CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:55

Kình ngư không chân khuyết tay

Lợi 32 năm qua sống với dị tật bẩm sinh khuyết thiếu chân tay và tuổi thơ cơ cực. Chào đời, do mẹ sức khỏe yếu, Lợi được dì ruột Nguyễn Thị Nghĩa nhận nuôi. Hai dì cháu về sống ở xóm định cư ven sông Sài Gòn, "bữa rau, bữa cháo nuôi nhau sống qua ngày".

Để nuôi cháu, dì phải đi bán vé số, nhặt ve chai. Trưa nắng, các tiểu thương chuyền tay nhau ẵm bồng cậu bé không chân suốt trưa để dì có lúc ngả lưng hoặc cho dì cháu tiền mua bỉm, sữa. Lợi lớn dần lên trong tình thương của người dân trong xóm, đặt biệt danh là "Cụt".

Kình ngư không chân khuyết tay - Ảnh 1.

Lợi và mẹ ngày bé. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm 2 tuổi, Lợi được Sở Y tế, Hội Chữ thập đỏ TP HCM đưa đi nước ngoài khám bệnh với ước mong "thằng cụt thôi cụt". Nửa năm sau, Lợi trở về, dò dẫm tập bò vì phần khớp xương cuối hai đầu chân vẫn còn mềm. Bò nhiều khiến phần thịt cuối hai cẳng chân chai cục nên anh muốn đứng dậy tập đi, đau đớn nhưng không bỏ cuộc. 

Lên 6 tuổi, Lợi đến trường học nhưng không được nhận do thân hình quá đặc biệt. Khi đó, một bác sĩ ở Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ, đã đến tận nhà thăm và nói "Con có thể đi học". Lợi vừa mừng, vừa lo vì phải xa gia đình đến Làng Hòa Bình nhưng khát khao đến trường thôi thúc anh bắt đầu một hành trình mới.

Kình ngư không chân khuyết tay - Ảnh 2.

Nguyễn Hồng Lợi muốn bơi bằng trí óc và trái tim chứ không phải bằng chân. Ảnh nhân vật cung cấp.

Mùa hè năm 2005, Lợi quyết định học bơi. Việc học bơi với anh cũng bắt đầu như cách mà anh từng bắt đầu với những thứ khác. Khi đó, anh được thầy Nguyễn Huệ nhận vào học miễn phí. Những ngày đầu, chàng trai áp lực bởi hàng chục ánh mắt dò xét, khi bơi thì sặc nước, càng cố rướn để bơi thì càng đau. Không ai ngờ, chàng trai chỉ cao hơn một mét có thể làm chủ và bơi thành thạo chỉ trong 5 ngày.

Sau đó, anh được vận động viên khuyết tật Nguyễn Phương Khanh truyền cảm hứng. Anh ngỏ ý hướng Lợi đi theo con đường làm kình ngư chuyên nghiệp. Khi làm quen động tác bơi đơn giản, Lợi chủ động xin thầy học tiếp những bài bơi khó như bơi ếch, bơi ngửa, bơi bướm... và trau dồi thêm kỹ thuật lặn.

"Hiểu bản thân không được như người bình thường nên tôi tự nhủ mình không bơi bằng chân mà bơi bằng trí óc và cả trái tim mình", Lợi nói.

Kình ngư không chân khuyết tay - Ảnh 3.

Sinh ra với dị tật bẩm sinh nhưng Lợi chưa từng đầu hàng. Anh tập tễnh học bò, học đi, học viết rồi học bơi và trở thành vận động viên chuyên nghiệp. Video: Thùy An

Ngoài ra, Lợi dành thời gian ba buổi một tuần để đến phòng tập gym. Tại đây, anh cũng được học miễn phí và hướng dẫn bài tập phù hợp. Buổi tập kéo dài từ một đến một tiếng rưỡi, không tập gắng sức, chọn bài nhẹ nhàng. Trong bài tập tạ, anh cột tạ vào tay phải để nâng. Nhờ máy móc hỗ trợ, anh có thể tập thêm bài tập vai, ngực để cánh tay thêm khỏe và không bị mỏi khi bơi.

Sau một tháng tập luyện, anh cảm nhận rõ sự phát triển của các cơ. Bộ cơ ngực, cơ tay và bả vai căng nở hơn. Mọi người trêu đùa gọi anh là "anh gymer một tay" hay "trai đẹp Sài Gòn" vì có nụ cười đẹp.

Sức khỏe tốt dần lên, tháng 7/2009, Lợi được chọn vào đội tuyển bơi TP HCM tham gia Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc tại thành phố Đông Hà, Quảng Trị. Trước khi thi đấu, anh tự nhủ không được để bản thân bị nhấn chìm mà phải làm chủ con sóng. Mùa giải đầu tiên, anh nhận được hai huy chương bạc ở nội dung 100m và 200m tự do dành cho người khuyết tật.

Kình ngư không chân khuyết tay - Ảnh 4.

Bơi lội thành một phần trong cuộc sống, hoàn thiện ước mơ được là người bình thường trong xã hội. Ảnh: Nhân vật cung cấo

Tiếp đó, Lợi bắt đầu tham dự nhiều hơn ở các giải đấu, bộ sưu tập huy chương tăng dần lên, đầy đủ màu sắc vàng, bạc, đồng. Năm 2014, anh cùng đoàn thể thao người khuyết tật tham dự ASEAN Para Games tại Myanmar và giành được huy chương đồng ở nội dung bơi lội hạng thương tật S6 100m tự do nam. Cái tên "Nguyễn Hồng Lợi" được biết đến nhiều hơn ở các giải đấu.

"Song chiến thắng cuộc thi không bằng chiến thắng chính bản thân mình. Việc mà Lợi làm được thì bạn cũng làm được", chàng trai nói. Thời gian rảnh, Lợi dạy bơi cho trẻ em khuyết tật và trẻ em bình thường. Anh cùng người bạn vẽ và thiết kế trang phục áo dài. Anh tự hào khi mình có công việc để làm, có đam mê để theo đuổi và những người thương yêu xung quanh sẵn sàng giúp đỡ. Theo Lợi, mẹ và dì đều đã ngoài 70 tuổi nhưng chưa bỏ lỡ bất cứ cuộc thi nào của con.

Trở thành kình ngư, Lợi nói đây không phải thành công của riêng mình. Anh thầm cảm ơn những tình thương đã nuôi mình khôn lớn, thậm chí những thiệt thòi cuộc sống giúp anh bứt phá và sống tốt hơn.

"Chưa bao giờ Lợi xấu hổ vì khiếm khuyết của mình. Lợi tin rằng, người thành công là người biết đứng dậy từ những nghiệt ngã để trở mình", anh nói.

Theo THÙY AN/Vnexpress

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh