CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:07

TP. Hồ Chí Minh: “Cát tặc” lộng hành!

Hoạt động công khai
Dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu, nâng cấp tuyến luồng sông Đồng Tranh và tuyến Tắc Ông Cu – Tắc Bài đến sông Gò Gia (đoạn tiếp giáp giữa huyện Cần Giờ (TP.HCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai)) được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chấp thuận giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Hưng Thịnh (gọi tắt là Cty Hải Hưng Thịnh) nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án theo hình thức tận thu sản phẩm sử dụng để bù chi phí, không sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Cty Hải Hưng Thịnh có trách nhiệm: “Cam kết chỉ thực hiện nạo vét và tận thu sản phẩm trong phạm vi được chấp thuận; chỉ được tổ chức thực hiện thi công khi hoàn thành đầy đủ thủ tục về đầu tư, xây dựng, môi trường, tận thu sản phẩm…”. Thế nhưng từ năm 2014,  khi chưa thực hiện đầy đủ những quy định trên, Cty Hải Hưng Thịnh đã tổ chức cho bơm hút cát lậu ngay sau khi được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương cho khảo sát, thăm dò, nghiên cứu để lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án.


Theo người dân địa phương phản ánh, ban đầu hoạt động khai thác cát lậu này được tiến hành “lén lút” vào ban đêm, với số lượng một vài ghe bơm hút. Tuy nhiên, dường như công việc “quá thuận lợi” nên chỉ sau một thời gian ngắn, số lượng “cát tặc” này trở nên đông đảo và hoạt động một cách công khai, thậm chí còn hoạt động luôn cả ban ngày. Có những đêm, tại khu vực sông Đồng Tranh, đèn sáng như hội vì sà lan và tàu hút cát đậu kín cả khúc sông! Đặc biệt, để việc bơm hút cát được thuận lợi, nhóm “cát tặc” này đã thuê một số anh em “có máu mặt” để cảnh giới. Chính vì vậy, khu vực bơm hút cát luôn được canh gác nghiêm ngặt!
Kiến nghị không cấp phép
Trước những bức xúc của người dân về sự lộng hành của nhóm “cát tặc”, gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống nhiều người, từ tháng 8/2015, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) TP.HCM đã tiến hành xác minh, nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Tranh (khu vực tiếp giáp giữa huyện Cần Giờ (TP. HCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai)) là có thực. Cụ thể, theo Công văn của Bộ Chỉ huy BĐBP TP.HCM gửi Thường trực UBND thành phố và Sở TN-MT thành phố cho biết, hoạt động này “diễn biến rất phức tạp, hàng ngày có từ 7-10 phương tiện (đầu hút + sà lan vận chuyển), chúng tổ chức hoạt động vào ban đêm, thường từ 21 giờ ngày hôm trước đến 4 giờ sáng ngày hôm sau; chúng sử dụng ca nô, xuồng máy (loại vỏ lãi) chạy vòng ngoài cảnh giới, khi phát hiện có phương tiện của các cơ quan chức năng, chúng thông báo cho các phương tiện chạy vào lẩn trốn trong các kênh rạch, khi thấy an toàn lại tiếp tục hoạt động”…
Theo đó, từ tháng 8-9/2015, Bộ Chỉ huy BĐBP TP.HCM đã xây dựng kế hoạch tổ chức, bố trí lực lượng mật phục, theo dõi hoạt động khai thác cát trái phép nêu trên. Qua đó, BĐBP TP.HCM đã phát hiện, bắt giữ 03 vụ, 16 đối tượng và 10 phương tiện khai thác và vận chuyển cát trái phép tại khu vực sông Đồng Tranh (Cần Giờ, TP.HCM). Tuy nhiên, cũng vì lực lượng mỏng, chỉ duy nhất là BĐBP nên trong quá trình đấu tranh, nhiều phương tiện khác đã kịp thời tháo chạy.
Qua quá trình điều tra, xác minh các đối tượng vi phạm đều khai nhận hoạt động khai thác cát trái phép theo hợp đồng làm thuê cho Cty Hải Hưng Thịnh dưới sự tổ chức, điều hành của ông Thái Thanh Liêm và các nhân viên của công ty. Sau khi các đối tượng, phương tiện khai thác cát trái phép bị bắt giữ, ông Trần Hoàng Hải – Giám đốc Cty Hải Hưng Thịnh đã từ chối trách nhiệm trong việc tổ chức hoạt động khai thác cát trái phép tại khu vực sông Đồng Tranh thuộc xã Tam Thôn Hiệp (Cần Giờ, TP.HCM). Tuy nhiên, theo các đối tượng khai nhận, ông Hải hợp đồng với các chủ phương tiện khai thác đều theo hình thức “thỏa thuận bằng miệng”, mọi hoạt động khai thác cát trái phép đều được chỉ đạo bằng điện thoại di động. (?!)
Từ những thực trạng trên, để đảm bảo an ninh trật tự và ngăn chặn hoạt động lợi dụng việc nạo vét luồng hàng hải nhằm tiến hành khai thác cát trái phép, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và đời sống người dân của Cty Hải Hưng Thịnh, Bộ Chỉ huy BĐBP TP.HCM đã đề nghị Thường trực UBND thành phố, Sở TN&MT thành phố xem xét kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền không cấp phép cho Cty Hải Hưng Thịnh thực hiện dự án nạo vét, duy tu, nâng cấp tuyến luồng sông Đồng Tranh (Cần Giờ, TP.HCM).
Hiện nay, mặc dù hiện tượng “cát tặc” trên sông Đồng Tranh đã tạm lắng nhưng dư luận vẫn rất quan tâm đến việc Bộ GTVT có tiếp tục cấp phép cho Cty Hải Hưng Thịnh thực hiện dự án trên hay không? Và nếu cho phép thì lấy gì để đảm bảo Cty Hải Hưng Thịnh sẽ không “tái phạm” viễn cảnh “cát tặc” đe dọa môi trường và cuộc sống người dân như đã từng xảy ra?!

Theo Thông tư số 37/2013/TT-BGTVT do Bộ GTVT ban hành quy định về nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014) thì Nhà nước ưu tiên và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia hoạt động nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm mà không sử dụng ngân sách nhà nước… Đối với nhà đầu tư vi phạm, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính còn bị cấm tham gia các dự án nạo vét duy tu do cơ quan quản lý nhà nước về đường thủy nội địa làm chủ đầu tư, trong thời gian từ 6 tháng đến 3 năm.

congluan.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh