Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương 2020 sẽ do Bộ VH-TT&DL chủ trì
- Văn hóa
- 16:33 - 21/12/2019
Theo quyết định số 3824/QĐ-BVHTTDL về tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2020, Lễ Giỗ Tổ Hùng vương nhằm giáo dục về ý nghĩa của Ngày Giỗ tổ; truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc; thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng và các bậc tiền nhân – những người đã có công lao, đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh giữ gìn, dựng xây và phát triển đất nước. Đồng thời giới thiệu về truyền thống lịch sử, văn hóa và những phong tục, tập quán tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam; cổ vũ các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh.
Với chủ đề "Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương", Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Canh Tý 2020 sẽ được tổ chức quy mô cấp Quốc gia từ ngày 1/3 đến ngày 10/3 Canh Tý (tức từ ngày 24/3 đến hết ngày 2/4/2020) tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì và các vùng lân cận. Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch sẽ do Bộ VH-TT&DL chủ trì, các hoạt động phần lễ, phần hội khác sẽ do tỉnh Phú Thọ và dự kiến các tỉnh tham gia tổ chức Giỗ Tổ năm 2020 (Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Bình Định và Thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp tổ chức.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, sẽ có nhiều hoạt động tôn vinh, quảng bá truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhằm giáo dục về ý nghĩa của Ngày Giỗ tổ Hùng Vương; truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc; thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng và các bậc tiền nhân – những người đã có công lao, đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh giữ gìn, dựng xây và phát triển đất nước. Đồng thời giới thiệu về truyền thống lịch sử, văn hóa và những phong tục, tập quán tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam; cổ vũ các tầng lớp nhân dân tộc, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bộ VH-TT&DL và Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ thống nhất và yêu cầu các cơ quan chuyên môn của Bộ và tỉnh phải phối hợp chặt chẽ, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết cho Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Canh Tý 2020. Với tinh thần chung là sẽ tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng trở thành một trong những lễ hội mẫu mực của cả nước. Yêu cầu đặt ra là phần lễ phải đảm bảo tính trang nghiêm, trọng thể, thành kính mang tính cộng đồng sâu sắc nhằm tôn vinh giá trị di sản "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" và Hát Xoan Phú Thọ. Phần hội phải gắn với các hình thức hoạt động vui tươi, lành mạnh nhằm giáo dục truyền thống hướng về cội nguồn, đảm bảo văn minh, tiết kiệm, huy động cao nhất các nguồn lực xã hội hóa. Bên cạnh đó phải kết hợp hài hòa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại có sức lan tỏa rộng rãi. Từ đó, thông qua tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng để từng bước xây dựng Khu Di tích lịch sử Đền Hùng trở thành trung tâm thực hành tín ngưỡng, văn hóa, lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Có thể khẳng định, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim đều hướng về nguồn cội. Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.
Trong hồ sơ đề trình UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" là di sản văn hoá thế giới đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Vì vậy, ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ", biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".