THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 10:53

Tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo cuộc sống người lao động khi về già

Là đánh giá của ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội tại Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Toàn cảnh hội thảo.

Lộ trình tăng chậm, tránh gây sốc

Theo dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH xây dựng hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Cụ thể với phương án 1, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Với phương án 2, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Chia sẻ những băn khoăn về tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ luật Lao động, Chị Nguyễn Thị Huyền, 48 tuổi, hiện đang làm công nhân may tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG Thái Nguyên cho rằng, đặc thù công việc hàng ngày của ngành may đòi hỏi cần chính xác, khi tuổi cao mắt sẽ bị mờ dần nên tăng tuổi nghỉ hưu là khó khăn với lao động ngành này.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế, (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Văn Bình ghi nhận việc một số nhóm lao động không thể đáp ứng được khi tăng tuổi nghỉ hưu là rất đúng. Tuy nhiên, để giải bài toán này cần nhiều giải pháp tổng thể bằng các chính sách khác của thị trường lao động.

Giờ làm việc của người lao động.

“Không thể vì lý do mà không đặt vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu vì còn liên quan đến nhiều vấn đề khác. Tư duy người lao động chỉ làm một công việc cho đến tuổi nghỉ hưu chắc cũng phải dần thay đổi. Một công nhân còn trẻ, mắt còn sáng thì làm may, nhưng đến 55 tuổi dù mắt không còn sáng song lại có kinh nghiệm thì phải có cơ hội để chuyển sang công việc khác, đây chính là tính linh hoạt để  giải quyết bài toán thị trường lao động”, ông Bình nói.

Ông Bình cho biết thêm, trong Nghị quyết Trung ương số 28 về cải cách tiền lương và BHXH đã đề ra rất nhiều giải pháp tổng thể để người lao động được chuẩn bị thay đổi nghề nghiệp. Đồng thời cũng khuyến khích các doanh nghiệp bảo vệ duy trì việc làm, hỗ trợ người lao động trong quá trình dịch chuyển việc làm trong nội bộ doanh nghiệp cũng như từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, từ ngành nghề này sang ngành nghề khác.

Với những thắc mắc của người lao động, ông Bình khẳng định rằng, luật sẽ mở rộng cho rất nhiều nhóm khác nhau, nhưng để giải quyết căn bản sẽ cần đặt thêm ở các luật khác. Liên quan đến hai mốc tuổi 62 đối với nam và 60 đối với nữ, đại diện Vụ Pháp chế nhấn mạnh, việc tăng tuổi nghỉ hưu không phải tăng ở năm 2021 mà có lộ trình tăng rất chậm. Đến năm 2036 mới là 60 tuổi đối với nữ và đến năm 2029 mới là 62 tuổi đối với nam. "Việc tăng chậm để đảm bảo nhiều yếu tố không gây sốc cho thị trường lao động và yếu tố tâm lý, không phải ngày mai mà là hàng chục năm nữa”, ông Bình nhấn mạnh.

Về hưu sớm, lương hưu thấp

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, không có quy định nào đánh đồng tất cả người lao động về hưu ở tuổi 62 đối với nam và 60 đối với nữ.

Trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã đưa ra quy định điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với 3 nhóm đối tượng. Thứ nhất, với nhóm người làm việc trong điều kiện lao động bình thường, quy định sẽ tăng tuổi nghỉ hưu là 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu chưa được quyết định. Thứ hai, nhóm người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm việc trong điều kiện độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm và những ngành nghề đặc biệt do Chính phủ quy định, được giảm 5 tuổi nghỉ hưu. Thứ ba, nhóm người làm lao động quản lý có trình độ giỏi, chuyên môn tốt và các trường hợp đặc biệt được quy định cụ thể, được tiếp tục công tác không quá 5 năm sau tuổi hưu.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, trong Bộ luật Lao động hiện hành đang quy định tuổi nghỉ hưu đối với nam là 60 và nữ là 55 tuổi, thế nhưng tuổi hưu trung bình của cả nam và nữ mới chỉ mới đạt 56,1 tuổi. Như vậy là chúng ta đang về hưu không đúng quy định hiện hành. Theo đánh giá của các cơ quan nghiên cứu khoa học  trong tổng lực lượng đã nghỉ hưu đang hưởng lương hưu  vẫn có 42% đang làm việc, nếu tỷ lệ này tiếp tục làm việc, đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì chắc chắn khi về hưu họ sẽ có mức lương hưu cao hơn. Do đó, với thực trạng tuổi nghỉ hưu như hiện nay chúng ta đang lãng phí một lực lượng nguồn nhân lực rất quan trọng, trong khi thực tế đây là những người có chuyên môn, trình độ quản lý và tay nghề cao.

 

Khám sức khỏe cho người lao động.

Ông Lợi cũng đặt ra vấn đề cần thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu, bởi theo nhiều thống kê, lực lượng lao động mới bổ sung mỗi năm tại Việt Nam đã giảm tới 50% (từ 1 triệu người xuống còn hơn 500 nghìn người). Nếu không tăng độ tuổi nghỉ hưu kịp thời, Việt Nam sẽ không đủ nhân lực để phát triển kinh tế, xã hội.

Bên cạnh đó, việc nghỉ hưu sớm khiến người dân hưởng lương hưu trí thấp, thời gian hưởng kéo dài, không đủ trang trải cuộc sống tuổi già. Kéo dài tuổi nghỉ hưu có nghĩa tăng thêm quỹ hưu trí cho người lao động khi tuổi già được hưởng. “Đất nước muốn phát triển thì có 3 yếu tố của quá trình sản xuất lực lượng sản xuất bao gồm tư liệu và lao động, nếu như lực lượng lao động là nhân tố quyết cho sản xuất mà chúng ta lại không có thì chúng ta làm sao tăng trưởng và phát triển được”, ông Lợi nhấn mạnh.

Phó ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho biết, quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần quy định thống nhất trong Bộ luật Lao động, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động, bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số, bình đẳng giới, cân đối quỹ BHXH trong dài hạn, xu hướng già hóa dân số, tính chất loại hình lao động.

Bên cạnh đó, cần cân nhắc, xem xét tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù. Đối với  những đối tượng này có thể xem xét chưa tăng tuổi nghỉ hưu hoặc có lộ trình tăng chậm hơn, có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động...

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh