THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:26

“Vận động hành lang”- nhìn từ góc độ kinh tế.

 

"Văn hóa lobby” ở nước ta.

Hoạt động vận động hành lang không phải là mới ở các nước phát triển, nhưng vấn đề này hiện vẫn còn nhiều tranh luận ở nước ta. Hiểu một cách đơn giản thì vận động hành lang là quá trình, nỗ lực đưa ra chính kiến, tác động của một nhóm lợi ích hoặc tổ chức, cá nhân đối với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền nhằm gây ảnh hưởng đối với chính sách của nhà nước qua đó nhằm biến đổi chính sách đó theo định hướng nhất định.

Khi cuộc chạy đua đàm phán chiếc vé trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) sắp kết thúc thì vận động hành lang đã trở thành đề tài tranh luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Hoặc như câu chuyện lobby của Liên hiệp các hội khoa học & kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) liên quan đến dự án thủy điện Sơn La là một trong những trường hợp lobby cho thấy sự cần thiết của vận động hành lang trong quá trình hình thành chính sách là rất quan trong. Khi đó, Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất với Chính phủ thông qua dự án khả thi với phương án Sơn La cao, trong khi còn nhiều chi tiết về sự an toàn của dự án chưa được thẩm định cụ thể. Nhóm các nhà khoa học thuộc VUSTA ngay sau đó đã bày tỏ mối quan ngại qua kênh vận động hành lang vào nghị trường Quốc hội với mục đích: các yếu tố về mức độ an toàn, tác động của dự án đối với môi trường và con người xung quanh phải được đưa ra phân tích chi tiết và bàn luận một lần nữa trước khi dự án được thông qua. Kết quả là với những chứng minh khoa học cụ thể, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án với số phiếu trung bình.

Câu chuyện trên cho thấy khi đưa ra bất kỳ một quyết định duy lý nào, con người luôn dựa trên xuất phát điểm là lợi ích cá nhân. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự hình thành nên những “nhóm lợi ích” khác trong xã hội. Đặc biệt hơn, các nhóm lợi ích này càng được diễn biến nhanh chóng dưới tác động của cơ chế kinh tế thị trường. Các nhà đầu tư nước ngoài, tổng công ty nhà nước và kể cả các tập đoàn tư nhân đều tìm cách gây ảnh hưởng lên các quyết định của chính quyền để có được những lợi ích kinh tế và chính sách.

 

Ảnh minh họa

Vận động hành lang ở các nước.

Một trong những giải pháp để giải quyết mâu thuẫn lợi ích tại nhiều nước trên thế giới là thông qua biện pháp dung hòa lợi ích bằng hoạt động vận động hành lang. Hoạt động này được hiểu như một hoạt động ngoại giao nhằm tác động vào một người hoặc một số người có đủ thẩm quyền nhằm có được kết quả như mong muốn.

Các chính trị gia ở châu Mỹ, châu Âu thậm chí còn ví von vận động hành lang như là quyền lực thứ năm trong một xã hội dân chủ, sau bốn quyền lực truyền thống là: hành pháp, lập pháp, tư pháp và truyền thông. Những người vận động hành lang được ví như những ông trùm bẻ lái chính sách. Mỹ được xem là nơi khai sinh ra hoạt động vận động hành lang. Cuộc đắc cử tổng thống Mỹ của ứng cử viên tỷ phú Donald Trump gần đây một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của hoạt động này. Bruce Josten, một nhà vận động hành lang tại Phòng Thương mại Mỹ, tiết lộ rằng ông đã thảo luận với một số thành viên trong nhóm trợ lý và cố vấn của Trump. Phòng Thương mại muốn nhân dịp Trump đắc cử để thuyết phục ông tán thành xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone, một dự án mà chính quyền Obama hủy hoặc tái cho phép hoạt động khai thác dầu và khí đốt trên các vùng đất thuộc quyền quản lý của liên bang.

Ở châu Á, nền chính trị của Philippines trong gia đoạn từ 1946 - 1972 mặc dù có các thiết chế dân chủ tương tự như Mỹ nhưng vẫn bị lũng đoạn bởi sự cấu kết bởi các nhóm lợi ích tư. Các nhóm này được hình thành bởi một bên là khoảng 100 gia đình tài phiệt kinh tế muốn giành đặc quyền đặc lợi, với một bên là các chính trị gia cần tiền để “mua” phiếu bầu. Do nền kinh tế bị lũng đoạn đã làm cho nền dân chủ của Philippines đi đến sụp đổ và nhường bước cho chế độ độc tài của Ferdinand Marcos, tổng thống thứ 10 của Philippines. Đảo quốc này chỉ hồi sinh nhờ sự phát triển của các nhóm lợi ích công được sự ủng hộ to lớn của người dân. Thông qua vận đông hành lang với giới chính trị, các nhóm này đã tham gia trực tiếp và gián tiếp đến các vấn đề cải cách cấp chính phủ. Chỉ trong vòng sáu năm, từ 1992 - 1998, đã có tới 85 luật cải cách xã hội được thông qua.

Hai mặt của vận động hành lang.

Vận động hành lang là một nhu cầu có thật và cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng với thế giới thì hoạt động này càng trở nên thiết yếu. Tuy vậy, do nó không được kiểm soát có tính hệ thống và chưa được luật hóa thông qua các quy định cụ thể nên trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, hoạt động này đã trở thành đầu mối chính cho các tiêu cực xã hội như tham nhũng, quan liêu, sự câu kết giữa các gian thương và một một phận cán bộ biến chất nhằm lũng đoạn thị trường, giành đặc quyền đặc lợi cho cá nhân. Nguy hiểm hơn, vận động hành lang còn được hiểu là một kiểu “chạy”, từ chạy dự án, chạy bằng cấp đến chạy chức, chạy quyền,…

Điển hình như phi vụ chạy quota (hạn ngạch) vào năm 2007. Các doanh nghiệp đã “bôi trơn” hàng chục nghìn USD cho nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại là ông Mai Văn Dâu để ông này "giúp" các doanh nghiệp có hạn ngạch. Hậu quả của sự “biến thể” vận động hành lang này đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực về mặt tâm lý xã hội cho những doanh nghiệp tiềm năng muốn đầu tư làm ăn chân chính ở nước ta. Do văn hóa lobby du nhập vào nước ta không còn mang ý nghĩa đích thực là một kênh thông tin có nhằm nên sự đồng cảm của chính quyền và các doanh nghiệp, vì thế dẫn đến nhiều định kiến của những nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư của nước ta.

Tóm lại, từ thực tiễn hoạt động “lobby” ở Việt Nam trong những năm qua cũng sẽ là một kinh nghiệm quý giá để các nhà hoạch định chính sách định hướng con đường phát triển hợp lý và khoa học cho hoạt động này trong tương lai. Khi hội nhập với thế giới, cái mà cả chúng ta và các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn đó là xây dựng “văn hóa lobby” chứ không phải là “văn hóa phong bì”.

                                                          

ThS. LÊ HOÀNG TRỌNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh