THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:25

Lao động tự do: Thiếu kiến thức để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình

 

* Thưa ông, vừa qua xảy ra vụ khiếu nại của nhóm lao động tại Nhà máy nhiệt điện Mông Dương (Quảng Ninh), ông có nắm được vụ việc?

- Chúng tôi được biết qua báo cáo của LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh sau khi nhận được 50 đơn khiếu nại của nhóm lao động làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương với nội dung: kho than của nhà máy bị sập, chủ thầu bỏ trốn, không thanh toán tiền lương cho họ. 50 người này đều là lao động tự do làm việc theo thời vụ, khi tham gia làm việc tại nhà máy nhiệt điện, họ chỉ ký hợp đồng kinh tế với chủ thầu, không có hợp đồng lao động, không được hưởng các chế độ BHXH. Tìm hiểu được biết, họ không ký hợp đồng lao động trực tiếp với chủ thầu dự án Nhiệt điện Mông Dương, mà thông qua các thầu phụ đảm nhận các phần việc. Vì vậy, khi vụ việc xảy ra, các cơ quan quản lý nhà nước về lao động, tổ chức công đoàn rất khó có thể quản lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ.

Hiện nay, lao động tự do thường làm việc đơn độc, khi rủi ro xảy ra không biết tìm ai để tư vấn, thời giờ làm việc kéo dài, làm việc trong môi trường độc hại, nhưng lại thiếu các phương tiện bảo hộ lao động...

* Luật An toàn vệ sinh lao động quy định bảo vệ quyền lợi cho người lao động tự do như thế nào, thưa ông?

- Những năm gần đây, Nhà nước đã thực hiện chính sách BHXH tự nguyện và BHYT toàn dân, tuy nhiên lao động tự do tham gia rất ít. Nguyên nhân bắt nguồn từ trình độ còn nhiều hạn chế, chưa thấy hết được lợi ích của việc tham gia các loại bảo hiểm. Bên cạnh đó, điều kiện về kinh tế, thu nhập của lao động khu vực này rất thấp, công việc không ổn định, trong khi thời gian tham gia đóng, hưởng BHXH lại quá dài, nên họ không thể theo đến cùng. Nhiều chế độ chính sách của Nhà nước cũng chưa nhắc tới đối tượng này. Luật An toàn vệ sinh lao động được Quốc hội thông qua, hiện mới chỉ điều chỉnh số lao động ở khu vực chính thức. Số lao động thuộc khu vực phi chính thức chiếm số lượng lớn trên thị trường lao động, dù đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm kiến nghị điều chỉnh vào Luật, song mới dừng ở khuyến khích...

Lao động tự do thường chịu thiệt thòi về quyền lợi khi làm việc.

Vừa qua, nhằm tập hợp lao động khu vực phi chính thức vào một tổ chức để dễ quản lý và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ, công đoàn các cấp cũng đang tích cực vận động thành lập các nghiệp đoàn, để tập hợp họ vào một nghiệp đoàn để quản lý và bảo vệ quyền lợi cho họ. Về quản lý mặt nhà nước, theo tôi các địa phương cần có chính sách gắn kết giải quyết việc làm trên địa bàn, gắn đào tạo với cung cấp lao động. Để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội hiệu quả, cần tạo điều kiện ưu đãi đất đai để doanh nghiệp mở rộng sản xuất, thu hút lao động tại chỗ, đào tạo nghề cho người lao động khu vực phi chính thức.

Tôi cho rằng, nên chăng cần nhìn nhận chính thức loại hình lao động tự do này bằng việc xây dựng các chính sách liên quan bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Qua đó, khuyến khích họ tham gia các chính sách BHXH, BHYT...

* Một lao động tâm sự: “Tôi có 10 năm đi làm thuê cho nhiều chủ thầu xây dựng, nhưng chưa hề được ký hợp đồng lao động, đóng BHXH, BHYT. Do vậy, khi gặp tai nạn lao động, tôi không được hưởng bất cứ chế độ gì. Thậm chí khi bị tai nạn mất khả năng lao động, bị chủ sử dụng sa thải luôn”. Với trường hợp này, theo ông người lao động phải làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình?

- Luật An toàn vệ sinh lao động trong quá trình thảo luận, xem xét thông qua, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao việc tiếp thu chỉnh lý của Ban soạn thảo. Tuy nhiên, nhóm vấn đề mở rộng đối tượng áp dụng các chính sách từ hợp đồng lao động, đóng BHXH, tham gia BHYT đối với tất cả người lao động, không phân biệt các thành phần, được nhiều đại biểu lên tiếng và đề nghị quy định một số chính sách cụ thể hơn về an toàn vệ sinh lao động đối với khu vực phi chính thức.  Bên cạnh đó, một số đại biểu băn khoăn về tính khả thi của chính sách an toàn vệ sinh lao động đối với khu vực phi chính thức, và đề nghị làm rõ vai trò hỗ trợ của Nhà nước, nguồn lực thực thi chính sách này.

Cá nhân tôi cho rằng, bản thân người lao động tự do phải hiểu biết về luật pháp lao động. Khi làm việc cho chủ lao động, phải yêu cầu được ký hợp đồng, được tham gia BHXH, BHYT cũng như được trang bị các thiết bị đảm bảo an toàn khi làm việc...

* Cám ơn ông .

NHƯ NGUYỆT/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh