THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:25

Nhà văn, họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang: Viết và vẽ để trải lòng với cuộc sống

 

Nguyễn Thị Châu Giang có năng khiếu và mê viết văn, vẽ tranh từ rất sớm. Năm đang học lớp 4, tình cờ ba của Nguyễn Thị Châu Giang phát hiện được những bản thảo truyện ngắn của chị trong các cuốn tập, ông đã gửi đến một số tờ báo dành cho lứa tuổi học trò và truyện lần lượt được đăng. Đây thực sự là một cú hích khích lệ Nguyễn Thị Châu Giang càng đam mê viết văn hơn và viết ngày càng nhiều hơn, hay hơn.

Đó là những ký ức của một tuổi thơ với nhiều sắc màu lung linh và những cung bậc cảm xúc tươi rói, được viết ra với một giọng văn vừa dung dị, vừa hóm hỉnh đầy vẻ lạc quan tin yêu vào những điều tốt đẹp trong cuộc dù còn trăm bề khó khăn thiếu thốn. Những nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Châu Giang, dù còn nhỏ tuổi nhưng đã biết hướng ước mơ và khát vọng của mình tới những điều cao đẹp, giàu tính nhân bản. Suốt những năm tháng của tuổi học trò, Nguyễn Thị Châu Giang cứ vừa miệt mài học tập vừa viết văn và vẽ.

Năm 1990, khi mới tròn tuổi 15 Nguyễn Thị Châu Giang đã đoạt giải nhì cuộc thi Sáng tác và bình luận văn học và vài năm sau đó từng 2 lần đoạt giải nhất cuộc thi Hương đầu mùa (1993 – 1994); nhận giải Tác phẩm tuổi xanh của Báo Tiền Phong (1994)... Trong lĩnh vực sáng tác văn học cho đến nay Nguyễn Thị Châu Giang đã liên tục xuất bản hàng chục tập truyện ngắn, truyện ký, truyện dài và từng được vinh danh trong giải Văn học tuổi 20 và giải Văn học vì tương lai đất nước của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Trẻ.

Nhà văn, họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang bên những tác phẩm hội họa vừa được hoàn thiện của mình tại nhà riêng. 

Cùng lúc đam mê cả lĩnh vực văn chương và hội họa, nên sau nhiều đắn đo suy nghĩ như đứng giữa hai làn nước, cuối cùng Nguyễn Thị Châu Giang đã chọn Trường Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh để thi vào và dấn thân theo đuổi nghiệp vẽ. Ở lĩnh vực hội họa đường như cá tính sáng tạo của Nguyễn Thị Châu Giang được bộc lộ rõ nét hơn, táo bạo hơn, dữ dội hơn.

Năm 1998, vừa tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật TP.Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Châu Giang đã có những cuộc triển làm cá nhân gây xôn xao dư luận. Tác phẩm “Những gương mặt đến từ tương lai như tự vẽ mặt mình, với đôi mắt đầy âu lo thảng thốt đã đem lại cho Nguyễn Thị Châu Giang giải nhất cuộc thi “Ánh mắt trẻ - 2001” và được nhận học bổng du học 3 tháng bên Pháp.

Bước vào những năm đầu của thế kỷ 21, tên tuổi Nguyễn Thị Châu Giang trở nên quen thuộc và có ấn tượng trong làng văn, làng hội họa Việt Nam đương đại. Theo dòng thời gian và hiện thực cuộc sống xã hội, giờ đây văn và tranh của chị đã định hình rõ cá tính sáng tạo riêng, với những trải nghiệm được thể hiện dường như cũng đau đáu hơn, khắc khoải hơn, đa đoan hơn về số phận con người, nhất là phụ nữ.

Bức tranh lụa "Căn nguyên của cái đẹp" của nhà văn, họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang là một trong những tác phẩm được đông đảo công chúng yêu thích 

Những người phụ nữ trong tranh Nguyễn Thị Châu Giang khiến người xem phải se lòng trước một vẻ đẹp đầy sự kiên nhẫn chịu đựng. Trong tranh chị họ hiện hữu một cách đầy vẻ trắc ẩn, dường như không được hưởng hạnh phúc một cách tròn đầy. Trong làng hội họa TP.Hồ Chí Minh những năm qua, Nguyễn Thị Châu Giang là một trong số không nhiều những họa sĩ trẻ được mời tham dự triển lãm tranh ở nước ngoài gây được sự chú ý của công chúng yêu hội họa. Nguyễn Thị Châu Giang vẽ thuần thục và mê đắm cả hai chất liệu là sơn dầu và lụa.

Không trừu tượng, không lập thể, không siêu thực cứ chung thủy với chất liệu sơn dầu, lụa và hình khối, đường nét, sắc màu chân thực, nhưng với cái nhìn mới mẻ táo bạo mạnh mẽ về tình yêu và hạnh phúc, tranh Nguyễn Thị Châu Giang cứ như mê hoặc, dẫn dụ người xem đi vào cõi riêng như thiên đường ảo giác.

Đúng như chị đã nói: “Tôi vẽ những gì tôi lo lắng, yêu thương và cả những điều đã mất. Mỗi một bức tranh như tấm gương phản chiếu tâm hồn tôi. Chẳng bao giờ tôi thiếu đề tài hay ý tưởng. Khi tôi đang tràn đầy hạnh phúc, tôi sẽ có những bức tranh với sắc màu rực rỡ và thật đằm thắm. Nhưng đó là thứ sắc màu rực rỡ đầy sự dằn vặt nội tâm…”.

Tranh của chị bây giờ đã khác hẳn thời sinh viên. Nỗi buồn cũng khác và niềm vui cũng khác, cung bậc cảm xúc khác. Dường như những gì chưa thể hiện được trong văn chương đã được Nguyễn Thị Châu Giang giử gắm và trải hết lòng mình trong sắc màu, đường nét của hội họa. Đối với chị, vẽ trước hết là để giải thoát cho chính mình, vẽ về mình cũng là vẽ về thân phận của những người phụ nữ khác.

Ngắm nhìn những bức trang sơn dầu và lụa của chị người xem cảm nhận được cuộc sống với sắc màu tươi đẹp, lẫn cả những nỗi đau và sự mất mát. Những gương mặt phụ nữ, đa phần hao hao giống gương mặt của chính chị, với đôi mắt nhìn đầy vẻ khắc khoải âu lo đến thảng thốt xuất hiện khá nhiều trong tranh chị. Một Nguyễn Thị Châu Giang có vẻ dung dị hiền lành trong văn chương, nhưng lại rất mạnh mẽ, táo bạo và quyết liệt đầy cá tính sáng tạo trong hội họa.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh