CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:27

Không còn bất bình đẳng giới trong việc làm

 

 

Có thật lao động nữ dễ mất việc hơn nam giới? 

Bà Phạn Thị Tuyết Hương, cán bộ hưu trí từng làm việc lâu năm tại Tập đoàn Phong Phú (trước đây là Tổng công ty Dệt - May Phong Phú, TP.Hồ Chí Minh) cho biết, doanh nghiệp có tới hơn 80% là lao động nữ, nhưng trong suốt hàng chục năm công tác, bà chưa hề thấy có trường hợp nào mang tính “phân biệt giới” trong việc tuyển dụng, trả lương hay sa thải. “Nhiều nữ công nhân khi tuổi đã lớn, tự nhận thấy khó tiếp tục đảm nhiệm công việc nên xin nghỉ, chứ không hề có hình thức ép buộc nghỉ việc nào”, bà khẳng định.

Còn tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nữ trang, kim hoàn, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty cho biết, không những không có “phân biệt giới” trong tuyển dụng hay áp dụng các chính sách, mà công ty còn tạo nhiều cơ hội cho lao động nữ hoàn thiện kiến thức, kỹ năng để phát triển, thăng tiến trong sự nghiệp. Điều này dẫn tới việc hiện nay, số phụ nữ nắm giữ các chức danh chủ chốt tại công ty chiếm tới gần phân nửa.

Thực tế ở một số doanh nghiệp FDI, một thời gian từng “rộ lên” chuyện chủ doanh nghiệp hoặc quản lý tìm cách “ép” lao động nữ nghỉ việc từ khi họ sắp bước qua “ngưỡng” trung niên - cụ thể là “mốc” 35 tuổi. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, đó thực chất là hình thức “thay máu” lao động: Cho những lao động đã “luống tuổi”, sức khỏe giảm sút nhưng lại hưởng lương cao (do có thâm niên làm việc lâu dài) bằng lực lượng lao động mới trẻ trung, sung mãn mà chỉ phải trả mức lương khá thấp - từ mức khởi điểm.

Đặc biệt, từ khi đất nước đón nhận nhiều cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những cảnh báo về nguy cơ mất việc đối với lao động nữ cũng tăng lên. Bởi theo những người đưa ra cảnh báo, chính lực lượng lao động nữ đang làm việc rất đông - có thể lên tới hàng triệu người  trong những lĩnh vực mà máy móc có thể thay thế trong tương lai, cụ thể là dệt may, chế biến thực phẩm, da giày… Một số người cho rằng, hạn chế về thể lực và khả năng thích ứng môi trường làm việc mới chính là những yếu tố khiến cho lao động nữ “yếu thế” hơn so với các đồng nghiệp nam.

Không thể không thừa nhận đang có những yếu tố bất bình đẳng giới tồn tại, gây thiệt thòi cho lao động nữ. Nhưng những con số thống kê cho thấy, tình hình đang dần được cải thiện theo hướng tích cực. Tính đến năm 2017, tỷ lệ nữ giới tham gia lao động chiếm 48,4% lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên - tức chiếm 73% tổng số phụ nữ trong độ tuổi lao động, cao hơn nhiều so với mức trung bình thế giới (49%) cũng như khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (59%). Tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cũng đạt trên 31,6%, số lượng phụ nữ tham chính tăng mạnh trong những năm gần đây.

Đó là lý do khiến cho Việt Nam luôn nằm trong nhóm 3 nước có thứ hạng tốt nhất trong các nước ASEAN.

 Lao động nữ vẫn có nhiều cơ hội

Bà Cao Thị Ngọc Dung nhận định, bên cạnh tình trạng tìm cách cho lao động nữ trên 35 tuổi nghỉ việc, vẫn có không ít doanh nghiệp biết cách đào tạo lao động, tạo điều kiện cho lao động phát triển thì giá trị sẽ gia tăng hơn là đến lúc NLĐ nghỉ việc và phải đào tạo lại lớp lao động mới. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện đã ý thức được việc phải tạo điều kiện cho lao động nữ nâng cao trình độ. Cụ thể, trong lĩnh vực dịch vụ, đã có những lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ nữ giới hay mời chuyên gia đánh giá, nâng cao tay nghề cho lao động nữ. Trong ngành thuỷ sản hiện nay, tỷ lệ lao động nữ nghỉ việc cũng ngày càng giảm…

Các chính sách ưu tiên cho lao động nữ đang ngày càng phổ biến ở nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu - khi đối tác đưa ra những yêu cầu rất nghiêm ngặt về các điều kiện đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, nhất là đối với lao động nữ. “Nếu không đảm bảo bình đẳng giới, lộ ra một số vi phạm thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại rất lớn khi những đơn hàng triệu đô sẽ không thể đến tay mình”, giám đốc một doanh nghiệp may xuất khẩu lớn ở TP.Hồ Chí Minh chia sẻ.

Do những khác biệt về thể trạng, tố chất và năng lực sở trường, nên có sự khác biệt giữa nam và nữ trong phân bổ việc làm theo khu vực, nghề nghiệp: Nam giới chiếm ưu thế ở các ngành khoa học, kỹ thuật, kinh tế, tài chính, còn nữ giới đang làm việc chủ yếu ở các ngành giáo dục, y tế, xã hội, các ngành dịch vụ. Nhưng có một thực tế đáng ghi nhận là hiện nay, tất cả các trang tuyển dụng trực tuyến lớn như: VietnamWorks, JobStreet, ManPower… (dành cho nhóm nhân sự trung, cao cấp) hay các nội dung rao tuyển lao động phổ thông hầu như đều không ghi giới tính.

“Quan điểm của chúng tôi là thúc đẩy tuyển dụng theo năng lực chứ không căn cứ vào giới tính. Dù là nam hay nữ, cứ đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, phẩm chất và sức khỏe thì đều được tuyển dụng”, bà Angie SW Phang, Tổng giám đốc JobStreet.com Việt Nam cho biết. Việc xác định mức tiền công, tiền lương hiện cũng không căn cứ theo giới tính, mà chủ yếu căn cứ theo hiệu quả, chất lượng công việc. Nhiều doanh nghiệp còn bổ sung các chính sách ưu tiên, khuyến khích lao động nữ, qua đó giúp cho thu nhập của nhiều lao động nữ tăng lên. Chính vì thế mà khoảng cách thu nhập giữa lao động nam và nữ cũng ngày càng thu hẹp.

Việc cải thiện tính bình đẳng giới trong tuyển dụng và đãi ngộ cũng khiến cho sự bất bình đẳng trong sa thải, cho lao động nghỉ việc ngày càng giảm. Sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức bảo vệ quyền lợi NLĐ cùng các tổ chức phi chính phủ cũng giúp cho nguy cơ lao động nữ bị mất việc được hạn chế đáng kể, và thực tế không có nhiều chênh lệch so với lao động nam.

Ở Việt Nam từng tồn tại “văn hóa” trọng nam khinh nữ, nhưng “hàm lượng” của thứ “văn hóa” này đang giảm dần, nhất là ở những khu vực đô thị, công nghiệp phát triển. Vì thế, ngay cả khi cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nguy cơ mất việc làm cho tới 85% lao động làm việc trong các ngành nghề có đông lao động nữ, thì cơ hội cho lực lượng lao động nữ không vì thế mà giảm đi, khi Chính phủ đang rất quan tâm và đặt ra vấn đề phải nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn và khu vực phi chính thức - nhất là với lao động nữ.

Còn nếu nói rằng, máy móc sẽ “lấy” việc làm của con người, thì không riêng gì lao động nữ, mà đông đảo lao động nam đang làm việc trong các lĩnh vực cơ khí, vận chuyển, xây dựng… cũng bị ảnh hưởng nếu không có sự chuẩn bị kịp thời. Do đó, cả nguy cơ và cơ hội không “nghiêng” về giới nào. Với xu hướng phát triển của thế giới và đất nước như hiện nay, cơ hội cho lao động nữ vẫn đang ngày càng rộng mở!

BẢO KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh