Lì xì tiền điện tử và phong tục đầu năm thú vị ở các nước đón Tết Âm lịch
- Văn hóa
- 16:15 - 25/01/2020
Lì xì là phong tục ngày Tết ở nhiều quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc và Singapore. Theo quan niệm, tiền lì xì sẽ mang lại may mắn và những điều tốt lành cho người nhận, đặc biệt là trẻ em. Người ta thường đặt lì xì trong phong bao màu đỏ tượng trưng cho như ý, cát tường và thịnh vượng. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có cách lì xì riêng.
Theo tờ Người Đưa Tin, nhằm bảo vệ môi trường, các ngân hàng tại đất nước Singapore đã giảm số lượng phong bao sản xuất để chuyển sang các hình thức lì xì khác thân thiện với môi trường hơn; đồng thời thu lại baop lì xì đã sử dụng để tái chế.
Các ngân hàng trong hai năm qua cũng khuyến khích người dân Singapore lựa chọn chuyển khoản hoặc gửi tiền kỹ thuật số thay cho lì xì trong dịp Tết Nguyên đán. Đúng như mong đợi, hình thức này đã nhanh chóng trở nên phổ biến.
Hơn 1,5 triệu đô la Singapore đã được nạp vào thẻ quà tặng QR trong chương trình thí điểm bởi ngân hàng DBS trong dịp Tết Nguyên đán năm 2019.
Theo tính toán của ngân hàng, chỉ cần giảm 1% lượng tiền mặt sử dụng, khách hàng có thể giúp giảm lượng khí thải carbon tương đương với việc trồng thêm 600 cây.
Theo ông Sunny Quek, người đứng đầu dịch vụ tài chính tiêu dùng tại ngân hàng OCBC của Singapore, ứng dụng di động Pay Who của ngân hàng này đã trở nên phổ biến hơn - đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán - khi giúp mọi người gửi tiền lì xì cho nhau.
Trong hai tuần trước và sau Tết Nguyên đán năm 2019, khách hàng đã thực hiện gấp đôi số lượng giao dịch trên ứng dụng so với năm 2018. Số tiền giao dịch cũng tăng gấp ba lần so với năm 2018.
Đây cũng được coi là xu hướng tất yếu của tương lai. Trong một cuộc khảo sát năm 2018 tại Trung Quốc, có 80% số người được hỏi đã chọn hình thức lì xì kỹ thuật số thay vì sử dụng phong bao truyền thống.
Theo báo Zing.vn, hầu hết quốc gia đón Tết Âm lịch đều có phong tục lì xì ngày Tết với mong muốn mang lại may mắn cho người nhận. Ngoài ra, mỗi nước lại có những phong tục độc đáo riêng. Trước thời điểm giao thừa là lúc người dân một số nước châu Á tắm tất niên để xua đi những chuyện không may và những bụi trần vướng bận trong năm cũ, hướng đến một năm mới nhiều may mắn.
Bên cạnh đó, nhiều nước có tục ăn cơm tất niên. Đặc biệt, tục lệ này rất quan trọng đối với người Trung Quốc. Vào đêm cuối cùng của năm cũ, cả gia đình sẽ quây quần bên bữa cơm cuối cùng của năm.
Tại Việt Nam, người dân quan niệm cúng giao thừa để tiễn ông thần cai quản năm cũ và đón ông thần cai quản năm mới. Ngoài ra, ông cha ta còn coi ngày này là ngày tiên thường hôm Nguyên đán (ngày trước ngày giỗ). Vì vậy, vào ngày này, người dân thường đem trầu cau mời ông bà tổ tiên về ăn Tết. Trong khi đó, mâm cỗ cúng đêm giao thừa của người Hàn Quốc thường có hơn 20 món. Trong đó, món ăn không thể thiếu là ttok-kuk và món kim chi.
Theo quan niệm truyền thống, pháo hoa giúp đẩy lùi những linh hồn xấu xa và đem lại may mắn cho con người. Tập tục này bắt đầu tại Trung Quốc và trở nên phổ biến trên thế giới.
Người Hàn Quốc quan niệm nếu ai đi ngủ vào đêm đêm giao thừa, sáng hôm sau, người đó sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn khi thức dậy. Họ thường đốt các thanh tre trong nhà nhằm xua đuổi tà ma quấy rối.
Hái lộc đầu xuân là nét đẹp truyền thống trong năm mới của người Việt. Người ta thường đưa lộc non về nhà vào đêm giao thừa hoặc sang sớm mùng 1 Tết để cầu may mắn, rước lộc vào nhà. Tuy nhiên, những năm gần đây, tục lệ này đang bị lên án và dần thoái bỏ bởi gây tổn hại môi trường.