Lao động Việt Nam gặp nhiều thách thức khi gia nhập TPP
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 15:04 - 27/11/2015
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP kết thúc đàm phán sau hơn 5 năm và cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) vừa được thông qua. Việc tham gia của Việt Nam và khả năng ràng buộc của thị trường lao động Việt Nam với các cộng đồng kinh tế này đã gần kề. Với kinh nghiệm gần 20 năm trong lĩnh vực nhân sự tại các tập đoàn đa quốc gia lớn tại Việt Nam, bà Phan Nguyên Nhật Thảo, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Amway Việt Nam chia sẻ cơ hội và thách thức cho nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh TPP và hiệp định ASEAN vừa được ký kết.
Bà Phan Nguyên Nhật Thảo |
- Việc thành lập cộng đồng chung ASEAN cùng hiệp định TPP vừa được ký kết sẽ tác động như thế nào đến nguồn nhân lực Việt Nam, thưa bà?
- Khi gia nhập vào cộng đồng kinh tế chung ASEAN hay TPP, tất cả các nước thành viên đều sẽ có sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu với tỷ trọng nghiêng về các ngành đòi hỏi nguồn nhân lực cao, dẫn đến sự phân hóa rõ trong nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động.
Điều này đòi hỏi lao động bậc trung cần nâng cao kỹ năng để đi lên, nếu không sẽ bị loại. Sự khan hiếm nhân lực ở các cấp bậc cao là một bài toán khó, đặc biệt với các nước đang phát triển. Bối cảnh đó sẽ mang đến nhiều thuận lợi cho các nước có đội ngũ lao động chất lượng cao. Đối tượng này có cơ hội tham gia vào các vị trí điều hành của các công ty tập đoàn ở những nước hoặc nền kinh tế khác, thông qua sự chuyển nhượng lao động giữa các nền kinh tế.
- Người lao động Việt Nam phải làm gì để thích ứng với bối cảnh hội nhập?
- Đòn bẩy kinh tế mà cộng đồng chung ASEAN và TPP đem lại cho Việt Nam là một cánh cửa lớn đối với lao động trong nước. Theo cam kết của hiệp định, các dự án và nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng lên. Điều này tạo ra rất nhiều cơ hội cho lao động trong nước được tiếp xúc với môi trường làm việc chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm từ các quốc gia có bề dày phát triển.
Để có được nguồn nhân lực tốt, các doanh nghiệp trong nước cần có những thay đổi tích cực để thu hút lao động có tay nghề và phát triển. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng môi trường làm việc và giải quyết vấn đề việc làm. Bên cạnh đó, các công ty vào Việt Nam theo cơ hội này sẽ đem theo công nghệ tiên tiến, nền tảng kiến thức chuyên sâu và đội ngũ lao động có trình độ cao. Tôi đánh giá đây là cơ hội tốt để lao động trong nước cọ xát, học hỏi và phát triển.
Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề ở nhiều khía cạnh, đem lại cơ hội nhưng kèm theo khá nhiều thách thức như liệu lao động trong nước đã chuẩn bị tốt cho quá trình hội nhập. TPP được biết đến là một trong những thị trường tự do thương mại lớn nhất thế giới, do đó sẽ có những đòi hỏi rất cao về nguồn lực lao động. Đây là lúc chúng ta phải nhìn nhận đúng ưu điểm và yếu điểm của nguồn nhân lực trong nước để phát huy ưu điểm và khắc phục yếu điểm cho quá trình hội nhập này.
- Theo bà, đâu là lợi thế cạnh tranh của lao động Việt Nam so với các nước?
- Người Việt vốn thông minh, cần cù và ham học hỏi, điều này cũng được thể hiện rõ nét trong nguồn lao động trẻ hiện nay. Giới trẻ đang ngày một phát triển, họ không còn bằng lòng với những gì có sẵn mà tự dấn thân tìm hiểu và phát triển cái mới. Ngày nay, không hiếm các bạn tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã thành công với các dự án riêng và được bạn bè quốc tế công nhận. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người lao động trẻ vẫn đang loay hoay tìm con đường đi của mình. Không phải vì họ không giỏi mà vì họ vẫn còn thiếu những kỹ năng cơ bản của quá trình hội nhập mà các công ty, tập đoàn lớn tìm kiếm, tiêu biểu là khả năng ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khi làm việc đội nhóm.
Trước thách thức mà TPP và cộng đồng chung ASEAN đem lại, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo nên có sự gắn kết hiệu quả hơn trong việc đào tạo và sử dụng lao động. Điều này sẽ giúp nguồn nhân lực trẻ được đào tạo bài bản, sát với thực tế ngay từ đầu, tránh được sự bỡ ngỡ khi chính thức đặt chân vào môi trường làm việc.
Đơn cử như tại Amway, ngay từ khi có mặt tại thị trường Việt Nam, chúng tôi đã chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của nhân viên và hiện thực hóa qua việc nghiên cứu và thiết kế những chương trình phát triển nhân sự riêng. Ví dụ như chương trình phát triển nhân tài và hoạch định nguồn lực kế thừa ở cấp quản lý, đào tạo kỹ năng chuyên môn và kỹ năng lãnh đạo hàng năm. Công ty còn có chương trình thực tập cho sinh viên sắp ra trường, tham quan nhà máy Amway Việt Nam nhằm hỗ trợ sinh viên trải nghiệm quy trình hoạt động sản xuất thực tế. Mỗi nhân viên đều có thể tự học tại Amway University - chương trình học trực tuyến của Amway toàn cầu. Điều này giúp mọi người phát triển kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng mềm cũng như các kiến thức chuyên môn nhằm thúc đẩy sự phát triển và hoàn thiện bản thân.
Đó là những điều kiện cần cho sự phát triển bản thân của người lao động nhưng chưa đủ để đạt được sự thành công trong môi trường cạnh tranh này. Chính họ phải tự ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp chuyên môn, nâng cao kỹ năng làm việc, và trau dồi khả năng giao tiếp ngoại ngữ.
- Đánh giá của bà về nhân lực chất lượng cao của Việt Nam so với các nước ASEAN?
- Tôi tin chắc rằng chúng ta không thiếu nhân tài và lao động Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng vươn tầm quốc tế trong bối cảnh gia nhập TPP và cộng đồng kinh tế chung ASEAN. Điều họ cần làm bây giờ là hãy tự tin để học hỏi và phát huy những tiềm năng sẵn có trên nền tảng kiến thức và cơ hội mà cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và xã hội đem lại. Hãy cố gắng trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để cùng đưa nền kinh tế Việt Nam ra biển lớn.
- Nguồn nhân lực giá rẻ của Việt Nam được xem như yếu tố cạnh tranh để thu hút đầu tư nước ngoài. Khi tham gia TPP, AEC, yếu tố này sẽ phát huy ra sao?
- Trước đây chúng ta định vị nguồn nhân lực giá rẻ như một yếu tố cạnh tranh và hiện nay điều này không còn phù hợp nữa. Khi định vị giá rẻ thì chúng ta sẽ bỏ qua yếu tố quan trọng là phát triển năng lực nội tại của chính người lao động. Nhưng hội nhập quốc tế đòi hỏi nhân lực phải có những năng lực đạt chuẩn như khả năng lãnh đạo, thích nghi môi trường, khả năng quản lý thay đổi, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, vốn ngoại ngữ... Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải tạo ra một môi trường mà trong đó có sự gắn kết cao với nhân viên.
Amway gồm nhiều nhân viên trẻ đến từ các môi trường giáo dục và làm việc khác nhau. Việc duy trì sự kết nối là điều cần thiết để giúp từng cá nhân có cơ hội phát triển từ đó góp phần tích cực vào sự phát triển chung. Một trong những hoạt động tích cực và hiệu quả nhất của chúng tôi là chương trình khảo sát lắng nghe tiếng nói của nhân viên hàng năm. Thông qua hoạt động này, chúng tôi có thể lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân viên từ đó để xuất những chiến lược gắn kết nhân sự phù hợp.