Phụ nữ nông thôn: Oằn lưng nơi phố
- Dược liệu
- 16:34 - 02/01/2015
Vất vả mưu sinh
Tôi qua chợ Đồng Xuân, đúng vào giờ dọn hàng cuối ngày, người và hàng như quyện với nhau, những xe đẩy và gánh hàng nối đuôi nhau kĩu kịt... Khi những quầy hàng đã đóng hết cửa, là lúc các chị được nghỉ tay, kết thúc một ngày mệt nhọc, kê vội chiếc đòn gánh các chị làm ghế ngồi. Trời rất lạnh, nhưng chị nào cũng ăn mặc phong phanh, mồ hôi thấm ướt hết lưng áo.
Chờ cho các chị ăn xong mẩu bánh mì “không người lái”, tôi bắt chuyện: “Vẫn đang còn Tết, sao các chị ra Hà Nội sớm vậy?”. Chị Hường, ở Giao Thủy (Nam Định) nhanh nhẹn: “Giờ còn Tết gì nữa em, ở quê chị mọi người đua nhau đi làm hết rồi, đi làm chứ ở nhà kiếm đâu ra tiền. Vả lại, nếu không lên sớm thì bị mất mối gánh thuê”. “Đang vụ cấy lúa, các chị không về để làm sao?”, tôi hỏi. Chị Luyến, ở Xuân Trường (Nam Định) cho biết: “Ruộng có ít thôi, có nhiều đâu mà làm, trong năm nắng ấm, các chị tranh thủ về cấy hai ngày là xong hết rồi, mai kia đến vụ gặt lại về gặt nhoáng là xong em ạ”.
“Vậy sao chị không ở nhà để chồng chị đi làm xa có hơn không?”. “Chị cũng cho chồng chị đi làm rồi, nhưng các ông ấy không chịu đựng và ăn uống kham khổ được như mình đâu em ạ”. “Ở quê chị có nghề dệt chiếu cơ mà, lúc nông nhàn, chị làm thêm, đỡ phải đi xa?”. “Ăn thua gì đâu em, ế ẩm lắm, nghề đó giờ mai một rồi. Hàng Tàu tràn lan, hàng nội bị lép vế. Bọn chị cũng muốn làm ở gần nhà, ai muốn đi xa làm gì, không đâu bằng nhà mình, em ơi. Như quê nhà chị Loan có nghề thêu ren, nhưng thuê thuê cả buổi cũng chỉ được vài nghìn bạc...”.
Mồ hôi và nước mắt!
Một cơn gió thổi qua, dường như lúc này các chị mới để ý đến thời tiết, vội vàng lấy khăn len đội lên đầu. Quay sang mấy chị kế bên, tôi hỏi: “Các chị đều cùng quê à? Ra Hà Nội, các chị có ở cùng nhau không?”. “Nhiều quê lắm em ạ, Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình và kia là chị Loan, ở Hà Nội hai nữa nhé. Bọn chị thuê một phòng 30 người ở, mỗi người một tháng là 350.000 đồng. Đi suốt ngày, tối về lấy chỗ ngả lưng thôi. Cơm thì nấu ăn chung bữa tối, chủ yếu là xin được rau ế, rau già mang về ăn, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy, chứ bọn chị không dám ăn cơm hàng, tốn tiền lắm”.
Nhiều phụ nữ nông thôn phải lao động nặng nhọc (ảnh minh họa)
Khi hỏi về việc làm một chị cho biết: “4 giờ sáng bọn chị ra chợ Long Biên gánh và bốc hàng, sau đó về chợ Đồng Xuân dọn hàng vào buổi sáng và cuối ngày. Nói chung, ai thuê việc gì cũng làm, nhưng riêng việc đến nhà riêng lau dọn nhà thì bọn chị không dám đi nữa. Vì ngày trước trong số bọn chị đã có người khi được chở đến nhà lau dọn, sau khi vào nhà đã bị anh chồng khóa trái cửa và bắt ngủ cùng.
Lại còn chuyện bi hài cười ra nước mắt này nữa, em ạ: Chẳng là năm ngoái, chị Thúy đến dọn dẹp, lau chùi nhà cho một gia đình, khi làm xong thì bị hai Vợ chồng nhà chủ dàn dựng vở kịch, bà Vợ đổ oan cho chị Thúy dụ dỗ chồng, để rồi không trả tiền. Kể từ đó, ai thuê đi lau nhà rồi trả nhiều tiền bọn chị cũng không dám đi...”. Vậy mỗi gánh hàng bọn chị được trả bao nhiêu tiền?”. “Rẻ lắm em ơi, có đủ giá 3.000 – 5.000 rồi 15.000 – 20.000 cũng có, “năng nhặt chặt bị”, em ạ. Đấy, như chị Hiền ở Nam Định, chị Vân ở Thái Bình có con đang học đại học năm thứ hai và thứ ba, đều bằng tiền đi gánh vác hàng thuê của mẹ, chứ nhà nông làm gì có một lúc nhiều tiền để đóng học phí.
Tôi thấy ái ngại khi nghĩ đến trong nhà thường xuyên thiếu đi bàn tay chăm lo, vun vén của người phụ nữ. Như đoán được ý tôi, chị Huyền ở Hưng Yên nói: “Biết là ở nhà vất vả, còn mẹ già, rồi con nhỏ, nhưng nếu không đi làm, cứ trông vào 2 sào ruộng thì lấy gì mà ăn, ông trời đang còn cho khỏe thì cứ phải kiếm ăn thôi”.
Cần sự quan tâm của chính quyền
Trời đã xẩm tối, gió mỗi lúc một mạnh hơn, vài hạt mưa xuân bay lất phất, tạm biệt các chị. Nghĩ hẳn trong sự mảnh mai yếu đuối kia, luôn có một sức mạnh phi thường, mới giúp các chị vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.Thiết nghĩ, mỗi địa phương nên quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa đến những ngành nghề phụ, để tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân. Đồng thời duy trì, bảo tồn và phát huy được những nghề truyền thống sẽ giảm thiểu được những phụ nữ ra thành phố tìm việc làm.