THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:33

Tham gia TPP: Người tiêu dùng hưởng lợi hàng chính hãng

Hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến phức tạp

Khi thương mại được tự do hóa, rào cản về thuế được loại bỏ thì điều đó đồng nghĩa với việc hàng giả hàng nhái từ nước ngoài sẽ có cơ hội tràn vào Việt Nam. Tuy nhiên, ông Trần Bá Cường, Trưởng phòng WTO (Vụ Đa biên - Bộ Công Thương) khẳng định tại hội thảo "Chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ thương hiệu trong hội nhập AFTA và TPP" vừa diễn ra: “Không nên quá lo ngại về vấn đề này. Không phải cứ hội nhập, mở cửa thương mại là những cái xấu tràn vào.

TPP hiện bao gồm 12 thành viên, chủ yếu là những nước phát triển như: Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Chi Lê, Peru, Mexico... là những nước có hàng hóa chất lượng tốt”. Ông Cường phân tích, hàng giả, hàng nhái mà chúng ta lo ngại hầu như đều xuất phát từ những quốc gia chưa phải thành viên của TPP. Theo đó, chúng ta cũng không nên quá lo ngại là nếu như TPP có hiệu lực thì hàng giả, hàng nhái sẽ ồ ạt vào Việt Nam.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo 389, trong 9 tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 149.926 vụ việc vi phạm (tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2014); thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra truy thu thuế ước đạt 8.759 tỷ 548 triệu đồng; khởi tố 987 vụ. Trong đó, có nhiều vụ việc nghiêm trọng, quy mô lớn đã bị phát hiện, xử lý như: Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và C74 (Tổng cục Cảnh sát) phát hiện, bắt giữ 95,54kg ngà voi, 4,76kg sừng tê giác trong hành lý của hai khách nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay từ châu Phi; Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, bắt giữ 94 khẩu súng ngắn quân sự và 472 hộp tiếp đạn chưa qua sử dụng; lực lượng cảnh sát biển bắt giữ 82.000 bao thuốc lá lậu...

Khi Hiệp định TPP có hiệu lực, người tiêu dùng sẽ được mua hàng hiệu, hàng chính hãng với giá rẻ.

Ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, thời gian gần đây, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp. Các hành vi vi phạm diễn ra ở mọi lĩnh vực. Hàng giả xâm phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào tiêu thụ trong nước bằng nhiều đường, cả chính ngạch và tiểu ngạch, trong đó chủ yếu nhập lậu thông qua biên giới với Trung Quốc. Năm 2015, một số mặt hàng giả được dư luận đặc biệt quan tâm là tân dược, thực phẩm chức năng, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, mỹ phẩm... Điều này cho thấy, công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các loại hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ còn gặp nhiều khó khăn. Việc xử lý tội làm hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều bất cập. Vì vậy các doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ thương hiệu của mình trước khi Việt Nam hội nhập AFTA và TPP.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Công San, Phó chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Hiện nay, tình trạng sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ còn nhiều diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nghiêm trọng, không chỉ gây thiệt hại cho Nhà nước mà còn ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng, gây tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Miễn thuế, hàng chính hãng phù hợp túi tiền hơn

Nhận định về vấn đề hàng hàng giả, hàng nhái đang được nhập lậu vào Việt Nam, ông Nguyễn Công San, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, hiện tại, thủ đoạn và quy mô bán hàng giả, hàng nhái đang ở mức độ cao hơn, trên diện rộng hơn. Tình hình bán hàng giả hiện nay vẫn hình thành đường dây ổ nhóm, nhập lậu, tập kết và bán phân phối trên thị trường. Ngoài ra, nhiều trường hợp hàng giả được sản xuất ngay tại Hà Nội. Bán hàng giả hiện nay không chỉ được tập trung ở những doanh nghiệp lớn, mà những sinh viên chỉ có mức vốn là 1 đến 2 triệu đồng cũng có thể bán hàng giả. Thực tế hiện nay, người Việt vẫn thích mặc những đồ có nhãn hiệu nổi tiếng, trong khi mức thu nhập người dân chưa thể mua sắm nổi. Ông San nêu ví dụ: “Nắm được nhu cầu, thị hiếu đó của người tiêu dùng, nhiều đối tượng đã bắt bắt chước, nhái lại sản phẩm từ các thương hiệu lớn như Nike, Adidas và nhập lậu từ Trung Quốc về. Một chiếc túi Adidas hàng xịn thì có mức giá mấy triệu, nhưng hàng nhập từ Trung Quốc về chỉ ở mức hơn 100.000 đồng. Như vậy, với tình hình phát triển như vậy thì quy mô bán hàng giả sẽ mở rộng”.

Thế nhưng, theo phân tích của ông Cường, khi gia nhập TPP, hàng nhái hàng giả sẽ “khó có cửa”, vì trong chương về sở hữu trí tuệ của Hiệp định TPP, mức độ bảo hộ thương hiệu được chú trọng. Điều này có tác động mạnh nhất đến hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sẽ giúp công tác bảo hộ được tốt hơn, đồng thời, hàng hóa được miễn thuế thì nhiều mặt hàng trước đây đa số người dân không dám mua vì giá đắt, nay giá sẽ rẻ đi, người dân có điều kiện mua sắm được các mặt hàng này với giá phải chăng hơn nhiều. Điều đó có nghĩa là người dân được mua hàng chính hãng với giá rẻ, và việc bảo hộ theo hiệp định TPP được tăng cường, thì nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái của khách hàng sẽ giảm đi rất nhiều.

Ngoài ra, còn do người tiêu dùng chưa trang bị nhiều kiến thức, thông tin về phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và ngại động chạm đến việc kiện cáo khi mua phải sản phẩm này do chưa nắm vững luật pháp. Hơn nữa, việc phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng không hề dễ dàng đối với người tiêu dùng khi mà các sản phẩm được làm giả ngày một tinh vi, giống hàng thật từ nhãn hiệu, kiểu dáng đến những chi tiết nhỏ nhất. Để cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái có hiệu quả quan trọng hơn hết là doanh nghiệp và cả người tiêu dùng cần phải thay đổi suy nghĩ của mình, nghiêm túc thực hiện công tác chống hàng giả, để khi TPP có hiệu lực, doanh nghiệp và người tiêu dùng đều hưởng lợi.

THÀNH CÔNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh