Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH tiếp đoàn đại biểu người có công tỉnh Đồng Nai
- Người có công
- 12:46 - 28/05/2022
Báo cáo tại buổi gặp mặt, ông Hồ Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai cho biết: Hiện tỉnh đã xác nhận, công nhận trên 52.700 người có công, trong đó người có công, thân nhân người có công hưởng trợ cấp hằng tháng là trên 12.9000 người với tổng kinh phí khoảng 287 tỷ đồng; hàng năm thực hiện cấp mới và cấp lại thẻ bảo hiểm y tế cho khoảng gần 55.000 người có công với cách mạng. Trong năm 2021, tỉnh đã giải quyết chế độ cho 817 trường hợp; thực hiện quản lý chăm sóc 7 nghĩa trang liệt sĩ, 13 đền thờ, 6 đài tưởng niệm và 42 nhà bia ghi tên liệt sĩ ở xã/phường.
Đồng Nai có 1.141 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện còn 37 Mẹ còn sống, các Mẹ Việt Nam anh hùng đều được các đơn vị, doanh nghiệp nhận chăm sóc, phụng dưỡng với mức bình quân hàng tháng trên 1.000.000 đồng/mẹ. Mức sống của người có công đạt mức cao hơn mức trung bình của người dân nơi cư trú và không còn hộ nghèo có thành viên là người có công.Cũng tại buổi gặp mặt, các đại biểu người có công tỉnh Đồng Nai đã phát biểu tâm tư, tình cảm khi tới thăm Bộ LĐ-TB&XH, đồng thời gửi lời cảm ơn tới các cấp, các ngành và đặc biệt là lãnh đạo Bộ đã tạo điều kiện để đoàn có cơ hội được tới Hà Nội và vào Lăng viếng Bác.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan gửi tới các đại biểu trong đoàn người có công lời thăm hỏi ân cần và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Qua báo cáo của đoàn, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đánh giá cao, với sự quan tâm của tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các cấp chính quyền và Nhân dân, công tác chăm sóc, ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được triển khai đồng bộ, toàn diện với nhiều kết quả nổi bật, được thể hiện rõ nét trong báo cáo của đoàn.
Theo Thứ trưởng, ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước nhằm tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng. Đây là chính sách đặc thù gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là trách nhiệm, tình cảm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những người đã không tiếc thân mình hy sinh vì độc tập, tự do của Tổ quốc.
Chia sẻ với đoàn đại biểu những kết quả nổi bật trong việc xây dựng, chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong năm 2021, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định: Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã thể chế hóa nhiều nội dung mới được quy định trong Pháp lệnh năm 2020 và Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng các cơ sở nuôi dưỡng điều dưỡng người có công với cách mạng; Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của quy hoạch này được lập nhằm hình thành hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; đảm bảo người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
Liên quan đến kế hoạch tổ chức kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ đảm bảo trang trọng, thiết thực và hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan thông tin: Cùng với các hoạt động thường niên như tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà, động viên người có công và gia đình liệt sĩ; thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ; chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ,.. thì trong năm 2022 sẽ tổ chức các hoạt động trọng tâm đó là: (1) Tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022) theo quy mô cấp quốc gia tại thành phố Hà Nội. (2) Tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp Gặp mặt 450 đại biểu người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ toàn quốc năm 2022. (3) Tổ chức chương trình cầu truyền hình (trực tiếp trên VTV1) tại 5 điểm cầu: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Điện Biên, tỉnh Nghệ An, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (4) Tổ chức Lễ phát động, vận động xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương. (5) Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho các gia đình liệt sĩ.
Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan mong muốn các đại biểu người có công tiêu biểu tiếp tục nỗ lực phấn đấu, là tấm gương quý để giáo dục thế hệ trẻ, đồng thời ghi nhận chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đoàn đại biểu người có công có chuyến đi rất nhiều ý nghĩa và thành công tốt đẹp.