THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:05

Thu hẹp bất bình đẳng - trao cơ hội cho người nghèo

 

Đây là một trong những phát hiện của nghiên cứu sâu về tình trạng bất bình đẳng tại Việt Nam do Oxfam tiến hành trong khuôn khổ Chiến dịch thu hẹp khoảng cách tại Việt Nam được công bố ngày 12/1, tại Hà Nội.

Người nghèo chịu nhiều thiệt thòi

Bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc quốc gia tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết: Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu về xóa đói giảm nghèo. Gần 30 triệu người  đã thoát nghèo kể từ những thập niên 90, chỉ số phát triển con người của Việt Nam đã tăng vượt bậc. Tuy nhiên, chênh lệch giàu nghèo và bất bình đẳng về kinh tế, cơ hội giữa các nhóm đối tượng lại gia tăng.

Chung tay thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng.

 

Theo tính toán của Oxfam, năm 2014, số tiền kiếm được trong một năm của 210 người Việt Nam siêu giàu có thể giúp 3,2 triệu người thoát nghèo và chấm dứt nghèo cùng cực tại Việt Nam. Bên cạnh bất bình đẳng về kinh tế, trong bức tranh bất bình đẳng của Việt Nam còn có bất bình đẳng về cơ hội, tiếng nói đi cùng với bất bình đẳng giới, sắc tộc, vùng miền. Tình trạng bất bình đẳng về tiếng nói, cơ hội như tiếp cận y tế, giáo dục đang ngày càng rõ rệt. Hàng triệu người bao gồm cả người dân tộc thiểu số, nông dân, lao động di cư, người làm việc trong khu vực phi chính thức và phụ nữ là những người có nguy cơ mắc kẹt trong đói nghèo.

“Lan, một học sinh 17 tuổi người dân tộc Dao sinh sống tại tỉnh Bắc Kạn. Gia đình em khó khăn đến nỗi cả nhà lâm vào cảnh thiếu đói 3 tháng mỗi năm. Lan và em gái đều là học sinh khá nên bố mẹ luôn cố gắng để con có thể học hết cấp 2. Ước mơ của Lan là được học đại học nhưng cho dù có thi đậu thì gia đình em cũng không có tiền trang trải cho những tháng ngày học tập ở thành thị đắt đỏ. Còn em gái Lan mơ ước trở thành họa sỹ, điều mà cô bé nghĩ không bao giờ có thể đạt được. Em ngậm ngùi tự nhủ, sau khi học xong cấp 2 sẽ đi làm thuê để giúp gia đình”, bà Babeth Ngọc Hân Lefur chia sẻ câu chuyện.

Người nghèo cũng đang chịu gánh nặng bất công trong y tế. Mức độ tiếp cận dịch vụ y tế của người dân tộc thiểu số thấp có nhiều lý do: Thu nhập thấp, tỷ lệ tự trả ngoài bảo hiểm cao. Bà Babeth Ngọc Hân Lefur kể: “Tôi còn nhớ câu chuyện về Nhật, cậu bé mới 15 tuổi được chẩn đoán mắc căn bệnh u não và cần phẫu thuật khẩn cấp. Thẻ bảo hiểm của em không thể chi tra các chi phí phẫu thuật và chi phí điều trị kéo dài. Gia đình Nhật phải đi vay với lãi suất cao và bán hết tài sản trong nhà  chỉ để chi trả thuốc men. Cha Nhật tâm sự rằng: “ Gia đình chẳng còn gì. Không nhà, không vườn tược, không gia súc. Nhưng chúng tôi sẽ làm tất cả để cứu con trai”. Mỗi năm, hơn nửa triệu người Việt Nam bị rơi vào cảnh nghèo đói do phải tự trả chi phí khám chữa bệnh.

4 nguyên nhân khiến gia tăng bất bình đẳng

Báo cáo nghiên cứu về bất bình đẳng của Oxfam chỉ ra 4 nguyên nhân khiến cho các dạng bất bình đẳng gia tăng tại Việt Nam. Đó là các chính sách giảm nghèo đối với cộng đồng dân tộc thiểu số và những huyện nghèo trong cả nước chưa tính đến thu hẹp khoảng cách  giàu nghèo giữa các nhóm giàu – nghèo và giữa các vùng khác nhau. Hệ thống thuế chưa công bằng và tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề bất bình đẳng. Quá trình tư nhân hóa các dịch vụ công đã gây ra những vấn đề bất công khi các trường công, bệnh viện, phòng khám công trở thành các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ công. Cuối cùng là do việc tăng lương tối thiểu không được áp dụng cho đại đa số nhóm lao động không tay nghề và lao động làm việc trong khu vực phi chính thức.

Khám chữa bệnh cho người người nghèo.

 

Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) Ngô Trường Thi cho rằng, bất bình đẳng là câu chuyện tất yếu mà quốc gia nào cũng gặp, Việt Nam không nằm ngoại lệ. Nhưng nếu để gia tăng khoảng cách trên sẽ gây ra sự bất bình đẳng và các hệ lụy. Nhận thấy được tình trạng này, Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đã dành 80% ngân sách trong tổng kinh phí hơn 41.000 tỉ đồng để tập trung giảm nghèo cho vùng “lõi” nghèo, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. “Nguồn lực là một phần nhưng sử dựng nguồn lực và tạo cho người dân sử dụng hiệu quả nguồn lực và nỗ lực vươn lên thoát nghèo mới quan trọng. Do đó chương trình giảm nghèo sẽ đẩy mạnh phân cấp cho địa phương trong đó cộng đồng (người nghèo)  được quyết định phương thức sản xuất để thoát nghèo. Phương pháp này sẽ góp phần minh bạch hóa về sử dụng nguồn lực giảm nghèo đồng thời tạo sự công bằng trong tiếp cận nguồn lực giữa các nhóm dân cư, hộ nghèo”, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Ngô Trường Thi cho hay.

Ngày 12/1, Oxfam phát động chiến dịch chống bất bình đẳng tại Việt Nam với tên gọi Thu hẹp khoảng cách giai đoạn 2016-2019, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh