên, những ngày đầu vào nghề Nguyễn Văn Hiếu (hiện là phóng viên mảng thời sự tin nóng của báo điện tử Vnexpress) đã không ít lần tác nghiệp bằng xe buýt và ngồi gõ bài với cái bụng rỗng, thậm chí còn phải làm rất nhiều nghề tay trái để “nuôi” lại nghề báo... Phóng sự  “Hành hạ trẻ HIV trong bữa ăn” của Hiếu thực hiện cùng với đồng nghiệp đã từng gây rúng động dư luận. Hiếu chia sẻ trăn trở với nghề: “Khi làm báo, mình mong có thể nói lên tiếng nói của người dân để hi vọng những nhà làm chính sách đọc được, tháo gỡ những vướng mắc cho người dân và đề ra những chính sách đỡ nhiêu khê, phiền hà tới dân”. 

Nguyễn Văn Hiếu.

Không ngoài mong muốn được góp tiếng nói của mình đem đến những giá trị tốt đẹp hơn cho xã hội, Hoàng Lan chia sẻ lúc trà trộn tiếp cận với các đối tượng, mình cũng lo sợ lắm, nhưng nghĩ đến hiệu quả sau khi bài viết được đăng, Hoàng Lan lại cố gắng vượt qua nỗi sợ. Sau khi bài viết “cướp giật lộng hành công viên 23/9” phản ánh tình trạng một nhóm Pê đê làm trò gây sự chú ý của khách nước ngoài rồi lợi dụng sơ hở của họ để cướp giật tài sản của Hoàng Lan được đăng trên Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, Cảnh sát hình sự quận 1 (TP Hồ Chí Minh) đã đến tòa soạn liên hệ và nhờ Lan cung cấp thông tin phá án, sau đó nhóm cướp giật đó đã bị dẹp sạch. Rồi hàng loạt các bài viết khác của Hoàng Lan đã đề cao được giá trị nhân văn trong xã hội, có tác động tích cực, lan tỏa để cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn như: Người Sài Gòn tử tế, tủ bánh mì miễn phí giữa Sài Gòn.

PV/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh