CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:27

Lao động nữ vẫn gặp khó trong học nghề và tạo việc làm

 

Lao động nữ chủ yếu mởi chỉ được tư vấn nghề

Với việc đưa vào lồng ghép hàng loạt các chương trình, chính sách chung về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, tại Đà Nẵng, không ít doanh nghiệp thừa nhận, lao động nữ luôn là đối tượng được đánh giá có khả năng học nghề và thích ứng công việc nhanh, nhất là ở một số ngành nghề mang tính đặc thù, thậm chí họ hoàn toàn có khả năng đảm nhận và hoàn thành tốt công việc ở những vị trí quan trọng, phức tạp trong doanh nghiệp với kết quả không hề thua kém nam giới. 

Lao động nữ vẫn còn gặp khó trong tiếp cận học nghề cũng như tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Sự tin tưởng của một số doanh nghiệp tuyển dụng vào khả năng lao động, trình độ chuyên môn cũng như sự cầu tiến, ham học hỏi đối với lao động nữ tại thành phố Đà Nẵng đã có những cái nhìn tích cực. Một số doanh nghiệp khi tuyển dụng đã “ưu tiên tuyển dụng lao động nữ”, phần nào cho thấy vai trò của họ trong doanh nghiệp.

Đại diện Trung tâm Giới thiệu việc làm (thuộc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng), nơi gắn kết, là cầu nối của người lao động đến với doanh nghiệp tuyển dụng nhiều năm qua cho biết: “Với việc tổ chức định kỳ 3 lần/ tháng vào các ngày mùng 1, 10 và 20 hàng tháng, sàn giao dịch việc làm thành phố Đà Nẵng đã tư vấn nghề, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nữ, trong đó có không ít lao động nữ thuộc diện mất đất do di dời, giải tỏa, thuộc diện chính sách, hộ nghèo, đơn thân...Thế nhưng không khó để nhận thấy, phần lớn lao động nữ được học nghề, giới thiệu việc làm tại đây vẫn chủ yếu là ở những ngành nghề mang tính giản đơn, phổ thông như may mặc, chế biến thủy sản, kinh doanh mỹ phẩm, nhân viên trực điện thoại..".

Thậm chí, theo một cán bộ làm công tác tuyển dụng lâu năm cho biết, dù có trình độ chuyên môn, tay nghề tương đương với lao động nam, song vẫn có không ít trường hợp lao động nữ phải chấp nhận thực tế không thể tìm được việc làm phù hợp hoặc chỉ làm những công việc của lao động phổ thông.

Thời gian làm việc kéo dài – cơ hội tiếp cận công việc hạn chế

Vốn là người phụ nữ ở nhà lo công việc nội trợ bếp núc cho gia đình và chăm sóc 2 con nhỏ, gần 40 tuổi, khi cuộc sống gia đình đã đi vào nề nếp, con cái khôn lớn cũng là lúc chị Hà Thị Thu, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng nhận thấy mình cần phải có một công việc để tạo thu nhập, phụ giúp chồng nuôi con ăn học. Tuy nhiên, với tấm bằng phổ thông, lại không có chuyên môn, tuổi đời cũng không còn trẻ, nghĩ đến chuyện đi xin việc chị Thu khá nản lòng.

Nghe bạn bè giới thiệu, chị Thu quyết định nộp hồ sơ vào một công ty may trong Khu công nghiệp Hòa Khánh, Đà Nẵng. Hết thời gian học việc rồi thử việc, mức lương của chị Thu chỉ hơn 3,5 triệu đồng/ tháng. “Thời gian làm việc quá khắt khe lại kéo dài suốt từ sáng đến tận tối, nghỉ trưa chỉ 1 giờ đồng hồ, quá mệt mỏi và áp lực.” Chị Thu chia sẻ. 

Cũng không khá hơn chị Thu, chị Nguyễn Hoàng Hương, quận Thanh Khê,  Đà Nẵng dù đã gần 2 năm làm việc trong một công ty lắp ráp đồ chơi điện tử tại Khu công nghiệp Hòa khánh, mức lương cũng chỉ trên dưới 4 triệu đồng/ tháng. Thời gian lao động kéo dài suốt cả ngày đã đành, chị Hương cho biết, công ty chị luôn tổ chức tăng ca đến tận khuya mới được nghỉ. Trong khi đó, tiền lương thấp, tiền tăng ca vì thế cũng được chẳng đáng là bao.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Tịnh, đại diện Công ty cổ phần Thương mại -Vận tải biển BOM đã có thời gian dài làm công tác tuyển dụng lao động tại Đà Nẵng cho rằng “Thời gian làm việc kéo dài, mệt mỏi, sự áp lực nhưng thu nhập lại luôn ở mức thấp hơn so với lao động nam giới đang là thực trạng tồn tại của không ít lao động nữ trong các doanh nghiệp sản xuất hiện nay”. Chị Tịnh cũng cho biết, sở dĩ người lao động nữ chấp nhận làm ở vị trí hiện tại dù chưa thực sự hài lòng với công việc của mình còn bởi khả năng tiếp cận cơ hội nghề nghiệp đối với họ không nhiều, họ không thể có được sự lựa chọn tốt nhất như đối với các lao động nam...

Cùng với công tác đào tạo nghề để lao động nữ có tay nghề, trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, công tác giới thiệu việc làm để đưa đối tượng này tiếp cận với cơ hội nghề nghiệp có vai trò hết sức quan trọng, tạo sự bình đẳng trong lao động cũng như thu nhập, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lại lực lượng lao động theo hướng hài hòa hơn.

Bùi Minh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh