THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:11

Làm tốt phân luồng để tăng tỷ lệ học sinh vào giáo dục nghề nghiệp

Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD, TN, TN và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)


Đề xuất học sinh tốt nghiệp THCS được lên thẳng cao đẳng

Sáng nay, 21/5, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, về ý kiến đề nghị học sinh học hết trung học cơ sở (THCS) được học lên thẳng trình độ cao đẳng, UBTVQH cho rằng, chúng ta đang thực hiện chủ trương phân luồng sau THCS, phấn đấu tăng tỷ lệ học sinh vào học giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Vì vậy, cần có cơ chế khuyến khích người học phân luồng sang giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

“Hiện nay, theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, người học trình độ trung cấp có bằng tốt nghiệp THCS, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao đẳng thì phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT”, ông Bình nói.

Theo đó, ông Bình nhấn mạnh, tiếp thu ý kiến này của đại biểu, để làm rõ hơn về cơ chế liên thông, tạo thuận lợi cho người học được học liên thông và giải quyết vấn đề phân luồng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, chuẩn đầu ra, Dự thảo Luật quy định người học được sử dụng kết quả học tập đã có để học tiếp ở các cấp học, trình độ khác cùng ngành nghề hoặc khi chuyển sang ngành đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác phù hợp với yêu cầu nội dung tương ứng, trên cơ sở đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng và chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam (Điều 10); bổ sung quy định "Học sinh trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được học khối lượng kiến thức văn hóa THPT” (Điều 28) để tạo điều kiện cho người tốt nghiệp THCS học trung cấp có đủ điều kiện khi liên thông lên cao đẳng.

Đồng thời, giao Chính phủ quy định quy trình liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân để bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện.

Về vấn đề liên thông lên trình độ đại học đối với người đã học xong trình độ cao đẳng nhưng không có bằng THPT, ông Bình cho hay, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, nguyên tắc liên thông là chuẩn trình độ, kiến thức năng lực theo khung trình độ 8 bậc được Thủ tướng Chính phủ quy định; mục đích tạo nhiều khả năng và nhiều con đường để người học nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.

“Hiện nay việc tuyển sinh của các cơ sở GDĐH thực hiện theo cơ chế tự chủ; Luật GDĐH đã quy định nguồn tuyển sinh trình độ đại học đa dạng, bao gồm học sinh tốt nghiệp THPT, người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp. Mặt khác, việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đang thực hiện trong toàn bộ hệ thống; tỷ lệ người học khi ra trường có việc làm và năng lực cạnh tranh sẽ là tiêu chí quan trọng để nâng uy tín cho các cơ sở đào tạo, điều này phụ thuộc vào sự chọn lựa, đánh giá của người sử dụng lao động và của cả xã hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết.

Do vậy, ông Bình nhấn mạnh, UBTVQH đề nghị Dự thảo Luật này không quy định cụ thể vấn đề trên mà chỉ nêu nguyên tắc, cơ chế, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện liên thông.

Theo đó, người đã học xong trình độ cao đẳng được học lên trình độ đại học theo nguyên tắc: Liên thông lên cùng nhóm ngành nghề hoặc khi chuyển sang nhóm ngành đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác phải đáp ứng yêu cầu nội dung, chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với giáo dục

Về quy trình liên thông, ông Phan Thanh Bình nêu rõ, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định quy trình liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân (khoản 3 Điều 10). 

Đáng chú ý, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) cũng cho biết, một số đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành khác và chính quyền địa phương đối với giáo dục; cần quan tâm đến vấn đề phân cấp, phân quyền trong các quy định cụ thể của Luật.

Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về GDĐT; quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ – TB&XH trong quản lý nhà nước đối với GDĐT.

Để tạo sự linh hoạt cho Chính phủ trong phân công trách nhiệm quản lý nhà nước, phân cấp, phân quyền rõ ràng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Dự thảo Luật quy định các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo sự phân công của Chính phủ; UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo Luật tổ chức chính quyền địa phương và phân cấp của Chính phủ (Điều 102).

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh