Lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo không ngừng được tăng nhanh
- Giáo dục nghề nghiệp
- 03:58 - 08/04/2017
Nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững
Có thể nói việc dạy nghề cho lao động nông thôn đã tạo điều kiện để người dân có trình độ tay nghề nhất định, biết cách tổ chức sản xuất, làm giàu cho bản thân và gia đình, xã hội, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững.
Với mục tiêu năm 2020 TP.Cần Thơ cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, vì vậy vấn đề lao động - việc làm cho lao động nông thôn đóng vai trò quan trọng, góp phần hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của địa phương. Năm 2017, cũng là năm thứ hai TP Cần Thơ thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020, trong đó giải quyết việc làm cho người lao động sẽ là tiền đề quan trọng để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, góp phần vào hình thành thể chế kinh tế thị trường, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội.
Thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ cho biết, năm 2016 tỉ lệ hộ nghèo trên toàn thành phố chỉ còn 4,12%. Hơn 19.300 lao động đã qua đào tạo, với 567 lớp đào tạo. Trong đó, trình độ trung cấp nghề là 456 học viên, trình độ sơ cấp nghề dưới 3 tháng là hơn 18.850 học viên, số lao động sau đào tạo có việc làm là 13.810 người (chiếm tỉ lệ 73,34%). Đặc biệt, tỉ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo trên toàn thành phố không ngừng được tăng nhanh, năm 2010 là 42%, năm 2013 là 48% và đến năm 2014 là 50,07% . Chỉ trong năm 2016, TP.Cần Thơ đã đào tạo cho hơn 4.700 lao động nông thôn, đạt 113.33% kế hoạch. Trong đó, đối tượng thuộc hộ gia đình chính sách 58 người; hộ nghèo 158 người; dân tộc 169 người, hộ cận nghèo 71 người; tàn tật 6 người; bị thu hồi đất 19 người, các đối tượng lao động khác là 4.337 người. Tỉ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo trên toàn thành phố trung bình đạt 75%, có cơ sở đào tạo đạt tỉ lệ có việc làm sau đào tạo gần 100%. Qua đó, đã tạo cơ hội cho nhiều lao động có việc làm ổn định, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Việc thực hiện tốt Đề án đào taọ nghề cho lao động nông thôn đã góp phần thay đổi được nhận thức cho người dân nông thôn. Từ thói quen lao động nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp, giờ đây nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn làm ăn nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề.. .để đưa lại hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh. Không chỉ nhiều nghề mới đang cho thu nhập khá mà ngay trong sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên năng suất cây trồng, vật nuôi cũng nhanh hơn, cao hơn trước.
Đổi mới và phát triển đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng
Theo định hướng đào tạo và phát triển nghề trong giai đoạn 2017-2020, TP.Cần Thơ sẽ đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của người lao động.
Bà Trần Thị Xuân Mai - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ cho biết: Hướng đến sự phát tiển bền vững trong thực hiện mục tiêu đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn 2030, thành phố sẽ không ngừng đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của bản thân người lao động.
Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ triển khai đào tạo theo nhu cầu thực tế của địa phương, theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố nhằm giúp người lao động đảm bảo có việc làm sau khi đào tạo. Bà Trần Thị Xuân Mai chia sẻ thêm.
Để hoàn thành các mục tiêu trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, TP Cần Thơ tiếp tục củng cố, tăng cường đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới các cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố. Đồng thời cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông trong tư vấn tuyển sinh, phối hợp chặt chẽ với các Trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn tư vấn học nghề cho học sinh và phụ huynh học; đưa học sinh đến tham quan các trường dạy nghề để các em tìm hiểu, định hướng và lựa chọn nghề phù hợp; tổ chức thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền thông qua các cơ quan, đoàn thể để nâng cao nhận thức của người lao động về học nghề. Ngoài ra, thành phố cũng cần bám sát chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.