CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:06

Làng trẻ em SOS Đà Lạt: 30 năm với công tác nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Làng Trẻ em SOS Đà Lạt được khôi phục và đi vào hoạt động từ tháng 12/1989, từ 36 trẻ ban đầu đến nay Làng đã nuôi dạy tổng cộng hơn 400 trẻ sống trong 14 gia đình và nhà Lưu xá Thanh niên. Sau khi Làng hoạt động, tổ chức SOS đã xây dựng thêm những dự án để hỗ trợ cho Làng và cho trẻ em, bà mẹ ở khu vực dân cư như: Trung tâm Xã hội Hermann Gmeiner, trường PT Hermann Gmeiner, đồng thời triển khai chương trình Tăng cường Gia đình từ năm 2005, và từ năm 2007 là chương trình học bổng SOS.

Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập làng SOS Đà Lạt - Ảnh 1.

Các quý khách về dự lễ

Tính đến nay Làng đã và đang nuôi dạy 417 trẻ từ các tỉnh miền trung Tây Nguyên và các huyện thị trong tỉnh Lâm Đồng. Trung bình mỗi gia đình SOS nuôi từ 25-30 trẻ.

Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại các gia đình SOS luôn được thực hiện với việc đảm bảo 4 nguyên tắc của tổ chức SOS. Từ mái ấm gia đình của mình, các cháu được tạo điều kiện, hướng dẫn, giúp đỡ để học tập, rèn luyện, hình thành nhân cách, phát triển bản thân. Kinh nghiệm và lòng yêu thương của bà mẹ và sự hỗ trợ kịp thời hỗ trợ nhân viên giáo dục các cháu mới được nhận vào để các cháu từng bước làm quen và dần hòa nhập với cuộc sống mới. …. của bà mẹ, anh chị em không khí đầm ấm của các gia đình giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng Làng.

Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập làng SOS Đà Lạt - Ảnh 2.

Ông Phan Văn Đa-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu chúc mừng

Tất cả trẻ của Làng được khám sức khỏe tổng quát hàng năm, các cháu có thể trạng yếu được hỗ trợ dinh dưỡng, các cháu mới tiếp nhận và trẻ lứa tuối mẫu giáo, tiểu học được tiêm vaccine cúm, viêm gan siêu vi B và các vaccine cần thiết khác để đảm bảo sức khỏe cho các cháu. Ngoài ra Làng cũng đã phối hợp với các chương trình khám sàng lọc bệnh lý cho một vài cháu để theo dõi định kỳ.

Cùng với việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ, các lớp ngoại khóa, các hình thức sinh hoạt tập thể giao lưu với các đơn vị bên ngoài thường xuyên được tổ chức với mục đích giúp trẻ hình thành và nâng cao kỹ năng, nhận thức, cảm xúc ….chuẩn bị cho quá trình hòa nhập xã hội khi trưởng thành.

Tất cả các trẻ sau khi vào Làng đều được đi học. Do sức học của trẻ khi mới nhận vào là ở vùng sâu, vùng xa nên học tập yếu hay chưa đi học, một số cháu vẫn còn gặp phải những khó khăn nên Làng luôn cố gắng tổ chức các lớp phụ đạo nhằm bổ sung, củng cố kiến thức giúp các cháu theo kịp chương trình học tại trường, nhất là các cháu cuối cấp. Nhờ vậy tỉ lệ tốt nghiệp hàng năm luôn đạt 100%; tỉ lệ học sinh khá giỏi trung bình các năm khoảng 60 – 65%.

Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập làng SOS Đà Lạt - Ảnh 3.

Tặng hoa chúc mừng các đại biểu

Trong những năm qua công tác hướng nghiệp cũng được chú trọng ngay từ đầu năm học đối với các cháu cuối cấp. Phần lớn các cháu sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đều được Làng tư vấn, hướng dẫn chọn một trường Đại học, Cao đẳng và trung học hoặc theo học ngành nghề phù hợp với sở thích, khả năng của bản thân và nhu cầu, xu hướng ngành nghề của xã hội. Hình thức tư vấn hướng nghiệp, tham quan trải nghiệm cũng được thực hiện với mục đích giúp cho các cháu hiểu sâu hơn các yêu cầu trong các lĩnh vực ngành nghề khác nhau.

Những lớp học năng khiếu như vẽ, cầu lông, cờ vua…..và các hoạt động ngoại khóa được tổ chức thường xuyên, nhất là vào mùa hè như Câu lạc bộ Bóng đá cộng đồng, Câu lạc bộ âm nhạc, Câu lạc bộ tiếng Anh…. đã mang lại những kết quả nhất định. Chính từ những lớp học này, các cháu có thể gắn kết với nhau, cùng nhau thư giãn, hình thành những sở thích lành mạnh và rèn các kỹ năng mềm. Vì vậy Làng luôn cố gắng tổ chức tốt các ngày Lễ, Tết của các cháu như: ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán….

Làng cũng tổ chức các hội thảo và các lớp ngoại khóa như: Hội thảo Thanh niên, Bình đẳng giới và các lớp tập huấn về Chính sách bảo vệ trẻ em, Quyền tham gia của trẻ, lớp rèn kỹ năng sống, phòng chống xâm hại và bạo lực trẻ em. Thông qua những hoạt động này, các cháu được khuyến khích nói lên suy nghĩ, ý kiến, đề xuất của mình và có thể học các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, thuyết trình

Trong số 142 trẻ đã sống tự lập, phần lớn các cháu có bằng cấp chuyên môn; trong đó Cao học, 02 cháu, Đại học, Cao đẳng, 61 cháu, trung cấp và học nghề, 66 cháu. Sau khi tốt nghiệp các trường này, đa phần các cháu lựa chọn sinh sống tại thành phố như thành phố Hồ Chí Minh và tại Đà Lạt. Các cháu hiện nay đang làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau như xây dựng, thông tin và truyền thông, công nghệ chế biến và chế tạo; một số cháu chọn nghề sư phạm, y tế, viên chức nhà nước, một số ít cháu chọn nghề kinh doanh tự do…. Khoảng 95% các cháu trưởng thành có công việc đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội, tự lập cuộc sống, hòa nhập và đóng góp cho xã hội. Nhiều cháu đã có ý thức trong việc đóng góp hỗ trợ cho công việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ tại các Làng trẻ em SOS Việt Nam. Đến nay có 101 trẻ đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh