Kiên quyết không để "cát tặc" lộng hành
- Pháp luật
- 15:42 - 04/11/2016
Những phương tiện khai thác cát trái phép bị bắt giữ đưa về cảng Hồng Vân, Thường Tín, Hà Nội
Thực hiện Kế hoạch số 120/KH-CAHN; Kế hoạch 258 của Phòng Cảnh sát đường thủy CATP Hà Nội về tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn các tuyến sông thuộc TP Hà Nội.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, rạng sáng 3/11, Phòng Cảnh sát đường thủy phối hợp với Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an TP và các lực lượng chức năng tiến hành tuần tra, mật phục và đã bắt giữ được 15 tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn thuộc địa bàn huyện Đan Phượng và quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điển hình, khoảng 1h ngày 3/11, tại Km 201 sông Hồng (thuộc địa bàn phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), tổ công tác Đội Tuần tra kiểm soát (TTKS) số 2, Thủy đoàn 1, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) phối hợp với Trung đoàn CSCĐ, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy và các đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hà Nội và Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện bắt quả tang 7 phương tiện thủy (gồm 4 tàu hút sang mạn, 3 tàu chở hàng) đang thực hiện hành vi khai thác cát trái phép.
Cụ thể, 4 tàu hút cát sang mạn không mang biển số do Trần Văn An (SN 1993, ở xã Nghĩa Lạc), Trần Văn Tuấn (SN 1978), Trần Văn Huấn (SN 1991) và Phạm Văn Nghĩa (SN 1986) cùng ở xã Nghĩa Phong, đều thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định điều khiển. Còn 3 tàu chở cát gồm 1 tàu mang biển số: BN - 1237, có trọng tải 740 tấn/321CV, do Vũ Văn Tắc (SN 1972, ở xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) điều khiển; tàu mang biển số: BN - 1200, trọng tải 400 tấn/320CV do Trần Quang Phiên (SN 1974, ở xã Giang Sơn, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) điều khiển và tàu mang biển số: HD - 1971, trọng tải 600 tấn/410CV do Nguyễn Xuân Thủ (SN 1971, ở xã Hiệp Cát, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) điều khiển.
Cùng thời điểm trên, Đội TTKS số 1 (Phòng Cảnh sát đường thủy Công an TP Hà Nội) phối hợp với Trung đoàn CSCĐ, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an huyện Đan Phượng và các đơn vị chức năng của Công an TP đã phát hiện, bắt giữ 8 phương tiện (tàu hút cát sang mạn tự chế và tàu chở hàng), trong đó tại Km204+200 thuộc địa phận xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, tổ công tác bắt giữ 1 tàu hút cát sang mạn tự chế, không biển số do Lê Hoàng Việt (SN 1985, ở xã Liên Hà, huyện Đan Phượng) điều khiển đang khai thác cát trái phép đưa lên tàu hàng, biển số Hta-0287, do ông Nguyễn Mạnh Hưng (SN 1960, ở xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, Hà Nội) điều khiển; còn tại Km204+400 cùng địa điểm trên, tổ công tác tiếp tục bắt giữ 2 tàu hút cát sang mạn không đăng ký biển số do Nguyễn Ngọc Mười (SN 1984, ở Đa Hội, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) và Vũ Văn Thế (SN 1986, ở quận Kiến An, TP Hải Phòng) điều khiển.
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an TP Hà Nội cho biết, cùng với việc triển khai các kế hoạch của Giám đốc Công an TP, kế hoạch của Phòng Cảnh sát đường thủy về việc tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi trên tuyến sông Hồng, sông Đuống, Phòng Cảnh sát đường thủy phối hợp với Trung đoàn CSCĐ và các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP cũng đã phân công các đơn vị trực thuộc tuần tra, mật phục xử lý các điểm, tụ điểm, khai thác tài khoáng sản (chủ yếu là cát) trái phép và vi phạm khác trên địa bàn.
Những con tàu hút cát tự hành hút cát với công suất cực "khủng" từ 500 đến 600 khối/h
Hiện Hà Nội có 12 công ty, doanh nghiệp được cấp phép khai thác bãi nổi và 13 công ty, doanh nghiệp được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) chấp thuận thực hiện dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm. Theo quy định, thời gian hoạt động khai thác bãi nổi hoặc nạo vét đường thủy được thực thiện từ ngày 15-10 năm trước đến 15-6 năm sau. Do vậy, sau ngày 15/10 vừa qua, qua công tác TTKS cho thấy, tình trạng hoạt động khai thác khoáng sản, nạo vét luồng lạch diễn ra ồ ạt.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cũng trong thời gian này, tình trạng các doanh nghiệp được sự chấp thuận của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và được UBND TP Hà Nội cấp phép cho khai thác bãi nổi bắt đầu đi vào hoạt động. Chỉ cần quan sát, trên sông Hồng (đoạn giữa cầu Long Biên và cầu Nhật Tân) có hàng chục chiếc tàu (tàu cuốc, tàu hút, tàu chở hàng) tham gia khai thác cát cả ngày lẫn đêm gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân hai bên bờ sông.
Ông Nguyễn Thanh Hải, ở tổ 38, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên tỏ ra rất bức xúc từ sau ngày 15/10, xuất hiện nhiều tàu hút cát trái phép ngang nhiên hoạt động. Ông Hải nói: “Chúng tôi đã liên tục gọi điện báo cho cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết. Thậm chí nhiều tàu chở hàng vào tận sát bờ sông (dọc từ tổ 2 đến tổ 35, 36 và 38 phường Ngọc Thụy) để nhận cát từ các tàu cuốc, tàu hút mà không hề có cơ quan chức năng nào xử lý. Mỗi lần những chiếc tàu này hoạt động, tiếng máy nổ đinh tai nhức óc khiến chúng tôi mất ăn mất ngủ”.
Trả lời về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Văn Cương khẳng định, Phòng Cảnh sát đường thủy đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TP, nhất là Trung đoàn CSCĐ ra quân, kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp, đối tượng cá nhân khai thác khoáng sản trái phép. Đối với những công ty, doanh nghiệp hoạt động phải ký cam kết đảm bảo đúng thời gian và phải dừng khai thác trước 18h hàng ngày.
Những tàu chở hàng neo đậu không đúng nơi quy định cũng bị buộc rời khỏi vị trí. Tuy nhiên, một thực trạng hiện nay là các đối tượng hoạt động khai thác cát trái phép rất tinh vi. Nhiều tàu sau khi bị cơ quan bắt giữ đều được các đối tượng vận hành khai nhận là của cá nhân nên khó xử lý triệt để. Bên cạnh đó, tình trạng nhập nhèm vị trí, mốc giới được phép khai thác, nạo vét vẫn diễn ra, thậm chí có những trường hợp tranh chấp địa bàn làm ảnh hưởng tới ANTT.
“Theo kiểm tra sơ bộ, riêng đối với 13 công ty, doanh nghiệp được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chấp thuận cho thực hiện dự án nạo vét luồng lạch, kết hợp tận thu sản phẩm thì có 8 đơn vị đủ các giấy tờ cần thiết, còn nếu tính hoàn thiện các thủ tục pháp lý đúng theo quy định thì chỉ được khoảng 50% trên tổng số doanh nghiệp trên”, Thượng tá Cương cho biết.