Giải pháp cho giáo dục mầm non giai đoạn 2021-2030
- Giáo dục nghề nghiệp
- 23:28 - 07/06/2020
Giáo dục mầm non trong giai đoạn tới đòi hỏi nhiều giải pháp hơn
Tại phiên họp cho ý kiến về "Định hướng mục tiêu và giải pháp cho Giáo dục Mầm non trong Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng tiểu ban Giáo dục mầm non Nguyễn Hữu Độ cho biết, nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục (2011-2020), GDMN đã có bước phát triển mạnh mẽ, nổi bật là hoàn thành mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Các nhiệm vụ đối với GDMN trong giai đoạn tới sẽ rộng hơn, đòi hỏi nhiều giải pháp hơn.
Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị tốt cho trẻ em vào học lớp 1; định hướng đến năm 2030 phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo, còn lộ trình thực hiện tùy thuộc vào điều kiện thực tế.
PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN báo cáo đề xuất Bộ chỉ số phát triển giáo dục cơ bản để phục vụ quản lý ngành với 3 nhóm chỉ tiêu, chỉ số. Nhóm chỉ tiêu, chỉ số về tiếp cận giáo dục (tỷ lệ huy động trẻ em mầm non đến trường). Nhóm chỉ tiêu, chỉ số về điều kiện bảo đảm chất lượng (số giáo viên/nhóm, lớp, tỷ lệ giáo viên mầm non có bằng cao đẳng trở lên, tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho GDMN). Nhóm chỉ tiêu, chỉ số về chất lượng giáo dục (tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình GDMN, tỷ lệ trẻ mầm non suy dinh dưỡng).
Căn cứ vào Bộ chỉ số này, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, phương hướng, nhiệm vụ phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đối với cấp học mầm non, các ủy viên Hội đồng, các chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục thống nhất, 7 chỉ số thuộc 3 nhóm chỉ tiêu, chỉ số nêu trên cơ bản phù hợp và cần thiết.
Để bảo đảm chất lượng GDMN, các đại biểu cho rằng, cần duy trì cả hai chỉ tiêu: Tỷ lệ giáo viên/lớp, nhóm lớp, và số trẻ em, giáo viên. Đặc biệt, các chỉ tiêu, chỉ số phải cân đối nguồn lực thực hiện, cả về cơ sở vật chất và giáo viên. Theo GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cần có thêm dự báo cụ thể để đưa ra những chỉ số có tính đột phá, huy động được các nguồn lực đầu tư cho trẻ em trong giai đoạn 0 - 5 tuổi, vì đây là giai đoạn vàng, có ý nghĩa cực kỳ lớn đối với sự phát triển đất nước sau này.
Thực hiện tốt 7 chỉ số phát triển GDMN
Qua các ý kiến trao đổi, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định, cần thực hiện tốt 7 chỉ số phát triển GDMN. Thứ trưởng đánh giá, chỉ số tỷ lệ huy động trẻ em mầm non đến trường (thuộc nhóm chỉ tiêu, chỉ số về tiếp cận giáo dục) thể hiện sự công bằng trong giáo dục. Việc vận động học sinh đến lớp chính là vấn đề phổ cập, nhưng để học sinh được học có chất lượng thì phải quan tâm chú trọng hơn nữa.
Thứ trưởng tán thành với đề xuất các chỉ số: Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước cho GDMN; tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình GDMN; Tỷ lệ trẻ mầm non suy dinh dưỡng.
"Cần quan tâm đến chương trình giáo dục, mục tiêu giáo dục và cách thức đánh giá học sinh phù hợp, thực chất. Riêng về chỉ số dinh dưỡng, đây là chỉ số quan trọng, không thể thiếu đối với GDMN, cần được đưa vào chiến lược phát triển", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý.