THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:47

Lao động nông thôn rời làng lên phố mưu sinh

 

Bài toán về thu nhập

Là người đã gắn bó với nghề giúp việc ở bệnh viện Huyết học đã 5 năm, chị Nguyễn Thị Hạnh quê Cẩm Khê, Phú Thọ cho biết, với 5 nhân khẩu gia đình chị có tổng cộng 6 sào ruộng, trong đó có 3 sào để cấy lúa còn lại trồng ngô, sắn và ít rau phục vụ sinh hoạt gia đình. Cả năm trời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng thu nhập cũng chẳng được là bao. Với một sào lúa trừ tất cả tiền công cày, bừa, phân bón, thuốc trừ sâu…sau 4 tháng chỉ còn lại vài trăm nghìn.

Chính vì vậy, năm 2012, chị quyết định lên Hà Nội làm giúp việc cho bệnh nhân tại các bệnh viện. “Mặc dù công việc vất vả và đòi hỏi mình phải cẩn thận sạch sẽ, thức đêm hôm và phải nhớ các loại thuốc của bệnh nhân, nhưng so với nghề làm ruộng thì nghề này cho thu nhập cao hơn nhiều. Với những bệnh nhân có thể đi lại được thì tiền công mỗi ngày từ 300.000 - 350.000 đồng, còn với bệnh nhân nặng phải cho ăn, uống tắm, giặt thì có thể tới 500.000 đồng/ ngày. Nhưng không phải tháng nào cũng có bệnh nhân nhờ chăm sóc, tháng nhiều nhất cũng chỉ làm 25 ngày, có tháng chỉ 10 ngày. Vì vậy, trừ tất cả ăn uống sinh hoạt trung bình mỗi tháng tôi có thể tiết kiệm gửi về quê khoảng 7 triệu đồng. Nếu so với làm ruộng có khi cả năm trời cũng không có được số tiền đó. Tuy nhiên nếu có một công việc cho thu nhập ổn định ở quê, tôi sẽ về nhà vì không gì bằng được gần chồng con”- chị Hạnh chia sẻ.

 

Nông dân rời làng lên phố khiến nhiều mảnh ruộng ở các vùng quê bị hoang hóa.


Còn với anh Nguyễn Quanh Mạnh (45 tuổi) quê ở huyện Ý Yên, Nam Định đã cùng đội thợ xây lên Hà Nội làm được gần 10 năm.  Anh Mạnh cho biết: "Người làm thuê bây giờ cũng đông, công trình thì ít, trung bình mỗi tháng tôi có việc làm khoảng 15 - 20 ngày. So với làm ruộng thì vẫn khá hơn nhưng rất vất vả bởi không chỉ vì công việc mà còn phải sinh hoạt trong cảnh tạm bợ ở các công trường. Nếu được lựa chọn thì ai cũng mong muốn có công việc ổn định tại quê nhà."

Một kết quả nghiên cho thấy, 80% lao động di cư đến các khu công nghiệp, khu chế xuất vì lý do kinh tế, trong đó hơn một nửa số người di cư do không hài lòng với công việc và thu nhập ở quê hương mang lại. Sự di dân ấy tạo ra nhiều hệ lụy, trong đó có việc “hoang hóa” đất nông nghiệp

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính từ năm 2010 đến nay, khoảng 500.000 ha đất trồng lúa 2 vụ và độ phì nhiêu cao, dễ đi lại và gần những nơi tập trung đông dân cư đã bị giảm. Theo nhận định của nhiều địa phương, thời gian tới, tình trạng nông dân bỏ ruộng sẽ vẫn tiếp tục xảy ra. Ở các tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định ngày càng có nhiều hộ nông dân bỏ ruộng, bình quân mỗi tỉnh có khoảng 7% hộ nông dân bỏ ruộng. Riêng các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã có đến 2.011 ha đất ruộng bị bỏ hoang và trả lại chính quyền; 6.040 hộ nông dân bỏ ruộng, 2.009 hộ nông dân trả ruộng

 “Chảy máu” chất xám ở nông thôn

Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê và Dân số, Tổng cục Thống kê cho biết, trong 5 năm qua Việt Nam có tới 13,6% dân số cả nước là người di cư, với độ tuổi từ 15-59 tuổi, trong đó, độ tuổi từ 25 đến 49 chiếm tỷ lệ đến 90%. Đáng chú ý, trong tổng số dân thành thị có tới gần 20% là người di cư. Gần 80% người di cư xuất thân từ nông thôn ra thành thị.

Cụ thể, do các điều kiện về tự nhiên, công việc nên vùng Đông Nam Bộ là nơi có tỷ trọng người di cư đang làm việc cao nhất cả nước, chiếm 87,8%. Tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng 81,0%. Và đây cũng là khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp trong cả nước nên thu hút một lượng lớn lao động đến nhập cư. Phần lớn họ ra thành phố để kiếm việc làm phù hợp, và đa số là tìm được việc làm ở nơi đến.

 

Nông dân rời làng lên phố kiếm sống.


Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ người di cư có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn người không di cư (khoảng 31,7% so với 24,5%). Tỷ lệ người di cư có trình độ cao đẳng, đại học hoặc trên đại học là 23,1%, còn tỷ lệ này ở người không di cư là 17,4%. Sự khác biệt này một phần do tác động của cơ cấu tuổi trẻ hơn của nhóm di cư so với nhóm không di cư. Trên thực tế, nhiều người trẻ di cư tới thành thị vì có nhiều cơ sở đào tạo để tiếp tục học tập ở các bậc cao hơn.

Người di cư chủ yếu trong các ngành công nghiệp và xây dựng với các ngành nghề như: nhà chuyên môn bậc trung; nhân viên văn phòng, lao động phổ thông, thợ vận hành, lắp ráp thiết bị; thợ thủ công… Cụ thể, về trình độ chuyên môn kỹ thuật và tỷ lệ người có trình độ cao đẳng, đại học của nhóm người di cư cao gần gấp đôi người không di cư. Đa số học sinh, sinh viên từ nông thôn ra thành thị học rất ít trở về quê, mà sống, làm việc tại thành thị.

Thực tế, luồng di cư từ nông thôn ra thành thị khiến nông thôn đối mặt nhiều khó khăn. Phần lớn lao động có sức khoẻ, tri thức đã di cư ra thành phố sống, khiến nông thôn thiếu người lao động. Từ đó khiến người già, trẻ em phải làm việc nặng nhọc khi mùa vụ đến; học hành của con cái thiếu sự quản lý của cha mẹ. Gánh nặng công việc đồng áng đè nặng lên vai phụ nữ khi chồng di cư.

Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, để nông dân không phải nhọc nhằn rời làng ra phố, quan trọng nhất là các địa phương phải tạo được việc làm có thu nhập ổn định cho họ như nhân cấy nghề, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn kiến thức KHKT để thực hiện các mô hình mới, hiệu quả cao hơn… 

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh