THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:59

Làng SOS nuôi dưỡng các em phát triển toàn diện cả về thể chất và lòng nhân văn

 

Phát biểu tại buổi làm việc của Thứ trưởng, Giám đốc Làng trẻ em SOS Việt Nam Đỗ Tiến Dũng cho biết, ngày 22/12/1987, Bộ LĐ-TB&XH ký Hiệp định với Làng trẻ em SOS Quốc tế để tiếp nhận tài trợ xây dựng các dự án và để nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa theo 4 nguyên tắc của Làng trẻ em SOS quốc tế là: Bà mẹ, anh - chị - em, ngôi nhà và cộng đồng.

 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo, nhân viên Làng trẻ em SOS Việt Nam.

 

Từ 2 dự án ban đầu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến nay đã phát triển với gần 70 chương trình và dự án tại 17 tỉnh, thành phố. Làng đã và đang nuôi dưỡng 5.969 trẻ. Bên cạnh đó, Làng triển khai Chương trình tăng cường gia đình nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ em bị bỏ rơi. Hiện nay Chương trình đang triển khai tại 7 tỉnh, thành phố với 1.634 trẻ đang được nuôi tại 1.556 gia đình. Cả nước có 16 trường mẫu giáo SOS, chăm sóc 44.300 lượt học sinh. Trong số 12 trường phổ thông Hermann Gmeiner đã có 195.800 lượt học sinh theo học. Ngoài ra còn có 1 trường trung cấp nghề Hermann Gmeiner tại Việt Trì đào tạo 2 hệ trung cấp và ngắn hạn đào tạo 1.562 học sinh, trong đó học sinh nghèo nhận học bổng SOS chiếm 42,38%. “Sau 30 năm hoạt động, Làng trẻ em SOS quốc tế đã tài trợ cho Việt Nam gần 120 triệu USD. Tổng số bà mẹ, bà dì, cán bộ, giáo viên và nhân viên làm việc tại các đơn vị thuộc hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam là 1.300 người. Làng trẻ em SOS Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong tổng số 135 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động của Làng trẻ em SOS quốc tế, sau Ấn Độ và Brazil”, ông Đỗ Tiến Dũng thông tin.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà ghi nhận, đánh giá cao kết quả hoạt động của Làng trẻ em SOS Việt Nam. Những thành tích của làng đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, góp phần thực hiện đầy đủ quyền trẻ em.

Các em nhỏ đang được nuôi dưỡng tại Làng trẻ em SOS trong một giờ vui chơi.

 

Năm 2016, Đại hội đồng Làng trẻ em SOS quốc tế tổ chức tại Áo đã thông qua Chiến lược hoạt động đến năm 2030. Đây là căn cứ quan trọng để Làng trẻ em SOS Việt Nam xây dựng kế hoạch, chương trình phù hợp với tình hình chung của tổ chức cũng như sự phát triển của Việt Nam, đồng thời tiếp cận với xu hướng của quốc tế. Trong đó một điểm quan trọng là phấn đấu để trở thành tổ chức tự chủ về tài chính, điều này cũng khác với trước đây. Hoạt động đào tạo nghề cho các em có việc làm ngay chiếm tỷ lệ lớn, sự tự chủ của các trường mẫu giáo, tỷ lệ trẻ ngoài làng đến học ngày càng đông mở ra nguồn thu rộng hơn, hoạt động rộng hơn, hiệu quả hơn, là hướng đi tốt. Làng cũng cần nỗ lực hơn trong việc thu hút nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chỉ đạo, Làng cần rà soát các quy chế, nội dung hoạt động của Làng để điều chỉnh, đặc biệt phù hợp với quy định mới của Luật trẻ em năm 2016. Nếu có quy định nào chưa phù hợp thì Làng điều chỉnh cho phù hợp với Luật, đưa Luật vào thực hiện trong cuộc sống

Bên cạnh đó, cần cập nhật thường xuyên các chính sách, pháp luật có liên quan về các lĩnh vực trẻ em, bảo trợ xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin và quản lý viện trợ ODA để triển khai đầy đủ trong hệ thống của Làng. “Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành trong năm 2017 vừa qua với nhiều nội dung quy định bảo đảm các quyền của trẻ em, đồng thời cũng thúc đẩy việc chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Một số chính sách bảo trợ xã hội của Việt Nam và định mức hỗ trợ của một số địa phương đã cao hơn so với quy định của Làng trẻ em SOS quốc tế. Bộ đã đề nghị các địa phương quan tâm, bảo đảm sự hỗ trợ phù hợp cho hoạt động của Làng trẻ em SOS”, Thứ trường Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Thứ trưởng đề nghị Làng trẻ em SOS Việt Nam cần tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác hiệu quả với Làng trẻ em SOS quốc tế và các nhà tài trợ - những người có tấm lòng, trái tim dành cho trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam. Một số mô hình, cách làm hiệu quả của Làng, Văn phòng quốc gia nghiên cứu ở các địa phương, từ đó chia sẻ với các địa phương. Trên cơ sở mô hình đó, tham mưu với các cơ quan quản lý nhà nước để nhân rộng và làm cơ sở xây dựng chính sách về trẻ em trong thời gian tới. Bởi hiện vẫn chưa có nhiều quy định chuyên biệt về nhóm đối tượng trẻ em mồ côi.

Làng trẻ em SOS cần thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm với các Làng trẻ em SOS trên thế giới để ngày càng hoạt động hiệu quả hơn. Để Làng SOS ở các địa phương ngày càng phát triển, các em được sống trong môi trường hòa thuận, ấm áp, giúp các em phát triển thành những người có lòng nhân văn trong cuộc sống, sau này biết chia sẻ với cộng đồng. “Tôi rất vui mừng khi được biết, các em được nuôi dưỡng tại làng được phát triển rất nhiều trong các lĩnh vực và hơn 800 cháu đã có gia đình hạnh phúc. Tôi rất mong các cháu có gia đình, hạnh phúc, phát triển thể chất, trí tuệ, tâm hồn, có lòng vị tha. Tôi mong chúng ta cùng truyền trí tuệ, tinh thần, ý chí đó cho các con”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chia sẻ.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh