Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt Đoàn đại biểu người có công TP.Cần Thơ
- Người có công
- 21:45 - 27/05/2022
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nói: “Tôi rất vui mừng và xúc động được đón tiếp Đoàn người có công với cách mạng tiêu biểu của thành phố Cần Thơ đến thăm Thủ đô Hà Nội - đây là một sự kiện rất quan trọng trong chuỗi các hoạt động thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022).
Hiện nay TP Cần Thơ có 5.576 đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng/tháng; trong đó có 29 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, tất cả các Mẹ đều đã được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Phó Chủ tịch nước đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác chăm lo cho người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố Cần Thơ với nhiều hoạt động thiết thực, nhiều mô hình hay như: Hàng năm tổ chức Tết Quân dân; hàng quý thực hiện Đối thoại với người có công với cách mạng; không còn tồn đọng hồ sơ người có công; hoàn thành chỉ tiêu xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa... và thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước nhiệt liệt biểu dương những kết quả đạt được của thành phố Cần Thơ cũng như khen ngợi nghị lực, ý chí vươn lên của Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đang có mặt tại đây. Đây là những tấm gương tiêu biểu, xứng đáng để chúng ta học tập, noi theo.
Phó Chủ tịch nước đề nghị Thành ủy, UBND Thành phố Cần Thơ tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, huy động sự tham gia của mọi người dân, với nhiều hình thức, cách làm sáng tạo, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chăm lo cho người có công và gia đình người có công. Trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác chăm sóc người có công với cách mạng; quan tâm và thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình người có công.
Rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đã người có công với cách mạng; triển khai đồng bộ, thống nhất, kịp thời Pháp lệnh Ưu đãi người có công; giải quyết tốt các vấn đề tồn đọng sau chiến tranh; cải cách thủ tục hành chính trong xác nhận người có công qua các thời kỳ kháng chiến; tạo điều kiện thuận lợi để người có công thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách.
Hai là, bố trí tăng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa nguồn lực xã hội, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Pháp lệnh và các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; quan tâm chăm lo y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở... trước hết là đối với những người, những gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, vận động để công tác này thực sự là một nghĩa vụ, bổn phận của tất cả mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, thế hệ trẻ…
Ba là, làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; nhanh chóng giải quyết hồ sơ tồn đọng. Tiếp tục giải quyết kịp thời, chu đáo chính sách thương binh, liệt sĩ đối với cán bộ, chiến sĩ bị thương, hy sinh, từ trần trong khi làm nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Bốn là, phát triển sâu rộng, nâng cao chất lượng các phong trào, chương trình “Đền ơn đáp nghĩa” thiết thực, làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Chú trọng giáo dục thế hệ trẻ; nâng cao chất lượng các phong trào, chính sách hậu phương quân đội, các chương trình tình nghĩa, phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; đẩy mạnh các chương trình nhà tình nghĩa, nhà đồng đội... tạo sự tham gia sâu rộng của toàn xã hội. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội. Thường xuyên động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương, khen thưởng các thương binh, bệnh binh, gia đình người có công phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
"Cuối cùng tôi xin kính chúc Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Gương; Các đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu của thành phố Cần Thơ và đồng chí Lê Quang Mạnh - Bí thư thành ủy TP.Cần Thơ, cùng tất cả các đồng chí luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công”, Phó Chủ tịch nước nói.
Thay mặt đoàn đại biểu người có công TP. Cần Thơ, bà Trần Thị Xuân Mai – GĐ Sở Đ-TB&XH TP. Cần Thơ gửi lời cảm ơn sâu sắc đến bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ nước và các đồng chí Lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước. Công tác chăm lo cho người có công với cách mạng luôn được Đảng và Nhà nước chú trọng quan tâm, ở địa phương cả hệ thống chính trị và toàn dân thành phố Cần Thơ luôn thực hiện tốt hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” với đạo lý “Uống nước nguồn” để tri ân và bày tỏ sự biết ơn Người có công với cách mạng, gia đình chính sách đã có những hy sinh, mất mát vô cùng to lớn vì nền độc lập của dân tộc.
Bà Trần Thị Xuân Mai cho biết, thành phố Cần Thơ có gần 40 ngàn gia đình chính sách người có công với cách mạng. Có hơn 12 ngàn người tham gia kháng chiến ở các chiến trường được trợ cấp một lần theo Quyết định số 290, Quyết định số 62 của Thủ tướng Chính phủ. Có gần 6.000 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với tổng kinh phí hơn 120 tỷ đồng/năm; trong đó có 28 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, tất cả các Mẹ đều được các đơn vị nhận phụng dưỡng. TP. Cần Thơ không có hộ chính sách nghèo, cận nghèo.
Thời gian qua, TP Cần Thơ thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách theo quy định của Đảng, Nhà nước và của thành phố như: Hưởng trợ cấp hàng tháng đầy đủ; Có 99% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình trong cộng đồng dân cư nơi cư trú; 100% người có công với cách mạng được cấp thẻ BHYT, được khám và điều trị bệnh miễn; thành phố tổ chức Đoàn Người có công với cách mạng đi tham quan Thủ đô Hà, đi điều dưỡng tập trung và hưởng chế độ điều dưỡng tại nhà; thực hiện tốt chính có mức sách ưu đãi giáo dục, miễn giảm học phí cho con em gia đình có công với cách mạng, Thành phố thực hiện hiệu quả Đề án tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ và Đề án xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội; hàng năm tổ chức Tết Quân dân; hàng quý thực hiện Đối thoại với người có công với cách mạng; Hiện tại, Cần Thơ không còn tồn động hồ sơ người có công; hoàn thành chỉ tiêu xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; thăm hỏi tặng quà nhân ngày Thương binh liệt sĩ, ngày lễ, Tết....
Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Cần Thơ, Thành phố Cần Thơ có trên 38.432 gia đình chính sách, 186 gia đình cán bộ lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa, 861 bà mẹ được nhà nước phong, truy tặng danh hiệu vinh dự “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” (trong đó còn sống là 29 bà), 52 gia đình anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động trong kháng chiến, 2.739 thương bệnh binh, 1.088 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 6.840 liệt sĩ, 7.950 người hoạt động kháng chiến, 1.250 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 4.861 nhân dân có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến; 179 người hưởng trợ cấp hàng tháng. Ngoài ra còn có hơn 12.096 tham gia người kháng chiến ở chiến trường trợ cấp một lần theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg, Quyết định 62/QĐ-TTg …
Toàn thành phố có 861 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được công nhận, hiện tại còn sống 29 bà mẹ, được các cơ quan, đơn vị trong thành phố nhận phụng dưỡng đến cuối đời, mức phụng dưỡng tối thiểu với số tiền 1.000.000 đồng/tháng/mẹ và chăm sóc các mẹ khi ốm đau, thăm viếng vào các ngày lễ, tết… có 284 đại biểu là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng dự Hội nghị “Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc hàng năm.
Bên cạnh chế độ trợ cấp ưu đãi của Nhà nước, việc chăm lo đời sống, sức khỏe được thường xuyên quan tâm, toàn thành phố đã có 14.675 lượt đối tượng người có công với cách mạng được cấp thẻ bảo hiểm y tế, các đối tượng này được khám và điều trị bệnh tại các cơ sở y tế nhà nước gần nhất. Chăm sóc tốt người có công với cách mạng. 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị, cá nhân nhận phụng dưỡng đến cuối đời và chăm sóc các mẹ khi ốm đau, thăm viếng vào các ngày lễ, tết… có 284 đại biểu là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng dự Hội nghị “Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc hàng năm.