CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:59

Khoa học công nghệ & kinh tế tri thức là nền tảng phát triển bền vững.

 

Nền kinh tế gia công

Đã có nhiều chứng minh cho rằng nền kinh tế của nước ta là nền kinh tế gia công toàn diện. Khu vực FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) hay khu vực trong nước cũng đều là gia công. Nền kinh tế gia công hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài và tổ chức nhằm phục vụ nhu cầu của họ. Hệ quả của nền kinh tế gia công để lại đã quá rõ. Nó không những phải nhập khẩu nguyên vật liệu mà còn có thể lại phải mượn tiền để xây dựng nhà máy, bằng cách bán khoáng sản và vay mượn để có ngoại tệ. Do dựa vào dòng vốn nước ngoài, lại cố chạy theo tốc độ, nó dễ trở thành bãi rác công nghiệp, nhập công nghệ lạc hậu ô nhiễm môi trường mà nước tiên tiến thải ra. Nhưng vì phải phục vụ dòng vốn đó, ta phải xây cơ sở hạ tầng: giao thông vận tải, điện, nước,... Vì thế, suất đầu tư cho một đơn vị sản phẩm rất cao.

Lâu nay, lao động Việt Nam được đánh giá là cần cù, siêng năng, sáng tạo và đặc biệt là nhân công giá rẻ. Vì thế mà trước đây, chúng ta phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào giá nhân công rẻ và nguồn vốn lớn. Cũng như Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ, Campuchia và Bangladesh, Việt Nam dần trở thành “công xưởng của thế giới”. Có thời gian dài, chúng ta chuyên làm gia công (outsourcing) cho các tập đoàn lớn như Nike, Adidas,… Trong lĩnh vực may mặc và một số ngành công nghiệp nhẹ khác, giá nhân công của Việt Nam chỉ thấp hơn Trung Quốc, còn lại đều cao hơn các nước. Vì vậy, với yếu tố lương thấp, suất đầu tư thấp đã không bảo vệ ngành may mặc trước sự cạnh tranh của các nước. Với những phân tích trên, Việt Nam cần một mô hình kinh tế tối tưu hơn cho phát triển đất nước.

Mô hình tăng trưởng cần hướng đến

Mô hình tăng trưởng mà chúng ta cần hướng đến là một mô hình tập trung về chất lượng, năng suất lao động và tính cạnh tranh của nền kinh tế, nghĩa là đi vào chiều sâu. Tổ chức Economist Intelligence Unit (DN độc lập thuộc Tập đoàn Economist, chuyên về cung cấp dịch vụ dự báo và cố vấn qua nghiên cứu, phân tích cho các Chính phủ) dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam năm 2016 sẽ vào khoảng 6% và có thể sẽ còn tăng cao hơn trong năm 2017.

Dự kiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới sẽ dao động từ 6,5% đến 6,7%. Để duy trì tốc độ tăng trưởng này, Việt Nam sẽ phải tập trung vào tăng thu hút đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, kết hợp với phát triển thương mại bởi vì yếu tố giá nhân công rẻ và nguồn vốn lớn đã không thể phát huy được lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay. Riêng về thu hút đầu tư, chúng ta không kêu gọi đầu tư bằng mọi giá, tránh những “Formosa” thứ 2, thứ 3 xảy ra nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Khi đầu tư vào những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ lớn (công nghệ nano, công nghệ sinh học, điện tử, viễn thông,...) và tính tự động hóa cao lại phát sinh vấn đề bộ máy nhân lực vận hành. Vì thế, chúng ta cần chuẩn bị trước các phương án đào tạo và đạo tạo lại cho lực lượng lao động nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao.

Như chúng ta đã biết, trong nền kinh tế kế hoạch thì các nguyên tắc, cách thức và yếu tố chi phối chủ đạo là kế hoạch, do Chính phủ chỉ đạo và quản lý những gì sẽ được sản xuất, cho ai và sản xuất bao nhiêu, với sự nhấn mạnh đến yếu tố phúc lợi xã hội là chủ yếu. Tiếp sau đó là nền kinh tế thị trường, các nguyên tắc, cách thức và yếu tố chi phối chính là thị trường. Ở đó, vai trò của Nhà nước được hạn chế tối đa trong chi phối hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Một mô hình kinh tế mới xuất hiện, tiến bộ hơn hai mô hình kinh tế trên là mô hình kinh tế tri thức. Trong kinh tế tri thức, các nguyên tắc, cách thức, yếu tố chi phối các hoạt động kinh tế chính là tri thức con người. Đây là mô hình kinh tế lý tưởng mà nhiều nước đã, đang xây dựng và phát triển bền vững.

Sau thế chiến đệ nhị, nền kinh tế Nhật Bản trong giai đoạn mò mẫm để tìm ra con đường vực dậy từ tình trạng hỗn loạn do thất bại sau chiến tranh để lại. Nền kinh tế Nhật Bản sau thời kì phát triển cao độ đó vẫn có những bước phát triển bền vững và đến ngày nay đã biến nước Nhật trở thành một cường quốc kinh tế của thế giới.

Sự thành công của mô hình phát triển kinh tế Nhật Bản dần thu hút được sự quan tâm đặc biệt trong thế giới tự do sau chiến tranh. Có không ít các quốc gia đang phát triển ấn tượng với mô hình phát triển của Nhật bản, lấy đó làm hình mẫu để đưa ra chính sách phát triển kinh tế đất nước. Vậy đâu là nguyên nhân làm cho Nhật Bản trở thành một siêu cường kinh tế như ngày nay. Tựu trung có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, họ luôn xem trọng yếu tố con người và quan niệm vốn con người là tài sản của xã hội.

Bằng những điều luật bảo vệ quyền lợi và cuộc sống sinh hoạt của người lao động cùng với việc các công ty Nhật Bản áp dụng chính sách tuyển dụng cả đời, tăng lương theo số năm làm việc đã giúp người lao động có thể hoàn toàn yên tâm để cống hiến hết tinh thần, sức lực, trí tuệ cho công việc. Người Nhật luôn đề cao tinh thần đoàn kết và tinh thần dân tộc. Giới quản lý và kinh doanh của Nhật Bản được đánh giá là những người sắc xảo, nhạy bén trong việc nắm bắt thị trường, đổi mới phương pháp kinh doanh, đem lại thắng lợi cho các công ty Nhật Bản trên thị trường quốc tế. Thứ hai, người Nhật xem đổi mới, cải tiến trong sản xuất là yếu tố sống còn. Nhật Bản đã chú trọng ứng dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật mới nhất của Âu - Mỹ bằng cách nhập khẩu công nghệ, kỷ thuật, mua các phát minh sáng chế.

Từ năm 1950 đến năm 1971, tổng số vụ nhập khẩu kỹ thuật của Nhật là 15.289 vụ, gần 70% là của Mỹ, hơn 10% của Tây Đức. Nhờ đó đã cải tạo căn bản tài sản cố định và góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội. Tốc độ tăng năng suất lao động trung bình hằng năm của Nhật Bản thời kỳ 1955-1965 là 9,4%. Việc mua các phát minh cho phép Nhật Bản tiếp cận với thành tựu mới nhất của khoa học - kỹ thuật.

Tính đến năm 1968, tổng giá trị những phát minh mà Nhật Bản mua của nước ngoài vào khoảng 6 tỷ USD. Để có những phát minh đó, các nước khác phải tốn tới khoảng 120-130 tỷ USD, như vậy Nhật Bản đã tiết kiệm được khoảng 100 tỷ USD, bằng 1/3 tổng tài sản cố định tích lũy trong thời gian này. Bằng cách đi khôn ngoan, chỉ hơn 20 năm sau chiến tranh, nền khoa học - kỹ thuật của Nhật Bản có bước phát triển nhảy vọt. Đến đầu những năm 1970, Nhật Bản đã đạt trình độ cao về tự động hóa, trình độ sử dụng máy vi tính trong một số ngành sản xuất… Đó là những nhân tố tác động rất mạnh đến tốc độ phát triển kinh tế của Nhật Bản sau chiến tranh. 

Nhìn chung, với sự tiến bộ của khoa học công nghệ cũng như nền kinh tế nước ta đang dần chuyển sang kinh tế tri thức, do đó chúng ta cần phải phát huy mô hình tăng trưởng mới. Đó là tăng năng suất lao động, sử dụng tri thức, áp dụng triệt để những thành tựu của khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh,... Chúng ta không thể phát triển kinh tế lâu dài bằng nhân công giá rẻ, nguồn vốn nhiều và nguồn tài nguyên dồi dào như giai đoạn trước đây, cũng như không đánh đổi thu hút đầu tư bằng mọi giá. Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam phải được xây dựng bằng kinh tế tri thức, trình độ khoa học công nghệ tiên tiến. Đó cũng là cách thức để chúng ta có thể phát triển bền vững trong giai đoạn hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế như hiện nay. 

Ths. HOÀNG TRỌNG LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh