CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:50

Lê Minh Châu: “Đừng để đời ban ta…”

 

Những bức tranh phong cảnh thơ mộng, những bức chân dung rất có hồn, những bức vẽ trừu tượng không dễ hiểu mà cứ hút mắt, tất cả đều là gia tài từ mồ hôi, máu và nước mắt của Lê Minh Châu. Anh có thể vẽ bằng tay trái nhưng Châu quyết định học và vẽ tranh bằng miệng. Có những bức tranh, khi hoàn thiện xong mà miệng anh rỉ máu.

Lê Minh Châu vẽ cuộc sống bằng miệng

Tranh vẽ bằng miệng

Quê ở Trảng Bom (Đồng Nai), Lê Minh Châu được đưa vào Làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh) từ lúc được 6 tháng tuổi. Lần đầu nghe kể về hoàn cảnh gia đình và được về thăm nhà là lúc Châu đã được 12 tuổi. Đối với Châu, ký ức về quê hương, mái nhà và gia đình thật mờ nhạt. Chỉ là mái nhà tranh với những vách tôn hoen rỉ, với cha mẹ là những người nông dân cùng hai người anh và một người em gái lành lặn. Châu không muốn tìm hiểu sâu nhưng anh ý thức được rằng, mình đã “gánh” hết những mất mát và bất hạnh. Và anh cũng ý thức được hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên quyết tâm không thể làm gánh nặng cho bất kỳ ai.

Ở Làng Hòa Bình, 9 tuổi Châu mới vào học lớp một do thể trạng yếu. Bắt đầu đi học, Châu mới bộc lộ tài năng thiên bẩm khi được gặp họa sỹ Linh, cô giáo dạy vẽ của Làng Hòa Bình. Câu chuyện về cô Linh và những bức tranh của cô được vẽ trên tường đã truyền cảm hứng vẽ tranh và nhen lên trong trái tim Châu về hội họa. Rồi anh bắt đầu vẽ. Tác phẩm đầu tiên của Lê Minh Châu là ngôi nhà bình dị, yên ả. Đôi tay dị tật và yếu ớt vẫn có thể cầm cọ nhưng anh quyết định học vẽ tranh bằng miệng. “Nếu một ngày nào đó mình không thể vẽ bằng tay thì sao? Vậy thì chỉ còn miệng và không thể để cái miệng của mình trở nên vụng về và vô dụng được”. Châu nói.

Nụ cười luôn tỏa sáng trên môi chàng trai 27 tuổi này

Những ngày đầu ngậm cọ học vẽ tranh, cây cọ cứ rơi xuống đất liên tục, khiến mặt mũi anh lem luốc màu sơn. Đúng là không hề đơn giản chút nào với cả một người bình thường học vẽ, huống chi là với Châu. Nhưng Châu không đầu hàng số phận. Thậm chí có những lúc anh quên ăn cả ngày vì vẽ. Có những lúc ngồi vẽ liên tục 8 tiếng đồng hồ, khi buông cây cọ mới biết miệng đã chảy máu vì rách. Có những lúc cầm thìa mà Châu xúc nhầm lọ sơn và đưa lên miệng nhai ngon lành một lúc mới phát hiện ra.

Sự mê hoặc của những nét vẽ từ trí tưởng tượng, từ trí nhớ qua những chuyến đi đã giúp Lê Minh Châu làm ra những bức tranh đẹp như mơ, sinh động như cuộc sống. Nhờ có nó, anh thấy mình là người có ích dù thân thể không lành lặn, anh thấy được giá trị của sự lao động và tình yêu đối với nghệ thuật. Nên khi đủ 16 tuổi, bỏ qua mọi khuyên can, Châu quyết tâm rời làng Hòa Bình. “Tôi muốn ra ngoài tìm hiểu về xã hội, để trải nghiệm và để tự chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình”. Châu cho biết.

Và khi có ý định rời Làng, Châu đã có thời gian 3 năm tìm hiểu cuộc sống bên ngoài. Anh đã tích góp được một khoản tiền nho nhỏ từ việc bán báo, báo sách trong bệnh viện. Hôm rời Làng, Châu đã đi thật vội, anh sợ ánh mắt của những người đưa tiễn, anh sợ ngôi nhà thân thuộc sẽ níu anh lại. Châu đã khóc nức nở suốt một tiếng đồng hồ, hoang mang suy nghĩ không biết quyết định của mình có sáng xuất không, liệu mình có đứng vững trên đôi chân teo tóp, run rẩy này được không.

Rồi phút yếu lòng qua nhanh, Châu gạt nước mắt và trả lời với lòng mình phải cố gắng, phải mạnh mẽ đối đầu với cuộc đời mới. Anh đã đi về hướng Đồng Nai, nhưng không về nhà mình mà xin vào một ngôi chùa tá túc. Tại đây anh đã hoàn thành chương trình cấp ba ở một trường trung học phổ thông của huyện Trảng Bom và luôn dẫn đầu về thành tích học tập. Ngoài giờ học văn hóa, Châu học thêm công nghệ thông tin và tiếp tục vẽ tranh. Khi Châu quay lại Sài Gòn, anh còn nhận ra mình còn đam mê và có cả năng khiếu không chỉ ở vẽ tranh.

Ngoài vẽ tranh, Châu còn có khả năng thiết kế thời trang, thiết kế logo, nhận diện thương hiệu...

Không chấp nhận đàu hàng số phận

Cuộc sống ở Sài Gòn cho tất cả mọi người những cơ hội để thử sức và trải nghiệm năng lực. Châu quay về Sài Gòn để bắt đầu cuộc sống mới với một chân trong công ty thời trang giày cao gót. Mẫu thiết kế của anh được đánh giá rất cao và công ty đã đặt được nhiều đơn đặt hàng. Nhưng cũng chỉ được một thời gian, Lê Minh Châu cảm thấy đây chưa phải là nơi dừng chân thực sự của mình nên anh lại quyết định ra đi. Châu xin vào Trung tâm bảo trợ người khuyết tật Hóc Môn, mong muốn có một chỗ dựa ổn định để thực hiện đam mê hội họa.

Các thầy cô ở Trung tâm phân công Châu phụ trách thư viện sách. Những đầu sách tại thư viện ngồn ngộn và ngổn ngang, chỉ một thời gian ngắn, Châu đã xắp xếp ngăn nắp, khoa học. Mọi người tới thăm đều ngạc nhiên thán phục mô hình và xin được học theo. Được là chính mình, được khẳng định tài năng đúng nơi đúng chỗ chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của Lê Minh Châu. Tuy nhiên, có người đã lợi dụng sự khiếm khuyết của Châu. Những ý tưởng độc đáo, sáng tạo của Châu đã bị đánh cắp. Châu buồn và thất vọng và lại ra đi sau ba năm gắn bó tại trung tâm. Lần ra đi này, Châu đã vững vàng hơn, bản lĩnh hơn mà không còn sợ hãi với chông chai phía trước, dù đôi gối vẫn đau lắm, vẫn rỉ máu mỗi bước đi trên con đường mưu sinh. Châu tự răn mình: Hãy để đời ban ta, chứ đừng để ta ban đời… Nhờ thế, Châu vẫn giữ được niềm đam mê trong muôn vàn gian khó.

Châu xin vào làm cho các phòng tranh ở thành phố nhưng anh nhận thấy những bức tranh ở đây mang giá trị thị trường nhiều hơn là kết quả của trái tim, tâm hồn người họa sĩ nên anh lại phải ra đi. Lần này, Châu gặp được một ông chủ showroom nội thất tại quận 7. Rất may mắn, ông chủ là người làm kinh doanh nhưng lại yêu thích nghệ thuật. Ông dành riêng một góc cho Châu ở Showroom để thỏa sức vẽ tranh và trưng bày. Một ngày, có vị khách người Canada bất ngờ ghé showroom và ngắm nghía thật lâu chàng họa sĩ đang say sưa cầm cọ bằng miệng với bức tranh đang vẽ dở. Một vùng quê xanh mướt, yên bình ở miền Tây mới chỉ dần hiện ra nhưng ông khách nước ngoài vẫn quyết định đặt mua với giá 3 triệu đồng. Đó là khoản tiền bán tranh đầu đời của Châu, khiến anh cứ mãi lâng lâng.

Tranh của Lê Minh Châu 

Tranh của Lê Minh Châu bây giờ có cả sự trải nghiệm nhưng vẫn giữ được sự thăng hoa. Anh đã đi được gần một nửa địa danh trên đất nước và mỗi vùng đất đem đến cho anh những cảm xúc khác nhau, những cảm xúc ấy Châu ghi lại bằng tranh vẽ. Anh cho biết mình có thể vẽ cả đêm ngày mà không bao giờ cạn về cảm xúc và trung bình 15 phút hoàn thành một bức tranh. Với hơn 2000 bức tranh vẽ được, tranh của Lê Minh Châu không chỉ được khách hàng trong nước ưa chuộng mà nhiều người ở Mỹ, Nhật, Pháp cũng đặt mua. Anh còn có thể vẽ trên áo, thiết kế thời trang, vẽ “body painting” trên cơ thể người và nói thông thạo tiếng Anh, tiếng Nhật.

Lê Minh Châu giờ có thể coi là “rất ổn” với một phòng tranh trên đường Trần Não, quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Một ngày của Châu thật ngắn với những khung giờ sít sao. Những ngày trong tuần, anh đều kín lịch dậy vẽ, và trong sự tĩnh lặng của đêm, anh dành tình yêu cho niềm đam mê bất tận của mình vào những bức tranh. Lê Minh Châu chưa bao giờ thấy hài lòng với những gì mình đang có và chặng đường mình đã đi qua. Còn nhiều ấp ủ, nhiều dự định mà nhất định Châu sẽ phải đến đích.

ĐINH HOA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh