CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:02

Lựa chọn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp

 

Chương trình giao lưu trực tuyến “Lựa chọn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp” có sự tham gia của các khách mời: Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp; Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam Điều Bá Được; Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng.

Theo đó, vừa qua, Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, được các cơ quan tiếp thu và chỉnh lý để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV khai mạc ngày 20/5. Về nội dung đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH đã nêu rõ: "Ðiều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; xu hướng già hóa dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực".

Việc hoàn thiện và trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này cũng là nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về hội nhập kinh tế quốc tế, về cải cách chính sách tiền lương, về cải cách chính sách BHXH và kiến tạo khung pháp luật về lao động nhằm phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình sẽ tạo tâm lý tốt hơn cho tâm lý xã hội, người lao động cũng như người sử dụng lao động

 

Vấn đề được người lao động hiện nay rất quan tâm là lựa chọn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp, vì sao việc tăng tuổi nghỉ hưu trong Dự thảo Bộ luật phải thực hiện theo lộ trình? Thời gian cụ thể bắt đầu áp dụng lộ trình này như thế nào? Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, nâng tuổi nghỉ hưu là xu thế không thể cưỡng lại. Ở nước ta hiện nay tuổi thọ tăng cao, dân số già hoá trong khi về thị trường lao động thì “đầu vào” ngày càng có xu hướng giảm, "đầu ra" ngày càng tăng, nên nếu không tăng tuổi hưu thì số người đang làm việc không thể nuôi được số người nghỉ hưu.

Cụ thể, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất hai phương án tăng dần tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện làm việc bình thường từ năm 2021. Lộ trình này sẽ thực hiện dần dần, cho tới lúc nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 1: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi ba tháng đối với nam và đủ 55 tuổi bốn tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm ba tháng đối với nam và bốn tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi bốn tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm bốn tháng đối với nam và sáu tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Dự thảo Bộ luật cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá năm tuổi đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt có quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá năm tuổi.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần được tiến hành theo lộ trình vì hai lý do. Thứ nhất là việc điều chỉnh là nhằm tránh gây sốc cho thị trường lao động. “Chúng ta đặt giả thiết là một nước có quy mô dân số tương tự như Việt Nam, mỗi năm có khoảng 400 nghìn người bước vào độ tuổi lao động. Như vậy nếu chúng ta nâng độ tuổi nghỉ hưu nhanh, tăng một năm, thêm một tuổi chẳng hạn, thì lập tức sẽ có 400 nghìn người cho dù làm việc ở khu vực nhà nước hay khu vực tư nhân, vẫn tiếp tục làm việc thêm một năm. Điều này đồng nghĩa với việc khi họ “ngồi lại vị trí làm việc đó” thì 400 nghìn người khác sẽ phải ngồi chờ thêm một năm. Như vậy sau hai năm thì con số này sẽ tăng lên 800 nghìn đến 900 nghìn người “ngồi chờ”. Điều này sẽ gây sự “tắc nghẽn” rất lớn trong thị trường lao động. Trong đề xuất lần này, chúng tôi đề xuất theo lộ trình, mỗi năm chỉ tăng ba tháng tuổi chẳng hạn, như vậy “dòng chảy” của thị trường lao động sẽ chậm lại đôi chút, chứ không gây “tắc nghẽn”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

Lý do thứ hai, việc điều chỉnh theo lộ trình sẽ tạo tâm lý tốt hơn cho tâm lý xã hội, đối với người lao động, cũng như người sử dụng lao động. “Chắc chắn tâm lý người lao động sẽ không muốn làm việc quá lâu và đóng BHXH lâu dài. Người lao động thường muốn nghỉ hưu hoặc tham gia các hoạt động kinh tế khác để có thêm thu nhập. Khi đó, họ đồng thời có hai nguồn thu nhập là tiền lương hưu từ BHXH và số tiền nhận được từ các hoạt động khác của họ. Đây là tâm lý chung của tất cả người lao động thuộc các nước trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam.

Việc điều chỉnh theo lộ trình cũng tạo tâm lý tốt hơn cho người sử dụng lao động. Lẽ ra người sử dụng lao động sẽ tiếp tục sử dụng người lao động lớn tuổi thêm một năm nữa chẳng hạn, thì nếu theo đề xuất của chúng tôi, họ chỉ phải sử dụng người lao động lớn tuổi thêm ba tháng nữa thôi. Điều này cũng giải toả được khá nhiều tâm tư và những điều không mong muốn của người sử dụng lao động. Chúng tôi vẫn quan niệm rằng việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu mang lại sự tốt đẹp chung cho cả đất nước, của tất cả các lực lượng tham gia lao động cũng như sử dụng lao động. Chính vì vậy, chúng tôi mong sự chung tay, nỗ lực của mỗi người lao động cũng như mỗi doanh nghiệp trong việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nêu rõ.

Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, với chính sách chúng ta có lộ trình tăng chậm và có lộ trình cùng các cơ chế giải quyết khác thì vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu tác động ít đến vấn đề việc làm của lao động trẻ. Bên cạnh đó phải quan tâm đến các chính sách về tuyển dụng, đánh giá cán bộ.

Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam Điều Bá Được cũng cho rằng, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu 62 đối với nam, 60 tuổi với nữ, trong đó cũng có quy định để có một số người nhận lương hưu sớm mà không quá 55 tuổi. Đồng thời, có quy định những người kéo dài tiếp tục thời gian làm việc không quá 55 tuổi, điều này sẽ làm tuổi nghỉ hưu bình quân tăng lên theo ông đề xuất này có cơ sở.

Trả lời về lý do của việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, thứ nhất, thế giới bước vào quá trình già hóa dân số và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm chủ động ứng phó sự thiếu hụt lao động trong tương lai.

Thứ hai, để bảo đảm bình đẳng giới trong tuổi nghỉ hưu.

Thứ ba, bảo đảm phù hợp sức khỏe và nhu cầu của người lao động. Thứ tư, bảo đảm sự cân bằng, cân đối của quỹ BHXH. Với việc nâng dần tuổi nghỉ hưu, số năm tham gia BHXH nhiều lên, quyền lợi của BHXH cũng nhiều hơn, giải quyết hài hòa cả hai về vấn đề là: số năm hưởng BHXH ít đi sẽ giúp quỹ sẽ tốt lên, hai là mức hưởng BHXH tăng lên khi thời gian đóng được cải thiện.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Diệp cũng cho biết có nhiều trường hợp ngoại lệ và nhiều người đặt câu hỏi khi có những người lao động khó có thể làm việc đến tuổi 60 và 62. Tuy nhiên con số trung bình 17 năm sống khỏe mạnh sau tuổi 60 là tương đối, còn nhiều đối tượng đặc thù. Và trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất nâng dần tuổi nghỉ hưu, và đề xuất này để thể chế hóa Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH của Trung ương.

HUYỀN MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh