CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:13

Nhớ nhung rộng dài...

Tác giả (bên trái) trong một chuyến trở về nơi tuổi thơ yêu dấu

Trên gần đỉnh đồi rậm rạp, tôi đang hối hả chặt chẻ một thân cây khô to để làm củi, thì ở chân đồi đối diện, nơi ngôi nhà nhỏ của tôi, vang lên tiếng gọi. Tôi vạch lá căng mắt nhìn xuống. Người gọi là thằng Dũng béo lớp trưởng. "Đỗ rồi! Đỗ rồi! Phong ơi, về đi...". Tôi bỏ việc, đi  xuống gặp Dũng. Nó mang đến giấy báo điểm thi đại học của nó và báo điểm thi của tôi và mấy thằng bạn thân dò hỏi được trên ban tuyển sinh tỉnh. Gặp Dũng trước sân một lát thì bác bưu tá mang tới cho tôi giấy báo điểm thi của tôi đúng như nó vừa báo tin. Vậy là so với điểm chuẩn thì ba thằng lớp 10A cấp III Tô Hiệu, thị xã Sơn La đã đỗ Đại học Bách Khoa Hà Nội kỳ tuyển sinh năm 1977 là Dũng, Thiên và tôi.

Tôi không có cảm giác bất ngờ, mà chỉ vui mừng vì sắp tới mình sẽ được về Hà Nội học, được sống ở Thủ đô, nơi tôi đã có mấy lần được băng qua trong những chuyến đi chật vật và lam lũ cùng cha mẹ xuôi quê ngược núi.

Từ một làng nhỏ ở Thái Bình, tôi theo cha mẹ lên sống ở miền núi khi còn bé tí, mới hai, ba tuổi. Lớn lên đi học lớp bản, trường xã, nay đây mai đó ở khắp đất Phiêng Ngùa, Chiềng Xôm, Bản Hẹo, Bản Tông, Phiêng Hay... thuộc huyện Mường La. Đến lớp thì học, rời lớp thì ra suối mò cá hay chui rừng chặt củi, kiếm củ quả ăn. Thế mà may mắn làm sao, tôi vẫn lên lớp đều, lớp bốn cuối cấp I, lớp bảy cuối cấp II, đều được thầy cô chọn dẫn đi huyện đi tỉnh thi học sinh giỏi cả toán và văn cấp huyện, cấp tỉnh, rồi toàn miền Bắc. Cũng được giải nọ kia, có bận còn nhận được cả giấy khen của Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên ký mực xanh biếc gửi về tận trường. Tôi biết cha mẹ, thầy cô tự hào về mình nhưng nghĩ mình cũng bình thường, chả phải cố gắng gì, học thì thi, thi thì đỗ, thế thôi. Vào rừng chơi vẫn thích hơn.

Sau năm 73, hết chiến tranh, cơ quan bố mẹ cùng về thị xã, nhà cũng chuyển theo. Tôi lên cấp III, sau giờ học vẫn thích leo núi, vào rừng. Cuối năm lớp 10, mẹ nhắc cố gắng học để thi đỗ đại học, bố mẹ khỏi phải nuôi, sau này sung sướng. Tôi bảo, vâng, con sẽ thi đỗ đại học to nhất nước ta, đại học trăm khoa, vào hẳn khoa chế tạo máy, nhé. Nói thế vì đã xem qua quyển sách giới thiệu các trường đại học tuyển sinh năm ấy. Tôi khoái khoa chế tạo máy bởi nghe nó lạ lẫm hẳn so với cuộc sống hàng ngày của mình. Rồi tôi đăng ký nguyện vọng thi vào khoa chế tạo máy, Đại học Bách khoa Hà Nội. Thằng Dũng lớp trưởng, thằng Thiên lớp phó đăng ký vào khoa động lực, nghe tên cũng oai chả kém.

May sao hồi đó tôi không bị tí gì gọi là áp lực thi cử, nghĩ thi đại học thì cũng như thi học kỳ, mình cần chú ý thêm một chút, vẫn còn khối thời gian để vào rừng ra suối. Mẹ có nhắc thêm thì tôi càng có cớ cầm cuốn sách ra khỏi nhà, khuất mắt mẹ, có khi dúi cuốn sách giấu vào bụi cây rồi đi vào rừng, tối muộn mới lần về, tìm lại cuốn sách đã giấu, cầm tung tẩy trên tay, "hiên ngang" như đi học nhóm với bạn về nhà. Chính vì không áp lực nên kỳ thi đại học đã qua, tôi làm bài không thật giỏi, nhưng cũng chẳng tệ, tin chắc là mình đủ điểm đỗ. Thi xong đã tính sắp xếp các việc chuẩn bị ở nhà cho mẹ với đàn em nhỏ khi mình đi học xa. Việc đốn cây làm đống củi cho mùa đông sắp tới cũng là một phần trong dự tính ấy. Giờ có điểm chính thức rồi, quá ổn để hoàn tất kế hoạch, phơi phới chờ đợi chuyến bay xa đầu đời, rất háo hức và sung sướng...

Nhưng rồi có chuyện xảy ra, làm tôi "khựng" lại...Nhớ nhung rộng dài...

Tác giả trong một lần về quê ở Thái Bình

Một thời gian sau khi biết điểm thi, các bạn tôi lần lượt nhận được giấy gọi nhập học và hối hả chuẩn bị xuôi đồng bằng. Tôi mãi chả thấy gì. Chiều nào cũng ra bưu điện hỏi, đều nhận được cái lắc đầu của cô nhân viên trực. Mẹ và tôi đều rất sốt ruột, bố thì công tác ở xa, liên lạc khó khăn. Có người bảo, sao không lên thẳng ban tuyển sinh tỉnh mà hỏi? Tôi chạy đi. Một bác già già chắc là lãnh đạo ban nghe tôi trình bày, ái ngại nói: "Hồ sơ của cháu còn nằm ở đây thì làm gì có giấy gọi? Chắc cháu muộn dịp này thôi!". "Sao lại như vậy hả bác?". "Cơ quan bố cháu sức giấy lên đây đề nghị giữ cháu lại!". Tôi chả hiểu gì cả. Bố tôi làm ở Sở Ngoại thương tỉnh, cũng mấy lần đưa tôi đến cơ quan ở nơi sơ tán chơi, ai cũng trầm trồ thân thiện, tình cảm: "Ồ, thằng Phong con ông Châm ngoan và học giỏi đây hả?". Vậy sao họ lại có giấy lên tỉnh ngăn không cho tôi đi đại học? Bác già già khuyên tôi ra bưu điện tìm cách liên lạc để báo với bố. Bố tôi đang làm việc cách nhà khoảng 30 cây số, nhưng hồi đó là một khoảng cách không gần.

Tối hôm ấy bố nhờ người đèo xe đạp về nhà. Khuôn mặt ông sẫm lại khắc khổ. Cả buổi tối, ông bàn bạc gì đó với mẹ tôi. Sáng sớm hôm sau ông xách xe đạp đi một mạch đến chiều muộn thì đi bộ về. Ông giơ trước tôi túi hồ sơ, bảo: "Đưa giấy báo điểm thi, bố cho vào đây. Mai bố đi Hà Nội, may ra còn hy vọng".

Hồi đó, quãng đường Sơn La - Hà Nội đi xe khách thường mất hai, có khi ba ngày. Bố tôi vào trường rồi ngược lên, nhanh thì năm ngày. Những ngày dài trong chờ đợi của một cậu bé đầy háo hức như tôi.

Tôi hỏi mẹ rồi gặp mấy chú bạn thân của bố dò hỏi để biết câu chuyện vừa qua. Bố được người ta giao cho việc đi vào các bản làng người Thái thu mua xương trâu bò, mua tre nứa. Xương trâu bò thì đóng vào bao tải chuyển về. Tre, nứa thì xếp thành đống bên đường cái, đợi xe cơ quan đến bốc đi. Có chuyện xảy ra mất cắp tre nứa xếp bên đường trong đêm.

Minh họa: Họa sĩ Thành Chương

Người ta quy trách nhiệm cho bố tôi và bắt đền tiền. Khổ, nhà tôi nghèo khó, lấy đâu ra tiền đền? Thế là họ nghĩ ra cách "ách" hồ sơ thi đại học của tôi lại để "xử" bố tôi.

Từ khi biết nhận thức, tôi đã biết nhà mình rất nghèo so với nhà bạn bè. Tôi là thằng con trai lớn của bố mẹ tôi, sinh ra khi bố đã ba mươi sáu tuổi. Kế tôi là một cậu nữa, kém tôi hai tuổi, đã chết vì bị thương hàn lúc mới hơn một tuổi. Cậu tiếp theo kém tôi năm tuổi, đẹp như thiên thần khi sinh ra,  nhưng mắc phải uốn ván, bác sĩ bảo bỏ đi, còn muốn cứu thì chấp nhận tiêm kháng sinh rất mạnh, sợ có sống cũng không thành người được nữa. Bố tôi kiên quyết cứu con. Thằng bé sống được nhưng là sống thực vật, từ lúc sinh ra cho đến khi chết lúc mười hai tuổi, chỉ nằm một chỗ. Sau cậu này, tôi còn lít nhít ba đứa em gái và một cậu em trai nữa.

Tôi đã thấy bố mẹ tôi cật lực làm việc, ngoài việc cơ quan, rời tay ra là làm nương, làm ruộng, có lúc làm bánh kẹo bán, rồi mở quán bán hoa quả, cháo lòng... Được đồng nào không đủ nuôi đàn con, lại đổ hết cho việc chữa bệnh cho thằng uốn ván bại liệt.

Tôi không nhớ mình đã bao chuyến cùng bố mẹ, để lại lũ em nhỏ cho ông bà nội trông nom, vác thằng bại liệt trên vai như vác cái áo bông rách, trên tàu, trên xe đi đến khắp nơi, xuôi quê, về Hà Nội, đi các tỉnh nếu nghe nói ở đó có người chữa được là đến. Rồi nghe ai nói trên rừng có thứ cây, thứ củ nào có hy vọng chữa là bố rủ bạn đi lùng bằng được. Mọi cố gắng đều trôi đi, thằng bé có khuôn mặt thiên thần trắng xanh vẫn nằm yên một góc, có lúc bốc mùi hôi thối, mà tôi là người phải có trách nhiệm trông nom nó. Tận năm tôi vào lớp 10, thằng bé mới chết. Mẹ tôi hực lên một tiếng đau đớn. Bố mẹ và tôi ngồi trên thùng xe công nông có cái quan tài nhỏ sơ xài chở nó ra nghĩa địa chôn. Tôi như được giải thoát khỏi một khổ nạn...

Tài sản đáng giá nhất của nhà tôi lúc ấy là chiếc xe đạp nứt khung, dành cho mẹ tôi tranh thủ chạy chợ ngoài giờ làm kiếm thêm nuôi đàn con nhỏ. Có đôi khi, tôi bảo với mẹ trước một hai ngày là có việc quan trọng ở lớp cần đi xe đạp để mẹ nhường cho một buổi. Buổi ấy tôi sẽ đi chậm, gặp đứa bạn nào cũng tìm cớ nói chuyện để cho chúng nó biết là nhà mình cũng có xe đạp. Tôi đi bộ đến trường, thỉnh thoảng được bạn cho đi nhờ thì tốt, còn không thì phải vừa đi vừa chạy gằn cho kịp giờ vào lớp. Chính vì thế mà học hành vẫn ổn, lại được đài, báo tỉnh khen, thành ra nhiều bạn bố mẹ tôi cứ lấy tôi làm gương cho các con mình. Cái đêm bố tôi về, bàn bạc với mẹ là để quyết cái việc bán chiếc xe đạp nứt khung đi, lấy tiền đền số tre nứa bị mất cắp để có giấy cơ quan lên tỉnh cho được mang gấp hồ sơ của con về trường xin nhập học.

Đúng năm ngày sau, bố tôi đi Hà Nội về. Ông đã gày gò khắc khổ trông lại càng nhỏ thó hơn nhưng ánh mắt sáng ngời, đưa cho tôi tờ giấy và quay ra bảo vợ: "Nhà có gì ăn tạm không? Tôi đói quá rồi". Tôi cầm giấy gọi, đọc thấy mình được vào khoa hoá thực phẩm. Hỏi thì bố giải thích, hồ sơ nộp muộn, hết chỗ rồi, chỉ còn hai chỗ là khoa cơ dệt với hoá thực phẩm. Thấy tôi là cán sự hoá nên ông chọn thế. Dù không được như lựa chọn nhưng khi biết cha mình đã vất vả, khi lên xe về nhà, trong túi ông chỉ còn năm hào bạc và hai cái bánh mì dành cho hai ngày đi đường để mang về cái giấy gọi cho mình, tôi vẫn vui vô cùng.

Minh họa: Họa sĩ Thành Chương

Ngày tôi lên đường về Hà Nội nhập học, là đánh dấu bước trở thành người lớn của mình, một mình tự lập. Tôi nhận được bài học đầu tiên là cuộc đời sẽ không đơn giản, không chỉ chuyện cơm áo, mà còn có thể rắc rối không ngờ tới từ sự ghen tỵ của lòng người. Và bài học thứ hai, khi mẹ tôi dặn: "Con đừng nóng tính như bố, nhưng hãy học bố về sự thẳng thắn, không bao giờ quỵ luỵ ai và không bao giờ than thở khi gặp khó khăn".

Từ bé, tôi không mấy khi được gần gũi bố. Có nhiều dịp bên bố nhưng thường là nhiều người, nhiều chuyện, chả có mấy lúc bố tâm tình, trò chuyện riêng. Tôi thường chỉ được quấn quít bên bà và ông nội. Có lần bà nội nói với tôi, thì thào, như sợ ai nghe thấy, rằng bố tôi lỡ dở đường vợ con, bố tôi có bà vợ đầu nhưng khi bố đi kháng chiến thì bà vợ ở nhà bỏ làng, bỏ ông bà nội, mang theo hai người con đi ra Hải Phòng. Bố đi kháng chiến về mới biết chuyện, giận một thời gian rồi mới đi tìm, nhưng bà vợ không chịu về lại, cũng ngăn không cho bố tôi gặp hai con. Bố tôi về làng năm năm sau mới lấy vợ mới, là mẹ tôi bây giờ.

Giờ tôi đã trưởng thành, thấy mình tự nhiên có thôi thúc tìm hiểu về cha mình. Dẫu vậy vẫn thấy khó khi trực tiếp hỏi bố nhiều chuyện. Tôi dò hỏi qua nhiều người rồi chắp nối lại...

Ông nội tôi là người có máu mặt trong làng, là ông Phó Ngọ, hai anh trai của ông nội tôi cũng cỡ ấy là ông Đội Bằng, ông Ký Tỉnh. Cả ba anh em đều là hạng có gia sản, không ghê gớm nhưng cũng chẳng nhỏ, đủ tiền để bỏ ra kiếm chức đội, ký và phó lý để thành có vai vế ở làng xã. 

Bố tôi là con trai trưởng, giỏi giang, ngay khi vừa vào tuổi thanh niên, ông đã không tỏ ra chí thú gì việc kế nghiệp gia sản của cha mẹ mà tính đường cùng chú Ngạch, em họ cùng tuổi với bố rời làng ra vùng mỏ tìm việc. Hai anh em làm một thời gian rồi chán bọn chủ, liền bỏ về Hải Phòng học nghề làm bánh kẹo, đi bán khắp các ngõ phố đất Cảng. Năm 1945, hai anh em nhập vào đoàn người đi giành chính quyền. Sau đó, bố dẫn một người con gái bố gặp trên bước giang hồ về làng để ông bà cho làm lễ cưới. Đó là bà vợ đầu của bố. Có với nhau mấy mặt con thì bố gia nhập công an vũ trang. Lên chiến khu bảo vệ chính quyền một mạch đến khi thành công, bố mới về thì vợ con đã dắt díu nhau bỏ làng đi.

Bà nội tôi bảo: "Con Nhâm (tên bà vợ đầu của bố) bảo là bố mày lấy vợ trên chiến khu rồi nên dứt áo ra đi. Bà nói thế nào cũng không giữ lại được". Tôi hỏi: "Nhưng sau đó bố cháu đã đi tìm, chắc mọi chuyện phải rõ ràng, sao họ lại không về với nhau?". Bà nội thở dài: "Bà chịu, không biết làm sao? Lòng người khó dò lắm con ơi!". Bà tôi cho tôi biết, bố đi đón vợ con về không được thì lên Hà Nội làm việc, mãi rồi mới về làng cưới mẹ tôi, sau đó sinh tôi rồi dắt díu vợ con lên Sơn La. Lên rồi đón em trai, em dâu, em vợ cùng lên và cuối cùng cũng thuyết phục cả ông bà nội bán hết đất cát ở làng lên núi sống với con cháu.

Sau việc tôi suýt không được đi học đại học, bố tôi bỏ luôn cơ quan, về nhà cùng vợ xoay kế sinh nhai nuôi tiếp đàn em của tôi. Mãi sau này, thấy vô lý, có sự giúp sức của mấy người bạn tốt của bố, người ta đã làm chế độ hưu cho bố tôi. Khi gần bảy mươi, ông nội đã mất, cha mẹ tôi lại đưa bà nội cùng đàn con về làng sống trên miếng đất mà ông bà ngoại tôi xén ra cho.

Tôi nghe mấy ông anh họ kể, khi về làng sống, bố tôi đã mấy lần đi Hải Phòng để tìm gặp vợ cũ và các con nhưng không gặp được. Hai người con đầu của bố tôi là chị Phát và anh Hồng. Anh Hồng lớn lên đi bộ đội, đã hy sinh, giờ vẫn chưa biết nằm ở đâu. Những năm 80 thế kỷ trước đầy khó khăn, chị Phát đã mấy lần vượt biên, rồi cuối cùng cũng trót lọt, đã định cư cùng mẹ già và chồng con tại Úc.

Về già, bố muốn lên sống với tôi. Nhà tôi bé tí có mười mét vuông, lại trên tầng hai, đi qua cửa nhà người ta, tôi ái ngại quá. Bố bảo: "Không sao đâu con, ban ngày bố sẽ đi ra công viên ngồi đọc sách, tối đến về chuyện trò với con một tí, rồi ngủ thôi mà!". Tôi động viên bố: "Thôi để con cố mua miếng đất, làm cái nhà to một chút rồi đón bố mẹ lên ở cùng". Khi tôi mua được miếng đất, dành dụm mấy năm trả nợ rồi làm nhà, bố đi khoe khắp làng: "Thằng Phong nhà tôi đang xây nhà, khi nào xong, tôi bảo nó thuê một chuyến xe về đón mọi người lên chơi nhà nó nhé!". Nhưng nhà đang làm thì bố ngã bệnh ốm, nhà chưa xây xong thì bố đã về trời mất rồi.

Sáu năm sau ngày bố mất, tôi mới liên lạc được với chị Phát. Tôi ra Hải Phòng đưa di ảnh của anh Hồng về treo bên ảnh bố trên ban thờ. Sau đó cả nhà tôi đón chị Phát và chồng chị về làng. Bố chỉ còn là một nấm mộ.

Chị Phát kể, bố lấy vợ mới, đẻ tôi được chừng bốn năm tuổi rồi, có chuyến đi công tác Hải Phòng, bố vẫn tìm gặp được chị, hai bố con có viết thư cho nhau, bố còn gửi cho chị một cái xe đạp để chị đi làm. Sau mẹ chị biết đấy là xe bố cho đã bắt chị cho đi. Chị Phát bảo: "Chị cũng không biết sao mẹ chị lại nghiệt ngã thế. Chị nhớ và thương bố lắm nhưng rất sợ mẹ, chỉ dám giấu giếm viết thư cho bố. Đến khi chiến tranh miền Bắc, nay đây mai đó sơ tán mới mất liên lạc với bố. Giờ về không còn được gặp bố nữa rồi, ân hận quá, em ơi!".

Tôi động viên chị bằng câu chuyện, có lần tôi hỏi bố, ai đã ngăn không cho tôi đi đại học, thì bố gạt đi, bảo rằng bố có bao nhiêu bạn tốt như chú Huyền, chú Điệp, chú Thịnh, sao con không hỏi. Với những người không tốt với ta, những chuyện buồn trong đời thì hãy quên đi... Để những nỗi nhớ nhung rộng dài dành cho người tốt, cho những chuyện vui...

Giáp Xuân Ất Mùi, 2015

Tự truyện của NGUYỄN THÀNH PHONG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh