CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:53

Ký ức về Trung đội nữ công binh thép ở A-T-P

Điểm lửa ở A-T-P

Những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đường 20 – Quyết thắng được xem là đầu mối quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, là con đường “huyết mạch” nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn.

Từ Km 00 thuộc thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), đường 20 – Quyết thắng nằm tựa mình bên dòng sông Son đến ngã ba Lùm Bùm (huyện Ăng – Khăm, tỉnh Khăm Muộn, Lào) rồi thông ra đường 9 với chiều dài 125 km.

Riêng trọng điểm A-T-P (Cua chữ A - ngầm Ta Lê - đèo Phu La Nhích) thuộc tỉnh Khăm Muộn nước bạn Lào với chiều dài khoảng 10km là một trong những “điểm lửa” mà quân địch ném bom đánh phá nhằm chặt đứt tuyến đường huyết mạch vận chuyển các nhu yếu phẩm, súng đạn từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.

Bà Vũ Thị Khương kể lại chuyện cho phóng viên

Gắn bó tuổi trẻ của mình với những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất tại A-T-P, mỗi khi có ai nhắc lại những kỷ niệm về một thời khói lửa, bà Vũ Thị Khương (Tiểu khu 5, thị trấn Tĩnh Gia, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), nữ công binh thuộc Trung đội nữ công binh C3.D33 Binh trạm 14 Đoàn 559, giọng trầm lại khi kể cho chúng tôi nghe chuyện của một thời.

"Tháng 1/1971, tôi lên đường nhập ngũ khi mới 18 tuổi, sau 3 tháng tham gia huấn luyện ở Hà Tĩnh, tháng 4/1971 tôi  được biên chế vào Trung đội nữ công binh C3.D33 Binh trạm 14 Đoàn 559. Cùng 37 chị em khác (chủ yếu là người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường A-T-P, một trọng điểm ác liệt nhất của tuyến đường 20 Quyết Thắng. Từ sáng sớm đến chiều muộn, ngày nào máy bay địch cũng ném bom đánh phá, bình quân mỗi ngày có đến hơn 30 lượt máy bay ném bom. Khu vực trung đội được phân công là một vùng đồi trọc lóc không một bóng cây, đất đá bị cày xéo chi chít bởi những hố bom. Sau mỗi một lượt máy bay ném bom, mặt đất nơi chúng tôi ở như rung chuyển, bụi bay mù mịt, nhưng với khẩu hiệu “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Địch phá, ta sửa, ta đi”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để chiến thắng”…cứ ngớt tiếng bom là chị em chúng tôi và một tiểu đội công binh nam đóng dưới chân đèo Phu La Nhích lại từ trong hang đá ào ra, người xúc đất, người khuân đá lấp lại những hố bom để thông đường cho xe qua…” - bà Khương nhớ lại.

Cuộc sống vô cùng gian khổ, mùa nắng nóng bà Khương cùng các anh chị em khác dựng lán ven đường, mùa mưa lại ẩn mình trong các hang núi, nhưng với quyết tâm đảm bảo thông suốt tuyến đường huyết mạch chi viện cho Miền Nam, trung đội nữ công binh cùng những trung đội khác luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Ngày mưa nước lớn, ngoài lấp những hố bom trên cao, trực barie, chúng tôi lại đánh đá chuẩn bị khi nước rút để gánh lấp vào những hố bom dưới ngầm Ta Lê. Toàn tuyến đơn vị bảo vệ dài khoảng gần 10km nhưng lúc nào cũng đảm bảo đường giao thông luôn được sẵn sàng trong mọi tình huống. Có những đêm mưa lớn, ngầm Ta Lê ngập sâu trong nước, chị em phải ngâm nước cả đêm, nắm tay nhau đứng làm cọc tiêu dẫn đường cho xe qua. Trong suốt 4 năm bám trụ ở A-T-P từ 1971 đến khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, dù có hi sinh, mất mát nhưng tuyến đường luôn được thông suốt…” – bà Khương xúc động kể.

Bà Vũ Thị Khương bên tấm ảnh lưu niệm sau 30 năm gặp lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Món quà xúc động của Đại tướng

Suốt những năm bám trụ ở A-T-P, dù khó khăn, gian khổ, mất mát, hi sinh nhưng với bà Khương và những người trong Trung đội nữ công binh niềm vui, hạnh phúc chẳng thể nào quên chính là được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và tặng quà.

Ngắt đoạn, bà Khương kể tiếp: “Vào tháng 3/1973 trong một lần đi thăm bộ đội Trường Sơn, Đại tướng đã ghé thăm Trung đội nữ công binh trên đỉnh đèo Phu La Nhích. Ngày đó, chị em chúng tôi chỉ được nghe Đại tướng nói qua đài, chưa được gặp bao giờ nên ai cũng hồi hộp. Buổi sáng chúng tôi nhận được tin Đại tướng sẽ đến thăm trung đội thì đến gần trưa, Đại tướng và đoàn công tác đến Phu La Nhích, lúc gặp Đại tướng ai cũng vỡ òa trong niềm vui, hạnh phúc. Đại tướng đến bắt tay, hỏi thăm từng người, biểu dương những gì mà các chị em chúng tôi đã làm trong những năm qua và động viên chúng tôi cố gắng hơn nữa, dù địch có tăng cường đánh phá vẫn phải đảm bảo tuyến đường thông suốt để chi viện cho miền Nam ruột thịt. Tôi vẫn còn nhớ như in một câu nói của Đại tướng khi nói chuyện với chị em chúng tôi: “…ở nơi như thế này chỉ có gang thép mới trụ được”. Cái tên “Trung đội nữ công binh thép” do Đại tướng đặt cũng bắt nguồn từ đó…”

Sau chuyến thăm ngắn ngủi của Đại tướng cùng với những món quà nhỏ mà Đại tướng gửi tặng, cả trung đội của bà Khương như được tiếp thêm sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bà Khương nhớ lại:

“Hôm đó chị em chúng tôi vừa đi san đường, lấp hố bom để cho xe qua, trên đường trở về lán trại thì nhận được tin có quà của Đại tướng gửi tặng, ai nấy cũng hồi hộp. Khi mở thùng quà ra, chị em chúng tôi đã ôm chầm lấy nhau mà khóc vì xúc động. Đại tướng gửi cho chị em trong Trung đội quà gồm 100 bánh xà phòng, một bì bồ kết và một cuộn vải màn lớn. Đây là những món quà “quý hơn vàng” ở những nơi khốc liệt như thế này. Chia nhau từng gói quà mà ai nấy hai dòng nước mắt cứ chảy dài…”.

Đoàn đại biểu nữ công binh thép trong lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau 30 năm.

Cuộc hội ngộ bất ngờ sau 30 năm

Sau 4 năm gắn bó với điểm lửa A-T-P, hòa bình lập lại, trở về cuộc sống bình dị giữa đời thường thế nhưng với hầu hết những người ở “Trung đội nữ công binh thép” năm xưa những ký ức hào hùng ở A-T-P chẳng thể nào quên. Trong câu chuyện kể, bà Khương xúc động nói:

“Ngày 26/12/2002, tại Đại hội Cựu chiến binh toàn quốc lần thứ 3, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu trong đại hội đã nhắc đến Trung đội nữ Công binh thép. Bác còn nhắn: “Hồi bác vào thăm chiến trường ở đèo Phu La Nhích có gặp một trung đội là những nữ công binh. Bây giờ ai còn sống, ở đâu, thì hãy biên thư cho bác…”. Nghe tin bác nhắn mà tôi không tin vào tai mình! cảm xúc, những ký ức trong lần gặp bác ở Phu La Nhích lại ùa về. Mấy chị em trong trung đội sau đó liên lạc với nhau, ai nghe tin cũng thấy sung sướng, hạnh phúc…”.

Đến ngày 16/7/2003, bà Khương cùng các chị em khác trong Trung đội công binh thép đã được gặp bác. Cuộc hội ngộ bất ngờ sau 30 năm với những cái nắm tay ấm áp của Đại tướng khiến ai cũng rưng rưng lệ. “Lần gặp ấy Đại tướng hỏi chuyện rất nhiều, bác hỏi thăm từng người, cuộc sống bây giờ thế nào, sức khỏe ra sao? Ai có tâm tư, nguyện vọng gì?…

Trong câu chuyện với chúng tôi, Bác cũng rất trăn trở và mong muốn xây dựng Trung đội nữ công binh thép thành Trung đội anh hùng. Thế nhưng tâm nguyện này của Đại tướng chưa thực hiện được thì…

Năm nào cũng vậy, kể từ khi Đại tướng “về ở” Vũng Chùa – Đảo Yến, cứ vào dịp giỗ, ngày lễ lớn chị em chúng tôi khi thì ra Hà Nội, khi thì vào Quảng Bình, ai cũng chỉ muốn thành kính dâng lên bác một nén hương thơm. Với chúng tôi, những ký ức về bác, về A-T-P suốt đời không thể nào quên…” – bà Khương xúc động.

ANH TUẤN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh