Lấy trẻ làm trung tâm thay đổi diện mạo giáo dục mầm non
- Giáo dục nghề nghiệp
- 14:03 - 25/11/2020
Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" giai đoạn 2016 - 2020. Chuyên đề nhằm bảo đảm tất cả trẻ đều được tạo cơ hội học tập qua chơi và bằng nhiều cách khác nhau phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của trẻ.
Trẻ "học bằng chơi, chơi mà học"
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm (LTLTT) không chỉ thực hiện ở những nơi có điều kiện tốt mà cả ở những nơi vật chất còn thiếu thốn. Kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện chuyên đề đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN). Đặc biệt, trẻ em được quan tâm đúng mức trong việc tạo cơ hội "học bằng chơi, chơi mà học", để phát triển toàn diện theo quan điểm giáo dục LTLTT.
"Trẻ phải phải được quan tâm, nuôi dạy khỏe mạnh, phát triển toàn diện, không béo phì, được sống trong môi trường an toàn không bạo lực, không bị mua bán, bắt cóc, không bị tai nạn thương tích; đặc biệt, trẻ phải được sống trong môi trường không bị ô nhiễm về nước sạch, vệ sinh", bà Minh nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh thông tin thêm, chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" nhằm tạo ra 3 chuyển biến căn bản đối với GDMN: Xây dựng môi trường giáo dục học mà chơi; Tạo sự chuyển biến trong năng lực của giáo viên và cán bộ quản lý trong đổi mới giáo dục và chăm sóc trẻ; Tạo sự chuyển biến trong sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc tổ chức hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ em mầm non.
Đại diện Phòng GD&ĐT Chí Linh, Sở GD&ĐT Hải Dương chia sẻ, xác định đích đến của chuyên đề là trẻ, phòng chú trọng chỉ đạo các trường tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ trong trường mầm non. Trong quá trình trẻ hoạt động, không nặng về hình thức sản phẩm của trẻ đẹp hay xấu, mà cần quan tâm xem trẻ có được hoạt động nhiều không, trẻ có vui vẻ, thoải mái, tự tin và hứng thú tham gia không, từ đó, giúp trẻ có thêm kiến thức, kỹ năng.
Cô Vũ Ngọc Dự, Hiệu trưởng Trường mầm non chất lượng cao Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đánh giá, chuyên đề đã thay đổi hẳn nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường về việc xây dựng một môi trường học an toàn, thân thiện, phù hợp với hứng thú, nhu cầu và khả năng của các bé.
Chị Nguyễn Thị Giang, phụ huynh học sinh ở Hà Nội chia sẻ, nhờ học tập ở trường, con đã có nhiều tiến bộ, không chỉ được học tập, vui chơi trong lớp mà còn được vui chơi ở ngoài giờ học như khám phá thiên nhiên trường lớp. Khi về nhà, con tự giác ăn, ngủ, nhanh nhẹn hơn nhiều trong các hoạt động, giúp phụ huynh yên tâm.
Đến nay, 100% các lớp, các trường có góc tuyên truyền về mục tiêu, nội dung chuyên đề. 98% cha mẹ trẻ được tuyên truyền về nội dung xây dựng trường mầm non LTLTT. Các cơ sở GDMN tích cực tổ chức ngày hội, ngày lễ, hội thi, hoạt động trải nghiệm cho trẻ có sự tham gia của cha mẹ trẻ.
Nhân rộng các điển hình tốt
Báo cáo của Vụ GDMN cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục liên quan đến công tác quản lý chỉ đạo; công tác kiểm tra, hỗ trợ của Bộ GD&ĐT, của các địa phương; thực hiện chuyên đề ở các điểm trường lẻ và cơ sở GDMN có điều kiện khó khăn; công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ, mức độ hiểu và vận dụng các tiêu chí… Những hạn chế này dẫn đến kết quả thực hiện một số nội dung của tiêu chí chuyên đề chưa đạt như mong đợi.
Vì vậy, trong thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp nhân rộng các điển hình tốt; triển khai thực hiện giai đoạn 2 Chuyên đề theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Rà soát, điều chỉnh bổ sung, cụ thể hóa các tiêu chí của chuyên đề phù hợp với địa phương để hướng dẫn quản lý, dạy học, nhằm nâng cao chất lượng phát triển toàn diện trẻ em mầm non.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, công tác phối hợp cha mẹ trẻ em dưới nhiều hình thức; khuyến khích các cơ sở GDMN chủ động thực hiện phối hợp giữa cơ sở GDMN với gia đình và cộng đồng.
Theo Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh, không có một mô hình duy nhất phù hợp với tất cả các trường mầm non trên toàn quốc, bởi mỗi vùng miền có những đặc thù riêng. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương phải xây dựng được các mô hình điểm. Toàn quốc hiện có trên 3.000 trường mầm non điển hình cho các vùng miền để thực hiện chuyên đề này. Bộ GD&ĐT sẽ có đánh giá để nhân rộng trong thời gian tiếp theo.
Tiếp tục triển khai chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" trong giai đoạn tới cũng là kiến nghị của các nhà trường, giáo viên. Cô giáo Đỗ Thị Hòa, Trường Mầm non Núa Ngam, tỉnh Điện Biên bày tỏ mong muốn tiếp tục được tạo điều kiện giao lưu, học hỏi nhiều hơn kinh nghiệm tổ chức hoạt động giáo dục, chăm sóc lấy trẻ làm trung tâm từ các trường bạn, tỉnh bạn.