CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:19

Kinh tế khấm khá nhờ kinh doanh du lịch

 

Nói đến du lịch Mai Châu là phải nói tới bản Lác, bởi đây là điểm đến hấp dẫn với khách du lịch trong nước và du khách nước ngoài. Đặc sản du lịch của nơi này không chỉ là những ngôi nhà sàn cổ của người Thái, mà còn là khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thoáng đãng, trong lành rất hợp cho các tour thăm thú, dã ngoại và nghỉ dưỡng cuối tuần.

Theo tìm hiểu, việc phát triển kinh tế từ du lịch đã phôi thai hình thành từ vài chục năm trước từ một số gia đình dân tộc Mường. Khi đó, chưa nhiều người biết tới Mai Châu, bản Lác, mà chỉ do một số du khách nước ngoài đi tour lẻ từ Hà Nội lên tự khám phá dã ngoại trong vài ngày.

Một góc bản Lác.

Khi khách đến, họ cũng chỉ lưu trú chóng vánh chừng một, hoặc hai ngày vì thời điểm đó, các sản phẩm về du lịch của địa phương đều đơn điệu, nên họ chỉ thuê nhà sàn làm “trạm trung chuyển” nghỉ lại, để hôm sau đi tiếp lên Mộc Châu, Sơn La hoặc sang một số vùng xứ Mường khác của tỉnh Thanh Hóa.

Anh Vi Văn Thào, dân tộc Mường, một trong những người đầu tiên làm kinh tế theo mô hình cho khách lưu trú du lịch (homestay) kể: “Cách đây hơn chục năm, cả bản chưa biết làm hàng thổ cẩm để bán cho du khách. Nhà sàn để khách lưu trú cũng chưa sạch sẽ, văn minh. Gia đình tôi đón một nhóm khách Tây thuê  nhà sàn ở,  vài hôm sau họ trả tiền lưu trú, mua được cả tạ lúa.

Vậy là tôi quyết định sửa sang nhà cửa, đón khách đi dã ngoại tới lưu trú.  Sau đó, các hộ khác trong bản bắt đầu làm theo”.

 Cũng theo anh Thào, đến khi lượng du khách đến Mai Châu, tìm đến bản Lác ngày một đông, với sự chỉ đạo định hướng của UBND huyện, các hộ trong bản quyết định đầu tư trang hoàng, sơn sửa nhà sàn sạch đẹp, đủ tiêu chuẩn để đón khách.

Những ngôi nhà sàn gỗ có tuổi đời cả trăm năm, trước rất thấp, đã được nâng cột lên cao thêm. Việc nâng cột và sàn nhà lên cao làm cho ngôi nhà thoáng đãng, sau đó gia chủ tận dụng khoảng không gian ở dưới gầm sàn làm chỗ dệt vải, nuôi tằm, bày bán thổ cẩm, quà lưu niệm...

Du khách thăm các bản làng bằng xe đạp.

Để bắt tay vào cải tạo nhà sàn để làm du lịch rất tốn kém, có khi mất cả trăm triệu đồng. Bà Khà Thị Díu, dân tộc Mường, chủ nhân của ngôi nhà sàn ở bản Lác 1 cho biết, đầu tư sửa nhà sàn để làm du lịch bà phải đi vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng.  Do khách đông, có tuần bà đón tới 3, 4 đoàn khách cả Tây và Việt tới lưu trú, nên chỉ hơn một năm, bà đã hoàn trả đủ cả vốn vay, vài chục triệu đồng lợi nhuận, bà đầu tư làm khung dệt, dệt các sản phẩm thổ cẩm lưu niệm bán cho du khách.

Bà Díu kể: “Bây giờ ở bản Lác nói riêng và thị trấn Mai Châu nói chung, đại đa số các hộ gia đình đều có thu nhập khá từ việc làm du lịch. Trước, khách chỉ đông vào hai ngày cuối tuần, mấy năm nay ngày nào cũng có khách tới lưu trú, thậm chí những dịp lễ tết, khách phải đặt thuê nhà sàn trước cả tuần mới có”...

Nghe tôi hỏi về thu nhập, bà Díu cười: “Cái đó khó thống kê được, nhưng như nhà tôi đây, trung bình mỗi tháng thu được cỡ chục triệu tiền thuê nhà. Thêm một khoản thu nhập nữa đến từ việc bán sản phẩm thổ cẩm, đồ lưu niệm...”

Hiện nay, ước tính tại bản Lác 1, Lác 2 có tới gần 90% các hộ gia đình tham gia làm du lịch. Kinh tế nhà nào cũng khá giả, một số gia đình trở nên giàu có mua sắm được các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, phát triển liên kết tour du lịch với các công ty, hãng lữ hành tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Việt Cường

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh