THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:29

Phụ nữ và lao động không có kỹ năng dễ bị sa thải nhất bởi tự động hóa 4.0

 

Theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, CM 4.0 song hành với cơ hội là vô số thách thức. “Các doanh nghiệp (DN) nói chung và DN xuất nhập khẩu nói riêng sẽ đứng trước thách thức đầu tiên về CNTT, nên rủi ro công nghệ sẽ tăng lên. Bên cạnh đó là những thách thức liên quan đến nguồn nhân lực vì CM 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng rất cao với kỹ năng và trình độ, kiến thức về công nghệ,... ở mức độ cao hơn cũng như ở góc độ pháp lý cũng phải ở mức cao hơn”. Những thách thức này có thể nhìn thấy rõ nhất đối với ngành dệt may, da giày- những ngành sử dụng nhiều lao động nhất. Với CM 4.0, khoảng 86% LĐ dệt may bị tác động, tuy nhiên sẽ có rất nhiều công việc mới thay thế, nên sẽ cần có lao động mới. “Việt Nam mới chỉ mạnh về gia công, thủ công, còn những mảng như thiết kế và phân phối liệu đã tham gia đầy đủ chưa? Ngành dệt may cũng cần phải tự điều tiết và nỗ lực thay đổi. Phải biết đào tạo, nhìn nhận, bố trí nhân lực cho những công việc khác nữa”, ông Lực đề xuất.

Thừa nhận những khó khăn mà DN Việt Nam sẽ gặp phải song ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc 2 triệu LĐ dệt may mất việc là “bi thảm”, nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận thay đổi. Điều quan trọng là DN phải có sự chuẩn bị để thay đổi. Ông Thiên dẫn chứng, Samsung hiện đã lắp khoảng 1.500 máy robot nhưng không hề giảm LĐ, họ bố trí làm việc khác, tăng trưởng vẫn 15 - 20% và vẫn đảm bảo công việc cho người LĐ. “Việc liên quan tới đào tạo lại nhân lực DN phải tính ngay từ giờ, DN cũng cần phân tích, đánh giá để đưa ra chiến lược kinh doanh cho mình”, ông Thiên nói.

 

Công nghiệp 4.0: Người lao động cần nhiều kỹ năng hơn để đảm nhận những vai trò sản xuất phức tạp. (Nguồn ảnh: Internet).

 

Theo các chuyên gia, trong 10 năm tới sẽ có khoảng 60% giao dịch xuất nhập khẩu được số hóa, trong đó các lĩnh vực viễn thông, nguyên vật liệu sẽ  được áp dụng nhiều nhất. Đặc biệt, thách thức về nguồn nhân lực là vô cùng lớn. Khi xu hướng công nghệ cao du nhập, đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực dồi dào, sở hữu chuyên môn hóa cao hơn rất nhiều. Phó Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Phạm Thị Ngọc Thủy lo rằng, trình độ ứng dụng CNTT ở Việt Nam còn quá thấp, với nền tảng như vậy thì rất khó để nói về trí tuệ nhân tạo.

Ông Phú Huỳnh, chuyên gia của ILO cho hay, cuộc CM 4.0 đang tác động mạnh mẽ, với tốc độ chưa từng thấy đối với thị trường LĐ, trong đó các quốc gia thành viên APEC cũng không ngoại lệ. Những công nghệ đang dần xâm nhập vào quá trình sản xuất và làm thay đổi cơ cấu thị trường LĐ trong thời gian qua như tự động hoá robot, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật kết nối, công nghệ in 3-D...

Cũng theo ông Huỳnh, Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ lực lượng LĐ bị ảnh hưởng bởi tự động hoá cao nhất sau Trung Quốc, chiếm tới gần 70% vị trí việc làm. Ước tính 86% LĐ trong ngành dệt may - da giày và 75% LĐ trong ngành điện tử của Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ tự động hóa cao do những tiến bộ về khoa học kỹ thuật. Đây cũng là lĩnh vực sử dụng nhiều LĐ nhất ở Việt Nam hiện nay. Cũng theo ông Huỳnh, phụ nữ và LĐ không có kỹ năng sẽ là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi tự động hoá.

Ông Isara Burintramart, Giám đốc điều hành Cty Reed Tradex (Thái Lan) bày tỏ lạc quan, cần phải chủ động đón sóng CM 4.0. “Công nghiệp 4.0 sẽ đòi hỏi nguồn nhân lực Việt Nam phải thay đổi luật chơi. Người LĐ cần nhiều kỹ năng hơn để đảm nhận những vai trò sản xuất phức tạp. CM 4.0 cần một chặng đường dài để đạt đến cách mạng hóa, nhưng chắc chắn đây sẽ là bước đột phá mới cho ngành công nghiệp. Hiện Việt Nam đang rất tập trung cho lĩnh vực đào tạo nghề, vì thế LĐ có tay nghề của Việt Nam chính là chìa khóa quan trọng để bước đến kỷ nguyên mới của công nghiệp 4.0”, ông Isara Burintramart khẳng định.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh