THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:43

Trung đội nữ Minh Khai: Một thời vang dội


Cuối năm 1945, quân Pháp đã đẩy các đơn vị vũ trang của ra ra khỏi nội đô Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn. Cuộc kháng chiến ở Nam Bộ lúc đó tuy được củng cố và phát triển nhưng còn ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Với sự nhạy bén về chính trị và có tầm nhìn chiến lược, Khu trưởng Nguyễn Bình khẳng định: “Có thể tiến hành đánh địch theo chiến thuật du kích ngay trong lòng địch, vì chúng ta đã có một căn cứ kháng chiến rất vững chắc, đó là căn cứ nằm giữa lòng nhân dân”.

Và ý tưởng thành lập một trung đội nữ cảm tử chuyên hoạt động trong nội đô Sài Gòn đã được quyết định ngay sau đó. Sau khi được biên chế thành một trung đội, với phiên hiệu là Trung đội Minh Khai, các đội viên đã được huấn luyện quân sự và các nghiệp vụ hoạt động bí mật trong nội đô. Đặc biệt, họ được huấn luyện rất kỹ về kỹ thuật tác chiến độc lập, kỹ thuật hóa trang, kinh nghiệm ứng phó trong những tình huống nguy hiểm khi bị địch theo dõi, truy bắt…

Trận đánh lịch sử tại rạp Majestic

Ngày 12/12/1947, Trung đội nữ Minh Khai đã làm lễ ra mắt tại Chiến khu Vườn Thơm. Trung đội trưởng là Dư Thị Lắm (Nguyễn Thị Hạnh), Bùi Thị Huệ làm Chính trị viên. Sau buổi lễ tuyên thệ, khí thế chiến đấu của Trung đội Minh Khai rất hăng hái. Ai cũng mong sớm được lập công. Trận đánh đầu tiên của Trung đội Minh Khai vào đầu tháng 1/1948 là phá rối Hội chợ địch tại vườn Bờ Rô (nay là Công viên Tao Đàn). Trung đội đã cử 4 hội viên mang theo 4 hộp lựu đạn quẹt tìm cách trà trộn vào dòng người đi thăm hội chợ. Đúng lúc Hội chợ Bờ Rô nhộn nhịp, đông vui nhất thì 4 hộp lựu đạn đã phì khói đen ngòm, khét lẹt mùi thuốc súng nhưng không gây tiếng nổ. Tuy vậy, bọn mật thám, bọn chỉ điểm, lính mã tà và nhiều binh lính, sỹ quan Pháp phải hoảng loạn, la ó thất thanh.

Trận đánh thứ hai vào tháng 2/1948 tại rạp chiếu phim ASAM ở Đa Kao. Hai đội viên đã khéo léo cải trang thành khách vào xem phim để tìm cách lọt vào rạp an toàn. Nhân lúc sơ hở, một đội viên đã rút chốt trái lựu đạn tung vào đám lính địch dang dán mắt vào màn hình. Nhưng tiếc thay, trái lựu đạn này chỉ xì khói mà không nổ. Tuy vậy, bọn sỹ quan và binh lính địch đã bị một phen bạt vía kinh hồn.

Trận đánh tiếp theo vào ngày 30/4/1948 tại rạp chiếu phim Cathay. Hai đội viên đã tung lựu đạn gây thương vong cho một số sỹ quan và binh lính Pháp. Trận đánh này đã gây được tiếng vang trong nội đô Sài Gòn.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung –một trong 4 đội viên của Trung đoàn nữ Minh Khai tham gia trận đánh tại rạp Majestic

Tối ngày 10/6/1948, bốn đội viên là Nguyễn Thị Kim Dung, Bùi Thị Huệ, Hoàng Thị Thanh (Từ Thị Đào) và Mạc Thị Lan (Huệ nhỏ) đã đột nhập vào rạp chiếu phim Majestic, ném lựu đạn là chết hơn 20 tên và làm bị thương 50 tên sỹ quan hải quân Pháp. Tại thời điểm đó, rạp chiếu phim Majestic ở đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi) thuộc diện sang trọng bậc nhất Sài Gòn. Khán giả của rạp này là những nhân vật có máu mặt, đa số là công chức và sỹ quan cao cấp của Pháp, những người giàu có, những trí thức có tên tuổi và ít nhất thì cũng phải thông thạo tiếng Pháp, vì rạp chỉ chiếu phim Pháp. Tối hôm đó, rạp Majestic chiếu phục vụ đoàn sỹ quan Hải quân Pháp vừa ở Paris sang Sài Gòn. 4 đội viên được giao nhiệm vụ lộng lẫy trong bộ áo dài rất hợp mốt Sài Gòn, sức nước hoa thượng hạng chỉ dành cho giới ăn chơi. Khi đi ngang qua tên hiến binh Pháp gác cửa rạp, Kim Dung chủ động dưa bóp cho tên lính xem, nhưng tay cô lại giữ chắc quả lựu đạn được gói cẩn thận trong chiếc mù xoa được tẩm nước hoa. Vài phút sau, Hoàng Thị Thanh và Mạc Thị Lan cũng ung dung vào rạp ở cửa bên trái như kế hoạch đã thống nhất. Bốn người tìm chỗ ngồi thuận tiện để khi ném lựu đạn sẽ đúng tầm mấy hàng ghế hạng nhất dành cho những tên sỹ quan cao cấp.

Theo kế hoạch chỉ có Kim Dung, Huệ và Thanh tung lựu đạn, còn Huệ nhỏ làm nhiệm vụ hướng dẫn. Khi đèn trong rạp vụt tắt để chuẩn bị chiếu phim chính, Kim Dung tung quả lựu đạn về dãy ghế trên cùng. Một tiếng nổ kinh hoàng vang lên. Vài giây sau lại vang lên hai tiếng nổ lộng óc. Ánh đèn trong rạp bật sáng, một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra. Hàng chục thi thể máu me đỏ lòm nằm ngổn ngang, kẻ la ó, khóc rống lên, kẻ bò lổm ngổm, chui xuống gầm ghế úp mặt xuống sàn rạp…

Sau vài phút hoảng loạn, chúng vội đóng cửa rạp không cho bất cứ ai ra ngoài để điều tra. Hoàng Thị Thanh đã nhanh chân thoát ra ngoài. Còn ba chị em bị kẹt lại. Bọn mật thám bắt mọi người ngồi lại đúng chỗ như số vé để chúng dễ tìm ra đối tượng đã gây ra vụ nổ kinh hoàng. Rất nhanh trí, Kim Dung lượm một chiếc vé rơi rồi tìm chỗ ngồi như số ghi trên vé, nên bọn mật thám không nghi ngờ gì, chúng cho Kim Dung ra khỏi rạp. ị Huệ nhỏ bị thương ở bàn chân phải do mảnh lựu đạn găm vào. Tuy vết thương không nặng, nhưng chị cứ giả vờ đau đớn, kêu la. Bọn mật thám thấy vậy cũng cho chị ra. Duy nhất còn bị kẹt trong rạp là Bùi Thị Huệ. Có hai điều bất lợi đối với chị là chứng nặng tai và chưa thông thạo tiếng Pháp nên chị Huệ bị bọn mật thám đưa về bót Catinat cùng với 50 người không có giấy tùy thân để lấy cung và tra tấn.

Những ngày kinh hoàng tại Khám Lớn

Vài ngày sau, Hoàng Thị Kim Minh, Hoàng Thị Đào và Nguyễn Thị Kim Dung cũng bị bắt. Trong những năm bị biệt giam ở bót Catinat và Khám Lớn, các chị đã phải chịu đựng nỗi đau đớn về thể xác. Tại Khám Lớn, những tù nhân mà chúng coi là nguy hiểm bị giam riêng trong một căn phòng có chiều dài 2 thước, chiều ngang 1 thứơc, chỉ có một cửa ra vào để lính canh hàng ngày đưa cơm và nước uống cho tù nhân. Việc ăn uống, tắm giặt và mọi sinh hoạt đều trong phòng giam. Mỗi tuần tù nhân chỉ được ra ngoài một lần phơi nắng. Bị giam nhốt trong phòng kín, tù nhân phải sống trong điều kiện rất ngột ngạt vì thiếu ánh sáng, thiếu dưỡng khí và bị bệnh tật. Đặc biệt đối với tù nhân nữ, sự cùng cực còn tăng gấp bội.

Ngày 24/7/1948, Tòa án binh Pháp đưa vụ Majestic ra xét xử công khai và tuyên án: Tử hình đối với Bùi Thị Huệ, Nguyễn Thị Đào và Nguyễn Thị Kim Dung. Nhưng trước sự phản đối dữ dội của dư luận trong nội đô Sài Gòn, tháng 2/1949, địch lại đưa các chị ra xét xử lại, giảm án cho Kim Dung còn 20 năm tù khổ sai và các chị đều thoát án tử hình.

Sau thất bại thảm hại ở chiến trường Điện Biên Phủ, đầu tháng 6/1954, Chính phủ Pháp buộc phải ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương và ở Việt Nam tại Hội nghị Genever. Thực hiện các điều khoản quy định về trao trả tù hàng binh trong Hiệp định Genever, ta và Pháp đã tổ chức việc chuyển quân tập kết. Cùng với cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn Quyết tử 950, một số cán bộ, chiến sỹ của Trung đội Minh Khai được ra Bắc tập kết. Nhưng thời cuộc không diễn ra như mong muốn ở hai miền, vì Chính phủ Pháp đã rắp tâm phá hoại Hiệp định Genever khi chưa kịp ráo mực. Miền Nam vẫn phải sống những năm tháng đen tối dưới chế độ hà khác của chính quyền Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng lên cho tới ngày 30/4/1975, khi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành toàn thắng. Đúng 20 năm sau ngày đình chiến, đất nước ta mới sạch bóng quân thù, đồng bào Nam – Bắc mới được sum họp một nhà. Những cán bộ, chiến sỹ của Trung đội Minh Khai mới được trở về quê hương sau hai thập kỷ sống và công tác ở miền Bắc trong cảnh “ngày Bắc, đêm Nam”

Chiến tranh, theo theo thời gian đang lùi sâu vào dĩ vãng. Những nữ cảm tử của Trung đội Minh Khai một thời làm đau đầu giới chóp bu của chế độ thực dân ở Sài Gòn, thậm chí đã gây chấn động cả Điện Élysees của nước Pháp năm xưa vẫn lặng lẽ sống dung dị giữa đời thường, trong sự bình an, thanh thản nhưng vẫn ẩn chứa một sức mạnh kỳ diệu. Sức mạnh đó chính là truyền thống trung dũng, kiên cường của phụ nữ Thành đồng Nam Bộ.

Giờ, tuy tuổi đời đã cao, sức khỏe đã suy giảm, nhưng những chiến sỹ cảm tử Minh Khai vẫn tiếp tục cống hiến cho xã hội, cho con cháu và cho người thân những tâm huyết, những bài học vô giá về kinh nghiệm sống và kinh nghiệm trong công tác ở các lĩnh vực. Bài viết này là nén hương thơm để tưởng nhớ những nữ quyết tử đã hy sinh và là sự tri ân đối với các bác, các chú, các cô cựu chiến binh của Tiểu đoàn Quyết tử 950 anh hùng và Trung đội nữ Minh Khai năm xưa.

ĐINH HOA - NGỌC BÍCH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh