Kiên Giang: Không ngừng đổi mới nâng cao năng lực giáo dục nghề nghiệp
- Giáo dục nghề nghiệp
- 00:04 - 19/06/2017
Năm 2017, Kiên Giang thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện hơn. Tình hình quốc tế và trong nước sẽ có những tác động đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những yếu tố thuận lợi mới sẽ xuất hiện tạo ra cơ hội lớn để phát triển, đồng thời cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức lớn cần phải vượt qua.
Trong khi đó, nguồn lao động được – nhất là nguồn lao động chất lượng cao, khẳng định là yếu tố đầu vào quan trọng quyết định sản phẩm đầu ra của quá trình sản xuất.
Từ tháng 3/ 2017, Sở GD&ĐT đã bàn giao toàn bộ chức năng, nhiệm vụ tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đối với các trường Cao đẳng, Trung cấp (trừ cao đẳng Sư phạm) sang Sở LĐ–TB&XH thực hiện. Cùng với đó là việc chuyển 2 chỉ tiêu biên chế quản lý nhà nước sang Sở LĐ–TB&XH. Chuyển trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ trực thuộc Sở GD&ĐT sang trực thuộc Sở LĐ–TB&XH.
Lễ bàn giao giữa Sở Giáo dục Đào tạo và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang
Năm 2017, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế của tỉnh, ngành Lao động TB&XH Kiên Giang có kế hoạch tổ chức đào tạo cho 25.000 người, trong đó cao đẳng 600, trung cấp 1.500, sơ cấp 9.000, đào tạo thường xuyên 13.900 người. Đào tạo những nghề thuộc danh mục nghề gắn kết với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại khu, cụm công nghiệp, khu du lịch. Cùng với đó là việc phát triển kinh tế tư nhân, tổ hợp tác và hợp tác xã trong tỉnh. Trong đó: tỷ lệ đào tạo nghề thuộc khu vực nông lâm ngư chiếm 17% so với tổng số; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 48%; khu vực thương mại, dịch vụ và du lịch chiếm 35%. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến cuối năm 2017 đạt 46,5%.
Riêng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tổ chức đào tạo với tổng số là 11.500 người, trong đó lĩnh vực nghề nông nghiệp chiếm 42,7%, nghề phi nông nghiệp 57,3%.
Hiện nay, ở Kiên Giang, qua thực hiện các chủ trương, chính sách đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đào tạo nghề không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng đào tạo được nâng lên từng bước đáp ứng nhu cầu hội nhập khu vực, quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt từ 70 - 80%, cá biệt có một số ngành nghề học sinh, sinh viên ra trường có việc làm 100%.
Các chính sách cho vay vốn học nghề, miễn giảm học phí học nghề, vay vốn giải quyết việc làm sau đào tạo; việc lồng ghép các chương trình, đề án khác có liên quan như: Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn; chương trình xây dựng phát triển nông thôn mới; dự án vay vốn giải quyết việc làm, kế hoạch đào tạo lao động có tay nghề làm việc khu, cụm công nghiệp, khu du lịch; kế hoạch đào tạo lao động nhân lực có tay nghề cao … được triển khai thực hiện hiệu quả.
Năm 2016, các cơ sở đào tạo đã tổ chức tuyển sinh 25.480, trong đó cao đẳng nghề 385 sinh viên, trung cấp nghề 1.482 học sinh, sơ cấp nghề 6.296 học sinh và dạy nghề dưới 3 tháng 23.613 học viên. Học sinh, sinh viên tốt nghiệp trong năm 2016 là 24.653 người, trong đó cao đẳng nghề 242, trung cấp nghề 798, sơ cấp nghề 6.200 và đào tạo thường xuyên là 17.413 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng và chứng chỉ từ 43% năm 2015 lên 45%, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh. Toàn tỉnh có 704 người (quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp), trong đó đạt chuẩn về chuyên môn là 82%, đạt chuẩn trình độ kỹ năng nghề 91% và đạt chuẩn trình độ sư phạm 80%. Các cơ sở đào tạo trong tỉnh đã phê duyệt 157 chương trình, giáo trình và điều chỉnh, sửa đổi bổ sung 57 chương trình, giáo trình. Các trường trong tỉnh đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định phê duyệt 10 nghề trọng điểm, trong đó 04 nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và 06 trọng điểm cấp độ quốc gia.
Hội nghị triển khai chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn
Đây chính là những điều kiện, yếu tố quan trọng để tỉnh thực hiện tốt công tác giáo dục nghề nghiệp trong năm 2017. Với mục tiêu đặt ra là tập trung đào tạo nghề, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng ngành, vùng, địa phương trên cơ sở gắn chặt với phát triển và đào tạo nguồn lực lao động, phù hợp với từng trình độ cụ thể nhằm đẩy nhanh yếu tố con người có kỹ năng góp phần phát triển kinh tế- xã hội bền vững. Đẩy mạnh tỷ trọng lao động được đào tạo nghề thuộc các khu vực công nghiệp – xây dựng, thương mại, dịch vụ và du lịch nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phù hợp với điều kiện theo hướng công nghiệp trong thời gian tới.
Thời gian tới Kiên Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn Luật theo quy định của pháp luật.
Tiến hành rà soát, bổ sung các ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu học nghề của xã hội, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, địa phương. Đẩy mạnh phát triển và nhân rộng các mô hình dạy nghề đạt hiệu quả, song song với việc phối hợp các doanh nghiệp tham gia ký kết bao tiêu sản phẩm, nhằm ổn định thị trường, thu nhập và tăng trưởng kinh tế.
Nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề, đặc biệt là các cơ sở dạy nghề công lập đã được ngân sách nhà nước đầu tư chủ động xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu phối hợp với địa phương, doanh nghiệp để tổ chức dạy nghề theo yêu cầu thực tế. Xây dựng kế hoạch đào tạo lao động, đặc biệt nguồn lực tại huyện Phú Quốc và các khu, cụm công nghiệp, trên cơ sở trình UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút lao động tại các địa phương khác ra Phú Quốc làm việc.