THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:41

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo TPP: Thiết lập một Hiệp định khu vực toàn diện và cân bằng

 

" Hôm nay, chúng tôi, các nhà Lãnh đạo của 12 quốc gia thành viên, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam gặp nhau để đánh dấu việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chúng tôi chúc mừng các Bộ trưởng và các Đoàn đàm phán, sau hơn 5 năm đàm phán, đã đạt được mục tiêu đề ra vào năm 2011, đó là, thiết lập một Hiệp định khu vực toàn diện và cân bằng – một Hiệp định trải dài khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm 3 lục địa và tạo ra một thị trường rộng lớn với 800 triệu dân.

Các đại biểu tham dự hội nghị dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Thông qua việc xây dựng các quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao để hỗ trợ các hoạt động giao thương trong thế kỷ 21 và thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư đầy tham vọng, Hiệp định TPP sẽ củng cố và mở rộng các mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế TPP; tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực và toàn cầu của các thành viên, hỗ trợ tạo công ăn việc làm và cơ hội mới cho giới trẻ; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển cũng như hỗ trợ cải cách và xóa đói giảm nghèo, đồng thời đảm bảo những lợi ích tốt nhất cho người dân.

Chúng tôi vui mừng nhận thấy toàn văn Hiệp định TPP đã sẵn sàng cho việc rà soát và xem xét trước khi được ký kết. Chúng tôi mong sắp tới sẽ ký kết để nhanh chóng xem xét và thông qua Hiệp định TPP theo đúng thủ tục nội bộ ở mỗi nước thành viên. Tiếp đó, chúng tôi sẽ tập trung thực thi đầy đủ Hiệp định để những người tiêu dùng, những người công nhân, nông dân và các doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, có thể gặt hái các lợi ích của Hiệp định càng sớm càng tốt cũng như được hưởng một tương lai tốt đẹp hơn mà Hiệp định TPP đem lại.

Song song với việc tập trung vào phê chuẩn và thực thi kết quả đàm phán, chúng tôi cũng chú ý tới sự quan tâm của các nền kinh tế trong khu vực. Sự quan tâm này khẳng định rằng, thông qua Hiệp định TPP, chúng tôi đang tạo ra một mô hình mới và hấp dẫn cho hoạt động trao đổi thương mại tại một trong những khu vực tăng trưởng nhanh và năng động nhất thế giới.

Chúng tôi hoan nghênh Ngài Thủ tướng Trudeau lần đầu tiên tham dự cuộc họp Lãnh đạo các nước TPP sau khi nhậm chức trước đây 2 tuần. Chúng tôi cũng hoan nghênh cam kết của Ngài Thủ tướng về việc Ngài sẽ cùng chính phủ mới của Ngài tiến hành rà soát và tham gia vào quá trình tham vấn đối với Hiệp định TPP".

 

Diễn đàn APEC là một trong những cơ chế hợp tác đa phương quan trọng hàng đầu ở khu vực và đối với Việt Nam. Từ khi gia nhập APEC tháng 11/1998, Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ nhà APEC năm 2006, thúc đẩy thông qua Chương trình Hành động Hà Nội về thực hiện các Mục tiêu Bogor và là một trong những thành viên chủ động, tích cực đề xuất, triển khai hơn 90 sáng kiến ở hầu hết mọi lĩnh vực hợp tác của Diễn đàn. Hiện Việt Nam đang tích cực triển khai các công tác chuẩn bị đăng cai Năm APEC 2017.

Chiều 18/11, tại Cuộc họp Cấp cao của các nhà Lãnh đạo Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lần thứ 6 đã diễn ra tại Manila, Philippines. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định hoàn tất Hiệp định TPP cùng với sự ra đời của Cộng đồng ASEAN là những dấu mốc có ý nghĩa to lớn, tạo động lực mới cho tăng trưởng, liên kết khu vực, góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác, liên kết và tăng trưởng bền vững, bao trùm của APEC và cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Để đạt được mục tiêu chung này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các thành viên cần tiếp tục phát huy tinh thần hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, quan tâm thỏa đáng đến thực tiễn và sự đa dạng về trình độ phát triển của các nước TPP, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực thực thi để bảo đảm người dân ở các quốc gia thành viên đang phát triển có thể được hưởng lợi từ Hiệp định TPP.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc Hiệp định TPP ngày càng nhận được sự quan tâm của các đối tác ở khu vực là tiền đề thuận lợi hướng tới việc hình thành Khu vực Thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương, góp phần làm gia tăng tính hấp dẫn và ý nghĩa của Hiệp định TPP đối với tiến trình liên kết khu vực trong giai đoạn mới.

Thanh Nhung/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh