THỨ TƯ, NGÀY 11 THÁNG 09 NĂM 2024 11:06

Khởi nghiệp trên đất khó

Bỏ phố về quê trồng rừng

Tốt nghiệp khoa Quan hệ công chúng – Quảng cáo (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) năm 2013 và ở lại Thủ đô Hà Nội làm truyền thông cho một công ty thuộc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, Linh có một công việc thu nhập tốt, là niềm mơ ước trong mắt bao bạn bè cùng trang lứa.

Nguyễn Lê Ngọc Linh giới thiệu các sản phẩm mật ong lên men của “Vườn rừng bản Thổ”

Nguyễn Lê Ngọc Linh giới thiệu các sản phẩm mật ong lên men của “Vườn rừng bản Thổ”

Vốn có sẵn tình yêu và niềm đam mê với núi rừng từ nhỏ, mỗi lần về quê thấy những cánh rừng xanh ngày càng ít đi, đất rừng nhiều nhưng hoang hóa, nhiều người thân đang lăn lộn chật vật mưu sinh nơi đất khách quê người…

Linh đã nung nấu ý định trở về lập nghiệp trên chính mảnh đất của mình và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống vốn có của đồng bào dân tộc Thổ.

Với suy nghĩ đó, Linh bắt đầu lên mạng tìm kiếm các hội nhóm về nông nghiệp rồi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, cách thức làm nông nghiệp bền vững. Không chỉ qua sách vở, báo chí, tận dụng thời gian những ngày nghỉ trong tuần, Linh còn tìm tới các hội thảo về nông nghiệp hay đi thăm những mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Sau nhiều năm tích lũy, nắm chắc kiến thức về nông nghiệp để biến khát vọng của bản thân thành hiện thực, năm 2018, Linh quyết định bỏ phố về rừng trước con mắt ngỡ ngàng của bạn bè, sự phản đối kịch liệt của gia đình.

Không chờ bố mẹ đồng ý, ngày bắt đầu về quê khởi nghiệp, Linh lăn lộn trên diện tích vườn rừng gia đình mình vốn chỉ trồng độc canh cây keo với quyết tâm xây dựng mô hình “Vườn rừng bản Thổ” và thành lập Hợp tác xã Bản Thổ, hướng tới mục tiêu tạo ra một mô hình vườn rừng bền vững và thành công.

Từ 3 ha đất rừng ban đầu, đến nay mô hình “Vườn rừng bản Thổ” đã được Linh trồng và phủ xanh khoảng 6 ha rừng tại thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ với gần 100 loại cây khác nhau, chủ yếu là cây ăn quả, cây dược liệu và cả cây rừng bản địa.

Các sản phẩm mật ong lên men của “Vườn rừng bản Thổ”

Các sản phẩm mật ong lên men của “Vườn rừng bản Thổ”

Linh chia sẻ: "Ngoài cây ăn quả, cây rừng, tôi còn chú trọng trồng cây dược liệu dưới tán rừng, vừa phục vụ mô hình mật ong lên men của mình vừa giúp cải tạo đất đai.

Mục tiêu của tôi là tạo ra một mô hình vườn rừng bền vững, ở đó, sinh kế của người dân được bảo đảm mà không cần chặt cây rừng nào; không cần hủy hoại hệ sinh thái bởi thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích, thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học nhưng vẫn cho năng suất cao.

Mô hình vườn rừng tạo nên hệ sinh thái đa tầng tán trên cùng một diện tích canh tác, từ cây gỗ lớn, cây ăn quả đến cây dược liệu…

Người dân có thể sử dụng tối đa năng lượng mặt trời cung cấp cho cây và thu hoạch được nhiều vụ trên cùng diện tích, đa dạng nguồn thu, "lấy ngắn nuôi dài", tự chủ nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu trong sản xuất nông nghiệp.

Đất trở nên màu mỡ hơn thông qua việc đa dạng hóa cây trồng, bổ sung lại vật chất hữu cơ cho đất. Góp phần phục hồi sinh cảnh, tái sinh những cánh rừng, ngăn chặn sự hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu tiêu cực của biến đổi khí hậu và giảm thiểu ô nhiễm không khí; phủ xanh bền vững đất đồi đang trọc hoặc độc canh cây lâm nghiệp trên địa bàn…

Thành công của mô hình là điều kiện để nhân rộng và liên kết với các hộ nông dân xung quanh trồng vườn rừng, giúp người dân có thể sống đủ đầy, sống khỏe mạnh trên chính mảnh đất của mình…".

Đến khát vọng nâng tầm giá trị sản vật quê hương

Từ thành công mô hình cây trồng bền vững, Hợp tác xã Bản Thổ còn gắn con đường phát triển với việc chế biến nông sản để hoàn thiện và nâng cao giá trị nông sản, các sản phẩm bản địa để đưa ra thị trường.

A3 (3)
Các sản phẩm mật ong lên men của “Vườn rừng bản Thổ” được sản xuất theo quy trình một chiều khép kín.

Các sản phẩm mật ong lên men của “Vườn rừng bản Thổ” được sản xuất theo quy trình một chiều khép kín.

Với mong muốn nâng cao giá trị sản vật quê hương, đặc biệt là mật ong rừng, sau nhiều lần mày mò học tập, nghiên cứu, Nguyễn Lê Ngọc Linh đã cho ra đời dòng sản phẩm công nghệ lên men bằng việc ứng dụng vi sinh vật bản địa có lợi như: Mật ong lên men; gừng ngâm mật ong lên men; tỏi ngâm mật ong lên men; nghệ ngâm mật ong lên men…. Các sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao (chương trình "Mỗi xã 1 sản phẩm") và đang được xây dựng đạt chuẩn 4 sao.

"Ong sống dựa vào rừng. Rừng cung cấp thức ăn, mật hoa cho ong. Ong là mắt xích quan trọng duy trì sự ổn định, đa dạng sinh học vì chúng giúp cây trồng thụ phấn, sinh sôi nảy nở, đó là mối quan hệ có lợi cho tự nhiên.

Việc nuôi ong cũng giúp tăng ý thức bảo vệ rừng cho cộng đồng sống dựa vào rừng. Mật ong lên men khác với mật ong thông thường.

Chúng tôi ngâm ủ mật ong theo quy trình một chiều khép kín trong nhiều tháng cùng nhiều loại dược liệu trồng dưới tán rừng như: gừng, nghệ, sâm, chùm ngây…không sử dụng chất bảo quản, để tạo ra các dòng sản phẩm phù hợp với từng đối tượng sử dụng.

Mật ong lên men rất hữu ích với con người, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, các axít amin đã được phân giải, dễ hấp thụ và tăng lượng vi khuẩn có lợi, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, từ đó cải thiện hệ tiêu hóa, tăng sức đề kháng cho cơ thể…", Linh chia sẻ.

Sau hơn 3 năm hình thành, Hợp tác xã Bản Thổ do Nguyễn Lê Ngọc Linh làm chủ đã có 21 thành viên đều là những người trong cộng đồng sống dựa vào rừng.

Không chỉ tạo việc làm ổn định cho nhiều người, hợp tác xã còn tạo sinh kế cho người dân liên kết trồng cây dược liệu và nuôi ong ven rừng phòng hộ, giúp hàng trăm hộ gia đình có nguồn thu nhập ổn định. Trong tương lai, Nguyễn Lê Ngọc Linh còn dự kiến sẽ xây dựng một nhà máy chế biến nông sản, phát triển du lịch bền vững gắn liền với khôi phục văn hóa cổ truyền của người dân tộc Thổ…

Với nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, mô hình "Vườn rừng bản Thổ" và những sản phẩm mật ong lên men độc đáo của Nguyễn Lê Ngọc Linh đã đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thanh niên nông thôn" năm 2020; giải nhất cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa năm 2021". Năm 2022, Linh là 1 trong 32 đoàn viên, thanh niên nông thôn tiêu biểu với ý chí vươn lên làm giàu và đạt thành tích cao, được Trung ương Đoàn xét chọn và trao tặng Giải thưởng Lương Định Của…

QUÁCH TUẤN

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh