THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:33

Từ năm 2021 tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình để đạt nam 62 và nữ 60

 

 

Đối với nội dung điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, dự thảo nêu: "Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung".

Chính phủ đã quy định nội dung này trong dự thảo theo 2 phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Phương án 1: "Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi".

Phương án 2: "Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi".

Đồng thời dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá năm tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá năm tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án 1, đến năm 2028 thì nam đạt 62 tuổi và đến năm 2035 thì nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau tám năm với nam và sau 15 năm với nữ).

Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn, đến năm 2026 nam đạt 62 tuổi và đến năm 2030 nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau sáu năm với nam và sau 10 năm với nữ).

Theo Chính phủ thì qua khảo sát, đánh giá cho thấy đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ.

“Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế. Qua khảo sát, đánh giá, lấy ý kiến các cơ quan và tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ” - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho hay.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc sửa đổi Bộ luật Lao động phải thể chế hóa yêu cầu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28/TƯ. Đó là: "Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu, Đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung".

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu không thể chậm hơn nữa. Tuy nhiên, chỉ tăng với nhóm lao động làm việc trong điều kiện bình thường. Đối với nhóm làm việc ở môi trường nặng nhọc, độc hại… được quyền nghỉ hưu sớm năm năm và dự kiến có thể 10 năm.

“Bên cạnh đó, các cơ quan cũng đang xem xét tiến tới việc người lao động tham gia BHXH 10 năm có thể nhận lương hưu. Như vậy là chúng ta đồng bộ các luật khác…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

GIANG ĐÔNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh