Làng SOS Nha Trang: Nơi ươm mầm những khát vọng
- Dược liệu
- 15:26 - 13/03/2017
Ngôi nhà chung nghĩa tình
Làng trẻ em SOS Nha Trang (Khánh Hòa) được khởi công xây dựng năm 1997 và hoàn thành giữa năm 1999 với 14 nhà gia đình có khả năng nuôi dưỡng thường xuyên gần 200 cháu. Trải qua một chặng đường khá dài, làng trẻ đã không ngừng phát huy, thực hiện tốt sứ mệnh của mình. Làng luôn khảo sát, điều tra, tiếp nhận những trẻ có số phận không may mắn để tiếp tục nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho các em được phát triển toàn diện, trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội.
Mỗi cuộc đời ở đây đều là một tấm gương về nghị lực vượt lên số phận. Ở đó, có những bà mẹ với những đứa con không cùng huyết thống nhưng đều có chung cảnh ngộ là sớm chịu những hoàn cảnh éo le, thiệt thòi, mất mát trong cuộc sống. Vì thế mà tình thương trong họ vẫn luôn đong đầy.
Nơi ươm mầm cho nhiều khát vọng
Ông Lê Hùng Nghệ - Giám đốc của Làng trẻ cho biết: Hiện nay, làng đang nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cho 193 trẻ. Mục tiêu đặt ra của làng là tập trung vào chăm sóc sức khỏe, học tập, giáo dục kỹ năng sống, giúp trẻ hòa nhập với cộng đồng. Thời gian tới Làng sẽ đẩy mạnh hơn nữa những dự án nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục. Tiếp tục khảo sát tiếp nhận trẻ và phát huy công tác hướng nghiệp tạo việc làm cho các cháu.
Em H được đón về Làng cách đây hơn một năm bởi gia đình ly tán. Lúc mới vào làng, H rất bỡ ngỡ và hay ngượng. Theo thời gian, H lớn lên cùng với các anh chị em trong ngôi nhà chung này và giờ đây em xem Làng như ngôi nhà của mình với đủ đầy sự ấm cúng, lo toan, chăm sóc của các dì trong Làng.
Nhiều em khác sống vất vưởng và mang nhiều nỗi mặc cảm nên khi được đưa vào Làng hay lầm lỳ và cách biệt mọi người. Thế nhưng, trước sự chu đáo của các dì, những đứa trẻ này đã hoàn toàn cởi mở và tự tin vươn lên trong cuộc sống mỗi ngày.
Gieo mầm khát vọng
Bước chân vào khuôn viên của làng trẻ SOS, chúng tôi đã cảm nhận được sự bình yên, thân thiện. Theo chân chị nhân viên giáo dục đến thăm gia đình số 2 của cô Huỳnh Nguyễn Anh Thư, cô tâm sự: Gia đình cô gồm có 9 trẻ, em lớn nhất học cao đẳng năm thứ 3, nhỏ nhất hiện nay mới 11 tháng tuổi. Các em điều gặp phải những hoàn cảnh bất hạnh. Thấu hiểu được điều đó nên những người như cô Thư luôn xem các em như ruột thịt. Cô Thư bộc bạch: cũng ở lứa tuổi ấy, những em có điều kiện tốt bên ngoài thì tung tăng, đủ đầy. Còn trong này có những em nhiều lần ngước qua khe cửa chỉ mong có đủ cha mẹ cùng đưa đi chơi cuối tuần đã là giấc mơ xa xỉ lắm rồi”.
Nhiều học sinh thiệt thòi trưởng thành từ đây
Khi được hỏi về lựa chọn của mình, cô Thư đã không giấu nổi dòng nước mắt: "Cũng có thể người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ chúng tôi không sáng suốt khi lao vào làm lụng, gắn bó nuôi dưỡng và dạy học cho những đứa trẻ mồ côi, không may mắn mà lại không lựa chọn công việc khác. Nhưng nhìn những mảnh đời không hoàn hảo này... chúng tôi lại thấy ứa nước mắt và nếu bỏ đi thì thấy trong lòng day dứt biết bao. Nghĩa tình cũng từ đó mà nên”
“Nếu chỉ nuôi dưỡng các em không thì thiệt thòi với bạn bè nhiều quá nên Làng luôn chú trọng đến việc dạy chữ và khơi dậy những khát vọng từ sâu trong tiềm thức các em. Khi thấy em nào có kiến thức tốt và khả năng nhanh nhạy, Làng có cách khuyến khích, động viên ngay. Sau đó chuyển các em vào các trường để học tiếp”- Ông Lê Hùng Nghệ chia sẻ.
Sau những giờ học tập tại trường thì làng còn cho các em tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao (tham gia liên hoan đại biểu SOS toàn quốc, giải việt dã thành phố Nha Trang…). Với những cách làm đó, nhiều em trong Làng đã vươn lên thực hiện giấc mơ của mình. Tiêu biểu như em Lê Thị Mỹ Nga (24 tuổi, học chuyên ngành điều dưỡng ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh) là sinh viên xuất sắc nhiều năm liền của trường. Mẹ Nga mất sớm, rồi bố bị tai nạn qua đời, nỗi đau ập xuống tưởng chừng như dìm em trong nỗi tuyệt vọng. Thế nhưng, từ khi vào Làng, em gượng dậy, nuôi khát vọng làm bác sỹ cống hiến cho xã hội, cho những đứa trẻ thiệt thòi như em. Giờ đây, Nga được giữ lại bệnh viện Y Dược TP. Hồ Chí Minh làm việc. Cũng như Nga, em Ngô Quang Nam (23 tuổi, sinh viên Học Viện Âm Nhạc – Huế), đã đạt được những thành tích học tập tiêu biểu, thủ lĩnh trong các hoạt động xã hội.
Tiếp nối những đàn anh, đàn chị của mình; nhiều em khác trong Làng trẻ như Võ Thành Đạt, Trần Thị Ngọc Thắm…đều là học sinh giỏi nhiều năm liền. “Những dì trong Làng trẻ này cũng như cha mẹ của các em vậy nên các em luôn tự nhủ sẽ sống tốt, cố gắng học tập để trở thành người có ích cho xã hội. Em học giỏi rồi sẽ chỉ lại cho các em khác học theo. Cứ thế, hàng đêm không khí học bài, ôn bài lại rộn ràng…”- em Đạt tâm sự.
Em Thắm cũng vậy, vào làng từ năm 8 tuổi, em luôn mặc cảm với số phận. Nhưng được những người mẹ không cùng huyết thống sưởi ấm trái tim, em vượt qua mặc cảm của số phận. Bây giờ trong em luôn cháy bỏng khát vọng trở thành người có ích”. Nói về các “mẹ” đang ngày đêm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mồ côi trong Làng, ông Nghệ cũng bồi hồi; “Đến với SOS các bảo mẫu ấy đã như những người mẹ thật sự. Họ dành trọn vẹn tình yêu thương của mình với trái tim đầy nhiệt huyết và nhân hậu để cố gắng dạy dỗ và nuôi dưỡng các cháu thành người. Với họ đó là tất cả niềm hạnh phúc”.