THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:46

Thắp nén hương xuân

Cũng không còn cái cảnh vừa thườn thượt thở dài vừa tất tưởi sắm Tết như hồi bao cấp, nhưng ít ai bỏ dịp này đi siêu thị hay ra chợ mua hàng. Năm nào cũng vậy, trước hôm ông Táo lên Trời, nghĩa là còn xa xa đêm giao thừa, ngày nguyên đán, tôi đã dặn vợ đi chợ chọn mua hương trầm, nến thơm thắp cho thần linh, tổ tiên ông bà trong mấy ngày Tết.

Dẫu rằng, như mọi gia đình Việt khác, việc hương đèn nhà tôi vẫn thành tâm đều đặn vào ba mươi, mồng một, ngày rằm hay những lần giỗ chạp trong năm tính theo lịch trăng.

Nhưng hình như, nén hương thắp ngày Tết trong tiết xuân gió se se lạnh, mưa bụi lất phất bay vẫn có cái gì đó khác hơn. Bâng khuâng và xôn xao nhiều lắm! Trong mùi thơm ngan ngát của trầm hương, tôi im lặng lắng nghe ngày xưa đang trở lại với bóng hình của những người thân yêu từ cõi mênh mang về đoàn tụ với cháu con.Thắp nén hương xuân

Tôi nhớ, khi ngọn núi Am nằm ở phía nam làng tôi không còn u ám bởi gió bấc mưa dầm dãi dề lạnh buốt nữa thì không khí chuẩn bị đón Tết đã bắt đầu rộn ràng. Từ những xóm thuần nông quanh năm cày cấy gặt hái đến các ngư thôn làm nghề buông câu thả lưới nằm sát bờ sông Gianh, bãi biển tới làng thủ công nghiệp dịch vụ buôn bán đâu đâu người ta cũng quét dọn trang trí nhà cửa, vệ sinh ngõ lối, dựng cổng chào.

Thời ấy, Mỹ chưa ném bom ra miền Bắc, ở quê tôi cuộc sống tuy thanh đạm nhưng rất vui vẻ ấm áp. Nhịp đời thong thả trôi đi, Tết cũng giản dị, nhẹ nhàng thôi song có nhiều nụ cười, câu chào trên gương mặt sáng.

Tôi còn bé tẹo, nhưng chẳng hiểu sao những cái Tết thời xa xôi ấy vẫn in dấu ấn sâu sắc trong lòng.

Mở trang hồi ức, tôi nghe đì đùng tiếng pháo nổ từ giữa Chạp trở đi. Những tràng pháo lít nhít mặc áo hồng kêu ình oàng thôn trên xóm dưới sau khi được châm ngòi, làn khói màu lam mỏng tang tỏa mờ mờ trong màn mưa bụi se se phảng phất mùi diêm sinh khen khét.

Lũ trẻ con chúng tôi nháo nhít nhặt những quá pháo tịt nằm lặng im giữa đống giấy vụn màu hồng, đút túi. Bọn con trai đứa nào túi cũng đầy pháo tép, pháo tịt. Đấy là “gia tài” quý báu của tuổi thơ mà đến bây giờ khi nhớ lại tôi vẫn còn rưng rưng...Thắp nén hương xuân

Đi chợ Tết. Với bà nội và chị tôi. Chợ xã, chợ làng, đông ơi là đông. Người chen người, hàng chen hàng, chào hỏi, bán bán mua mua, ồn ào trầm bổng lao xao. Món hàng bà tôi mua đầu tiên khi đến chợ là trầu cau.

Năm nào bà cũng nói câu này: “Mua trầu cau là mua lộc, mua may, chị em bay nhớ đừng quên nghe.” Thời be bé, tôi chưa hiểu lộc, may là gì nhưng được đi chợ với bà là thích thú lắm.

Tôi nhớ mãi lời bà, đến bây giờ sống ở Hà Nội nhưng mỗi khi vợ đi chợ Tết tôi đều nhắc: “Em nhớ mua trầu cau đầu tiên để lấy lộc, lấy may nhé”. Biết vợ chưa bao giờ quên mà vẫn nhắc như thể muốn được nghe lại lời bà trong phiên chợ áp Tết xửa xưa.

Buồn cười lắm, mua đồ ăn Tết, bà tôi không bao giờ đụng đến các thứ mực, tôm, cá tràu (cá chuối), cá đối. Những thứ ngon lành ấy bị dân làng tôi kiêng cự trong mấy ngày Tết vì sợ dông bởi ăn mực gặp đen (rủi), con tôm thì cứt lộn lên đầu (không nề nếp sạch sẽ tinh tươm), cá tràu còn gọi là cá loi (sợ xung đột đấm đá nhau), cá đối (cá đối bằng đầu sợ trong nhà trong xóm không hòa thuận).

Năm hết Tết đến nghèo khó chi dân tôi cũng có bình hoa đặt lên bàn thờ để cúng tổ tiên ông bà và cặp câu đối, mấy bức tranh dán lên vách cho sáng cửa đẹp nhà. “Bàn thờ sạch đẹp, tổ tiên ông bà vui vẻ sẽ phù hộ nhiều cho con cháu”, bà tôi hay dặn thế. Bà tôi thường chọn mua hoa vạn thọ cắm trên bàn thờ.

Hoa này mùi hơi hắc nhưng có màu vàng tươi sáng và đặc biệt nó mang tên vạn thọ nên nhiều người ưa thích. Ngoài vạn thọ, tôi thấy ở chợ quê người ta còn bày bán hoa mai, thược dược, cúc.

Thắp nén hương xuân

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Trước ba mươi Tết ba tôi đã mua một cặp câu đối, vài bức tranh phong cảnh dán lên. Ông còn mua giấy màu dùng phấn viết lên câu Chúc mừng năm mới theo kiểu thư pháp rất bay bướm. Bọn bạn trong xóm đến nhà chơi, tôi hớn hở khoe: “Ba tau viết đó”, đứa nào cũng khen nắc nỏm: “Khéo hè, khéo hè!”.

Mỗi năm, đứa nào cũng được ba mẹ may hoặc mua cho ít nhất là một bộ áo quần mới vào dịp Tết Nguyên đán. Đến tối ba mươi vẫn chưa được mặc vì sợ bẩn hoặc đêm ngủ lỡ đái dầm thì sáng mai không có gì diện.

Sáng mồng một, mẹ tôi gọi lũ con dậy, rửa mặt xong mới cho mặc áo quần mới. Mùi vải thoang thoảng thơm tho, mấy chị em tôi đưa lên mũi hít hà, hít hà mãi. Bà, ba mẹ mừng tuổi cho mỗi đứa một hào.

Tờ bạc xinh xắn có nền màu đỏ, tươi roi rói. Chỉ có ngần ấy thôi, mùi áo mới, một hào mừng tuổi mà rưng rưng, mà xốn xang suốt cuộc đời mình.

Xóm làng im ắng lạ. Trên đường không mấy người đi. Chỉ có gió xuân se se thổi và mưa bụi nhẹ nhàng bay. Chờ ba mẹ đưa đi chúc Tết mà không thấy ai nói gì. Hỏi bà, cái giọng trầu cay cất lên trìu mến: “Cháu ơi, sớm mùng một chưa ai đi chúc Tết mô, họ sợ mình tới đạp đất mà trong năm nhà người ta gặp rủi sẽ bị oán”.

Chờ mong lâu lâu rồi cũng được ba mẹ đưa đi chúc Tết. Đến nhà ông bà ngoại hay bà con làng xóm, bạn bè của cha mẹ thì việc đầu tiên là hai người kính cẩn thắp đèn châm hương vái lạy trước bàn thờ xong rồi mới quay sang chúc Tết mừng xuân những người trong gia đình.

 Ba mẹ lấy tiền mừng tuổi trẻ con trong nhà, cũng chỉ một hào thôi và chúng tôi cũng được ông bà ngoại, gia chủ mừng tuổi lại. Túi tiền năm mới của những thằng cu, con bẹp đầy dần những hào bạc tươi thắm, thơm tho. Có lúc trong giấc mơ tôi vẫn thấy chúng bay bay trước mặt. Hồn nhiên như những cánh bướm mùa xuân...

Mới oe oe đỏ hỏn, tung tăng tung tưởi ngày nào mà bây giờ lớp người như tôi đã ngổn ngang tóc bạc tóc đen. Mấy chục năm đã trôi qua. Chiến tranh. Hòa bình. Mẹ tôi mất trong những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ. Bà tôi mất sau năm 1975. Và ba tôi cũng về với ông bà cách đây mười năm. Ngay bạn bè tôi cũng có người đã thành cát bụi.

Đã là đêm ba mươi, đêm trừ tịch. Giữa Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, tôi nghe tháng Chạp đang trôi đi những phút cuối cùng. Mạch non sông linh thiêng nối liền làng tôi ở miền Trung khắc bạc với vùng đất châu thổ sông Hồng màu mỡ này.

Đấy là hồn Việt thảo thơm, bền bỉ truyền lưu từ thế hệ này qua thế hệ khác không bao giờ dứt, không lúc nào dừng. Tôi cúi đầu kính cẩn thắp nén hương xuân, chờ người thân trở về đoàn tụ cùng con cháu trong phút giây trời đất giao mùa thiêng liêng cùng ngày nguyên đán trong ngần.

Những bóng hình xưa, những âm thanh xưa thấp thoáng, tỏ mờ như muôn tình cảm máu mủ ruột rà chưa bao giờ tan biến cả. Tôi luôn luôn tin trong Tết nay vẫn có Tết xưa như là sự giao hòa giữa quá khứ với hiện tại chưa bao giờ đứt gãy.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh