Lao động nữ trong thời hội nhập
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 16:44 - 27/10/2015
Việc làm gia tăng
Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế, sau khi cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập, tới năm 2025, việc làm tại Việt Nam sẽ tăng lên 14%.
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được kỳ vọng là cộng đồng năng động, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu với GDP bình quân hằng năm ước đạt 2.000 tỷ USD và sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới. Nếu đối chiếu danh mục 8 ngành nghề được tự do di chuyển tìm việc làm trong giai đoạn đầu thì lao động nữ Việt Nam có lợi thế trong 5 ngành nghề: Kế toán, nha sĩ, y tá và nhân viên ngành du lịch. Đây chính là những ngành nghề mà lao động nữ Việt Nam có thể cạnh tranh với lao động nữ đến từ các quốc gia khác. Hiện tại, số lao động nữ làm việc trong các ngành nghề nói trên chiếm đa số.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến giữa năm 2014, quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là 53,8 triệu người, trong số đó người trong độ tuổi lao động là 47,52 triệu người. Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, chất lượng lao động cũng đã từng bước được nâng lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 30% lên 40% trong vòng 10 năm trở lại đây, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 30%. Thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015” đã có 2,3 triệu phụ nữ được đào tạo nghề, 80% có việc làm sau đào tạo nghề.Bà Phạm Thị Hà, Phó trưởng Ban Hỗ trợ kinh tế phụ nữ (Hội LHPN Việt Nam) cho biết: “Cái được của đề án này là phương thức huy động nguồn lực, thông qua hỗ trợ vốn giúp chị em tiếp tục duy trì việc làm, cũng như phát triển các mô hình của phụ nữ để tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới”.
Hội nhập kinh tế quốc tế đem lại nhiều việc làm cho lao động nữ.
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế dự kiến sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam về thu hút đầu tư nước ngoài, cùng với đó là cơ hội việc làm tăng cao. Bà Lê Thị Khánh Vân, Ủy viên BCH Hội LHPN Việt Nam cho rằng: “Phụ nữ Việt Nam sẽ có cơ hội được tuyển dụng vào những vị trí cao, hay vị trí lãnh đạo ở các công ty. Đây là cơ hội vàng để phụ nữ Việt Nam cọ xát với môi trường làm việc quốc tế”.
Biến thách thức thành cơ hội
Việt Nam có lợi thế lớn nhất là lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Đó cũng là lợi thế của lao động nữ nói riêng. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp nên tỷ lệ lao động chính thức còn thấp, đạt khoảng 30%. Chất và cơ cấu lao động vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Khoảng 45% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp hầu như chưa qua đào tạo.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mặc dù cơ hội việc làm lớn hơn nhưng phần lớn phụ nữ Việt Nam vẫn ít có cơ hội tiếp cận do trình độ, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học... chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế; hạn chế trong khả năng thích ứng với những thay đổi trong công việc. Mặt khác, sự quan tâm đầu tư của Nhà nước vào các ngành có giá trị gia tăng cao như dịch vụ tài chính, ngân hàng, các ngành công nghệ cao như viễn thông sẽ dẫn đến sự thu hẹp việc làm và giảm thu nhập của lao động nữ vì các lao động nữ hiện nay chủ yếu tập trung ở các ngành công nghiệp nhẹ như sản xuất giày da, may, chế biến nông sản...
Việc cắt giảm thuế nhập khẩu và mở cửa ngày càng rộng đối với nông sản nhập khẩu và sản phẩm dệt may nhập khẩu sẽ dẫn đến nguy cơ thu nhập bấp bênh đối với nữ lao động nông nghiệp và may công nghiệp. Số đông lao động nữ Việt Nam còn thiếu tính chuyên nghiệp, kể cả những công việc lao động phổ thông... Những hạn chế này dẫn tới sự thiếu tự tin, ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh khi ra nước ngoài tìm việc, thậm chí khi phải cạnh tranh với lao động nữ đến từ các nước khác tại thị trường lao động trong nước.
Nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tập trung ở khu vực phi chính thức nên ít được tính trong danh sách doanh nhân, ít được tiếp cận nguồn hỗ trợ của chính phủ, chính quyền địa phương và tiếp cận các dịch vụ tài chính. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nữ Việt Nam hiểu biết còn hạn chế về vấn đề này, chủ yếu nhìn nhận dưới góc độ cơ hội tiếp cận thị trường mà chưa lường trước được những sức ép và khó khăn đến từ sự cạnh tranh. Phần khác là do phụ nữ phải đối mặt với nhiều rào cản, nhất là vấn đề tập quán, văn hóa... khiến việc tiếp cận các nguồn lực cũng như các cơ hội kinh doanh của phụ nữ bị nhiều hạn chế.
Trao đổi với báo chí, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay: “Lao động nữ qua đào tạo có tay nghề có tỷ trọng thấp hơn nam giới, cái yếu của Việt Nam là ngoại ngữ, khi tham gia thị trường quốc tế khó khăn, kể cả lao động quốc tế vào làm việc ở Việt Nam cũng vậy. Nếu không giải quyết tốt các khó khăn, thách thức thì những gì được coi là cơ hội cũng sẽ dễ dàng bị bỏ qua”.