THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:39

TPP những triển vọng và thách thức trong ngành LĐ-TB&XH

 

Ngày 4/11, tại Hà Nội, Đảng bộ Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức hội thảo chuyên đề : “ TPP, Những triển vọng và thách thức” và “Nâng cao nhận thức cấp ủy Đảng về giảm nghèo”. Tham dự có Bí thư  Đảng ủy,Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cố vấn cao cấp của Chính phủ về đàm phán hội nhập quốc tế, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy  Lê Văn Hoạt, Vụ trưởng, Chánh văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo Ngô Trường Thi, cùng hơn 300 cán bộ của các cơ sở Đảng trong Đảng bộ Bộ LĐ-TB&XH.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu khai mạc 

 

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức đạt được thỏa thuận nhằm mục đích hội nhập các khu vực kinh tế thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Việc thực hiện Hiệp định TPP sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội của nước ta nhất là tăng mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn. Tuy nhiên Hiệp định TPP cũng mang lại nhiều thách thức đối với việc mở cửa thị trường, cạnh tranh của các doanh nghiệp của Việt Nam, cũng như những ảnh hưởng tới kinh tế xã hội liên quan đến đời sống lao động việc làm thu nhập của người lao động người nông dân. Theo thỏa thuận, sau khi kết thúc đàm phán các bên tiếp tục hoàn tất các văn bản thủ tục để tiến đến cùng ký kết trong thời gian tới đây.

Hội thảo nhằm giúp cán bộ, đảng viên có được những thông tin cần thiết về quá trình đàm phán TPP, thực hiện công tác năm 2015, đồng thời cung cấp nội dung mới trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020.

Toàn cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe ông Trương Đình Tuyển trình bày chuyên đề “TPP, những triển vọng và thách thức”. Theo ông Trương Đình Tuyển: Từ những năm 1995, Việt Nam đã có nhiều động thái tham gia vào quá trình hội nhập toàn cầu để cùng phát triển, bắt đầu từ việc hội nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), rồi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới(WTO)…Nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi từng bước, từ tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng, phát triển cho các doanh nghiệp… Trong quá trình đó, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định Tự do thương mại và mậu dịch song phương và đa phương với cộng đồng thế giới. Sự phát triển của kinh tế thế giới cũng ngày càng phát triển do đó nhu cầu mở cửa thương mại dịch vụ sâu rộng hơn nữa, đây chính là một trong những yếu tố cần thiết sự ra đời của Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương. "Đó là Hiệp định với mục tiêu dài hạn nhằm phát triển xuất khẩu, tạo lực hình thành khối mậu dịch tự do APEC và tiến tới xúc tiến vòng đàm phán Doha và  loại bỏ tình trạng chồng chéo trong hợp tác thương mại, đầu tư, mở ra nhiều cơ hội lớn…"- ông Tuyển nhấn mạnh.

Ông Trương Đình Tuyển giới thiệu về Hiệp định TPP

Được biết, Hiệp định TPP có quy định về mở cửa sâu rộng, ràng buộc chặt chẽ về nguyên tắc, rất phức tạp. Việt Nam sẽ đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn, nhưng sẽ thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn, tăng khả năng xuất khẩu, tạo khuôn khổ để cải cách thể chế, đổi mới theo đường lối của Đảng, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Bên cạnh đó là những thách thức như tính cạnh tranh sẽ ngày càng quyết liệt, các doanh nghiệp sẽ phải phát triển mạng lưới, năng lực tổ chức thị trường để cạnh tranh và phát triển sản phẩm. Chính phủ cũng có nhiều thách thức trong lĩnh vực cải cách thể chế để tăng tính cạnh tranh thu hút đầu tư. Cơ hội không tự biến thành lợi ích, tuy nhiên tư duy sáng tạo sẽ mang lại những yếu tố để cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp hiệu quả. Ngoài ra, cải cách cơ chế để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, đồng thời đảm bảo quyền lợi ba bên (người lao động – giới chủ - nhà nước) sẽ góp phần đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Cũng tại tại hội thảo, ông Ngô Trường Thi, đã giới thiệu những định hướng cơ bản về Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Theo ông Ngô Trường Thi, công tác giảm nghèo trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên cũng còn một số tồn tại cần khắc phục. "Hiện nay, một số bộ, ngành đã đóng góp để sửa đổi một số văn bản giúp triển khai phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều. Tiếp cận nghèo đa chiều tại Việt Nam quan tâm tới nhiều dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, … phương pháp tiếp cận này đã được các tổ chức quốc tế rất quan tâm và đánh giá cao"- ông Thi cho biết.

Mạnh Dũng/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh