Cách mạng công nghiệp 4.0: Trường nghề “chuyển mình” đáp ứng thị trường lao động
- Giáo dục nghề nghiệp
- 12:59 - 23/11/2017
Giảng viên Nguyễn Văn Hưng,Trường CĐ Công nghệ Hà Nội hướng dẫn sinh viên thực hành nghề Điện cơ bản, lắp các mạch điện chiếu sáng.
Sẽ lạc hậu nếu không thay đổi
Đó là thực tế trước CMCN 4.0 khi mà các công việc giản đơn sẽ dần bị thay thế bởi robot. Theo ông Đào Công Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội, cuộc cách mạng này sẽ thúc đẩy đổi mới trong giáo dục nghề nghiệp, tạo cơ hội đối với giáo dục nghề nghiệp như: Phát triển nhiều ngành nghề mới, tạo ra nhiều việc làm mới, phương thức đào tạo mới, phương thức tổ chức và cung cấp lao động thay đổi… Ngoài ra, nó sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin – nâng cao hiệu quả đào tạo giáo dục nghề nghiệp. Song, giáo dục, đào tạo kỹ năng để tiếp cận CMCN 4.0 là một thách thức với công tác giáo dục nghề nghiệp cho cả lao động có kỹ năng bậc trung.
Ông Đào Công Hải cũng khẳng định, nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ thì công tác giáo dục nghề nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu. “Thực tế, để tiếp cận được với CMCN 4.0, mỗi sinh viên (SV) trường nghề phải chuẩn bị cho mình 6 kỹ năng cần và đủ để thành công trong kỷ nguyên toàn cầu hóa gồm: Thứ nhất Ngoại ngữ; Thứ hai là nhạy bén về văn hóa; Thứ ba là tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng; Thứ tư là mạng chuyên nghiệp lưới; Thứ năm là làm chủ công nghệ và làm việc online; Thứ sáu là khả năng lãnh đạo. Nếu thiếu 1 trong 6 hành trang đó SV rất khó tiếp cận với những yêu cầu của cuộc cách mạng lần thứ 4. Vì thực tế, các địa phương, doanh nghiệp, các công ty, tập đoàn đều trang bị những cỗ máy hiện đại như cắt, gọt kim loại, nếu không có những kiến thức trên sau khi ra trường, chắc chắn lao động không thể vận hành được máy móc, dây chuyền mới trong doanh nghiệp”- ông Đào Công Hải nhấn mạnh.
Giảng viên Phạm Hương Giang,Trường CĐ Công nghệ Hà Nội hướng dẫn sinh viên thực hành kỹ thuật Điện – Điện tử.
Thực tế, các trường nghề hiện nay đã chuẩn bị sẵn tâm thế trước CMCN 4.0. Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho biết, nhà trường đã chủ động đầu tư về thiết bị máy móc và tham gia đào tạo nhân lực để tiếp cận các doanh nghiệp áp dụng CMCN 4.0, trường đã và đang đầu tư thiết bị để đào tạo nhân lực ở lĩnh vực tự động hóa ở 3 nghề: Điện công nghiệp, Cơ điện tử và Cơ khí. Ông Đồng Văn Ngọc nhấn mạnh: “Sau khi đầu tư thiết bị máy móc, khâu quan trọng mang tính chất then chốt đó là con người. Vì vậy, bắt buộc phải có giải pháp ngay từ khi mua sắm thiết bị. Hiện chúng tôi đã đưa giáo viên sang Bỉ đào tạo hạt nhân, sau khi đào tạo giáo viên được công nhận là giảng viên toàn cầu thì trường sẽ thành lập Trung tâm đào tạo nhà thông minh tiêu chuẩn KNX (tiêu chuẩn quốc tế dành cho hệ thống quản lý, điều khiển tòa nhà thông minh) để đào tạo lại cho giáo viên trong trường”.
Không đào tạo theo phương pháp truyền thống, ngoại ngữ là một thế mạnh
Không thể phủ nhận các trường nghề đang chịu áp lực của CMCN 4.0 rất lớn, bởi lẽ không thể đào tạo theo phương pháp truyền thống lâu nay, dạy nghề đang đòi hỏi có sự thay đổi mạnh mẽ, trong đó ngoại ngữ là một thế mạnh. Ở trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã có 3 năm chuẩn bị về giáo trình và thiết bị giảng dạy. Không lâu nữa, học viên ra trường được kỳ vọng là những kỹ thuật viên trong các dây chuyền tự động hóa cơ khí và điện tử với mức thu nhập rất cao. Trong khi đó, ông Đào Công Hải nhận định, so với mặt bằng chung thì ngoại ngữ đối với giáo viên dạy nghề còn rất yếu. Trường CĐ Công nghệ Hà Nội đã luôn xác định lấy chuẩn đầu ra là tiếng Anh và tin học. Ngoài tiếng Anh, hai quốc gia Hàn Quốc và Nhật Bản cũng rất phát triển trong lĩnh vực tiếp cận CMCN 4.0, do vậy tiếng Hàn và Nhật trường cũng đang đào tạo cho SV để sau khi ra trường SV không làm việc trong nước, có thể ra nước ngoài làm việc.
Hiệu trưởng Cao đẳng Công nghệ Hà Nội Đào Công Hải kiểm tra tiết học tiếng Nhật tại trường CĐ Công nghệ Hà Nội.
TS. Bùi Chính Minh, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội cũng cho biết: “Chúng tôi quan tâm nhất là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Bên cạnh những chương trình đào tạo trong nước theo chuẩn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, nhà trường đã liên kết các dự án quan hệ quốc tế để bồi dưỡng, nâng cao trình độ giáo viên, vì CMCN 4.0 đòi hỏi người giáo viên phải có một kiến thức khác và thay đổi nhiều so với truyền thống. Hiện nhiều giáo viên của chúng tôi được đào tạo tại Hàn Quốc, Phần Lan và Úc...”.
Gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp
Làm thế nào để SV có việc làm, đáp ứng được với yêu cầu của doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp là trăn trở chung của các trường dạy nghề hiện nay. Là trường duy nhất trên cả nước nằm trong doanh nghiệp, Trường CĐ Công nghệ Hà Nội có nhiều lợi thế khi SV được thực hành trực tiếp tại doanh nghiệp với những máy móc, dây chuyền hiện đại, đảm bảo được đầu ra cho SV cũng như doanh nghiệp không phải mất thời gian đào tạo lại khi tuyển dụng lao động.
Sinh viên trong giờ thực hành kỹ thuật nghề Điện - Điện tử.
Đưa SV vào doanh nghiệp để đào tạo là một trong những mô hình mới được Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội áp dụng. Phó hiệu trưởng Bùi Chính Minh cho biết: “Mô hình này được thực hiện từ năm 2016, nhà trường và doanh nghiệp phối hợp với nhau xây dựng chương trình phù hợp với chương trình đào tạo của nhà trường, phù hợp với máy móc thiết bị công nghệ của doanh nghiệp. Sau đó nhà trường và doanh nghiệp xây dựng chương trình ngắn từ 1 đến 3 tháng thành mô-đun môn học và đưa SV ra ngoài cho doanh nghiệp đào tạo. “SV ra trường sẽ đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp khi nhận vào làm việc. Điều này giúp Nhà trường, doanh nghiệp và SV đều có lợi. Đặc biệt, tháng 5/2017, trường đã thành lập Trung tâm hỗ trợ việc làm và quan hệ doanh nghiệp để hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho SV. Đây là mô hình hoạt động rất hiệu quả!”
Trường CĐ Cơ điện Hà Nội khẳng định gắn đào tạo với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, ngay từ khi xây dựng kế hoạch mua máy móc thiết bị phải khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp và khi xây dựng chương trình, giáo trình cũng phải mời doanh nghiệp đến xem công nghệ đó áp dụng trong doanh nghiệp không? cần đào tạo gì chứ không phải tự mình quyết định được. Nhà trường cũng tiếp tục khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, tổ chức thu thập, cập nhật, quản lý và phân tích, dự báo thị trường lao động để từ đó có những định hướng đúng cho việc đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực, đáp ứng được yêu cầu của CMCN 4.0.