THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:09

Nếu không yêu nghề báo thì bạn đừng theo nó

 

Báo Công an TP. Hồ Chí Minh là bạn quen thuộc, thân thiết của người dân thành phố trong rất nhiều năm qua, cũng là tờ báo có đông đảo bạn đọc, theo ông bí quyết thành công là gì?

Ngay từ khi thành lập, Báo Công an TP. Hồ Chí Minh đã xác định đó là tờ báo là của đại chúng, có nghĩa là người dân quan tâm gì thì báo phản ánh những vấn đề đó. Cũng là tờ báo của ngành công an, nên phải cùng với ngành tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần vào công tác phòng chống tội phạm, đấu tranh và ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật để giữ gìn sự bình yên cho thành phố. Như vậy, nguyên tắc là làm sao tờ báo càng có đông số lượng bạn đọc thì càng tốt, để bất cứ  thông tin gì về chủ trương, đường lối, chính sách, về cảnh giác tội phạm hoặc thậm chí có khi là một tin về truy nã được lan tỏa rộng sẽ là sự tương tác tuyệt vời. Bởi người dân không chỉ là bạn đọc mà còn là một kênh thông tin rất quan trọng giúp cho ngành công an. Từ xuất phát điểm đó nên nội dung của báo luôn đi vào những vấn đề sát sườn của đời sống người dân. Có những chuyên mục đã duy trì cả mấy chục năm nay như: Tiếng nói người dân, Chuyện hàng tuần, Năm tu huýt, Tiếng còi, A lô cảnh sát khu vực, Chuyện cảnh giác, Trinh sát kể chuyện... Những chuyên mục này cũng là những vấn đề mà người dân quan tâm, mà dân quan tâm thì dân mới mua báo. Báo luôn có lượng độc giả đông là vì vậy.

Thượng tá Trần Trọng Dũng –Tổng BT Báo Công an TP.HCM 

Ông nghĩ gì về các ý kiến cho rằng, một số báo hiện nay hấp dẫn bạn đọc vì đăng nhiều các vụ án, nhất là miêu tả tỉ mỉ các vụ “cướp, giết, hiếp”?

Có một thực tế là những thông tin về vụ án bao giờ cũng được các độc giả, chủ yếu là độc giả ở nước ngoài đón nhận nhiều hơn là những tin tức về chính trị, trừ khi là những sự kiện chính trị quan trọng. Vì trong một thế giới bình thường, tâm lí độc giả thường quan tâm đến cái bất bình thường, mà mọi vụ án thì đều là bất bình thường. Có thể  một ngày có một vài vụ án so với hàng triệu triệu điều tốt đẹp trong xã hội nhưng vì nó là số ít và bất thường nên được người ta chú ý hơn. Là báo của ngành nên có một thời gian, báo Công an thiên về những vụ án rùng rợn, song khoảng gần 10 năm nay, Báo đã điều chỉnh rất nhiều. Thường chỉ chú trọng nêu được những thủ đoạn để người dân cảnh giác và tuyệt đối tránh miêu tả chi tiết. Thậm chí hầu như trên tờ Báo Công an không đưa các vụ án liên quan đến hiếp dâm. Ngay chữ “hiếp dâm” cũng được biên tập lại, có thể dùng từ khác thay thế, như “làm nhục, xâm hại”.  Chẳng hạn gần đây nhất, công an quận Bình Thạnh phá sòng bạc của Nguyễn Hoàng Kiệt mà rất nhiều báo khác đưa lên trên trang nhất với từ “Cu Đĩ”, nhưng Báo Công an chỉ đưa là “Công an Bình Thạnh triệt phá thành công 4 vụ trọng án”... Đó là chủ trương của ban biên tập và hầu như tất cả vụ án, đặc biệt liên quan đến vị thành niên đều đổi tên, xóa bỏ hình ảnh các em. Tôi cho rằng báo chí nói chung cũng đang theo xu thế này, để hướng xã hội đến những điều tốt đẹp hơn, chỉ một vài trang mạng chú trọng câu view mới đi ngược lại điều đó, song thực tế những tờ báo đó cũng không có nhiều độc giả. 

* Hầu hết người làm báo đều cho rằng, đời sống báo chí hiện rất khó khăn và ai cũng trăn trở về hướng phát triển của báo mình. Báo Công an TP. Hồ Chí Minh có trao đổi gì với các báo bạn?

Ồ, đây là câu hỏi khá hay. Đúng là cách đây chừng 5 năm, Báo Công an không hề nghĩ đến cụm từ “ kinh tế báo chí”. Lý do là tờ báo Công An lúc đó có số lượng phát hành rất lớn và ổn định. Năm 1991, số lượng phát hành đạt đến gần 70 vạn bản/ kỳ và trung bình cũng đạt từ 40 – 50 vạnbản/1 kỳ. Các đại lý muốn mua Báo Công an đều phải đóng tiền trước mới nhận được báo. Nhưng cuộc sống đã thay đổi, đời sống báo chí cũng không nằm ngoài quy luật. Khoảng  2 năm trở lại đây, báo in bắt đầu trở nên yếu thế so với sự phát triển mạnh của báo mạng, nhiều tờ báo sụt giảm ghê gớm về lượng phát hành. Tất nhiên mỗi tờ báo có một hướng đi, riêng Báo Công an TP. Hồ Chí Minh xác định con đường duy nhất để đứng vững và đi lên vẫn là tập trung về nội dung. Cụ thể hơn, đó là ngoài thông tin cập nhật phải có những bài phân tích theo chiều sâu, có những bài phóng sự  điều tra công phu, độc quyền, mang tính phát hiện và gây được hiệu ứng cho đời sống xã hội. Trước đây, Báo chỉ chủ yếu là đưa thông tin phản ánh, còn bây giờ phải quan tâm giải pháp của các cấp chính quyền, ban ngành. Nếu không làm được điều đó thì báo cũng chỉ là anh bồ câu đưa thư thôi. Bởi dân trí đang ngày một nâng cao, nhu cầu của người dân đã khác xưa nhiều, nên việc ghi nhận, phản ảnh của báo chí phải gắn với trách nhiệm của chính quyền mới thỏa mãn nhu cầu của bạn đọc. Đúng như Bác Hồ vẫn nói: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”.

Tòa soạn mới của Báo Công an thành phố theo mô hình hiện đại “Tòa soạn hội tụ”.

Từ ngày 4/5, Báo điện tử Công an TP. Hồ Chí Minh đã được phê chuẩn. Chúng tôi quyết tâm đầu tư mạnh cho báo điện tử vì với thế mạnh của loại hình này, báo điện tử của sẽ là diễn đàn để người dân trao đổi ý kiến, tạo ra kênh thông tin để hỗ trợ cho báo in và ngược lại. Song song, Báo công an cũng cải tiến phương thức phát hành. Trước đây chỉ in tại Hà Nội, giờ chúng tôi in tại 4 điểm tại lớn trong nước. Trước đây, khi có báo, 2,3 giờ sáng là xe tải chở xuống miền Tây thì giờ in ngay tại Cần Thơ, vừa giảm được chi phí lại đảm bảo báo luôn “nóng, sốt”.  Nguyên tắc đặt ra là làm sao cứ đến trước giờ cà phê sáng là phải có báo. Vì đặc tính của người Việt thường hay nhâm nhi cà phê cùng với báo sáng, chứ đến tận 9, 10 giờ mới có báo như trước đây thì coi như đã là lạc hậu, là báo cũ. Chúng tôi cũng có chính sách triết khấu mạnh mẽ cho các đại lý mà trước đây việc này không được thực hiện. Bắt đầu từ đầu năm 2015, chúng tôi trực tiếp thực hiện việc quảng cáo mà không phải qua một công ty khác như trước đây, điều này là hướng tới báo in sau này chỉ để biếu tặng hoặc giảm đáng kể giá bán. Hiện chúng tôi có khoảng trên 40 đại lý khắp cả nước và vẫn duy trì lối phát hành theo phương thức trực tiếp này. Điểm nữa là chúng tôi cắt giảm tối đa chi phí, điển hình là đã thực hiện việc gom các phòng nội dung thành mô hình “tòa soạn hội tụ”, vừa tiết kiệm được thời gian xử lí thông tin bài vở, vừa tiết kiệm cả về vật chất. Cụ thể từ lúc thực hiện mô hình này, mỗi tháng chúng tôi đã giảm được 10 triệu tiền điện so với từng phòng riêng lẻ trước đây.

 

* Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông có  tâm sự gì với đồng nghiệp nhất là các nhà báo trẻ?

Tôi có 3 điều muốn gửi gắm tới các bạn trẻ thế này. Thứ nhất nếu đã chọn nghề báo thì nên giữ được cái nhiệt tình, cái lửa. Bởi đây không phải là cái nghề sáng cắp ô đi tối cắp ô về. Nếu thực sự yêu nó thì hẵy làm nghề đó, cái này không phải một mình tôi mà rất nhiều nhà báo đã từng nói. Vì nếu không yêu nghề thì bạn khó mà thành đạt trong nghề nghiệp. Thực tế ở Báo Công An cũng như những tờ báo khác, nhiều phóng viên trẻ chỉ coi đây là bến tạm của cuộc đời thì cuối cùng họ cũng không tạo dựng được sự nghiệp và không có dấu ấn gì, không thể có những bài viết đặc sắc.

Thứ hai, khi còn trẻ bạn hãy cố gắng đi thật nhiều, đọc thật nhiều, ghi thật nhiều, nhớ thật nhiều và học thật nhiều, điều mà sau này có tuổi mình không thể làm được. Tôi rất ấ#n tượng khi đi du lịch châu Âu, nhìn thấy nhiều du khách có cuốn sổ trên tay, đi đến đâu họ đều hỏi han và ghi chép thật kĩ những đặc điểm của vùng đất. Người Việt Nam nói chung và nhà báo Việt Nam nói riêng chưa có thói quen đó.

Điều thứ ba là bạn cần tạo cho mình “cái tôi” trong các tác phẩm của mình. “Cái  tôi” chính là dấu ấn cá nhân mà không có nó thì bạn chỉ là người sao chép. Nhiều khi chỉ cần đọc cái mở bài hay cái tít đã có thể biết tác giả là ai. Song nếu “cái tôi” đậm quá thì anh có thể rơi vào trạng thái mà rất nhiều nhà báo trẻ phạm phải đó là tính kiêu ngạo và ích kỉ. Bởi một tác phẩm báo chí ra đời và đến được tay bạn đọc, cho dù nó là dấu ấn của cá nhân nhưng vẫn là sản phẩm của tập thể, gồm ban biên tập, thiết kế, mo - rát, in ấn, bộ phận phát hành... Thực tế, khá nhiều nhà báo trẻ nhất là khi có một vài giải thưởng đã trở nên kiêu căng tự phụ, như vậy là tự giết mình. Vì cuộc sống rất sòng phẳng nếu anh không tự trau dồi, cứ mãi ngủ quên trong vinh quang ảo vọng thì cuối cùng cũng bị đào thải.

Đinh Hoa (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh