CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:22

Khi "lâm tặc" hoàn lương

 

Thế nhưng bây giờ, chính những con người ấy lại trở thành những "vua trồng rừng" nổi tiếng. Hằng ngày, họ không chỉ chăm sóc những cánh rừng xanh ngút mắt, trải dài quanh bản làng, mà còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ rừng, tố giác hành vi vi phạm lâm luật...

02mf_10a Vườn ươm cây giống để trồng rừng. Ảnh: Đặng Thị Ánh Tuyết 

"Trả nợ rừng"

Hơn 5 năm kể từ ngày đoạn tuyệt với "nghiệp" phá rừng, nhưng đến nay, nhiều người ở "thánh địa lâm tặc" - biệt danh một thời của xã Thái Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) vẫn chưa thoát khỏi những ám ảnh trong ký ức về sự bạc bẽo với rừng trong suốt một thời gian dài. Anh Lê Văn Thể, nhà ở thôn Minh Tiến nói rằng, do Thái Thủy là một vùng bán sơn địa, đất đai khô cằn, vườn ruộng để canh tác thiếu thốn, nhiều người không biết kỹ thuật cấy trồng theo lối mới nên kinh tế gia đình hết sức khó khăn.

Trước tình cảnh đó, họ đua nhau bỏ ruộng vườn vào rừng để kiếm sống. Ban đầu chỉ đặt bẫy bắt thú và chặt củi, đốt than lấy tiền sinh nhai qua ngày, rồi dần dần, họ chuyển sang nghề "lâm tặc" lúc nào không hay. "Mà lâm tặc thì biết rồi đó, lúc nào cũng "khát" tiền. Muốn đạt được mục đích của mình thì phải tàn phá, hạ sát cây rừng càng nhiều càng tốt. Chính vì thế mà nhiều cánh rừng bạt ngàn quanh vùng Thái Thủy đều bị triệt phá tàn tệ. Khi đó, được cán bộ kiểm lâm gặp gỡ nhắc nhở, động viên bỏ nghề, nhiều người, trong đó có tui cứ ậm ừ cho qua chuyện. Thực lòng, lúc ấy chỉ nghĩ cán bộ kiểm lâm đang tìm cách "phá nồi cơm" nhà mình..." - anh Thể hồi tưởng lại.

Giữa cái nắng rát bỏng da người nơi bìa rừng, "cựu lâm tặc" khét tiếng một thời Trần Trạng căng mắt quan sát động tĩnh nơi cánh rừng gia đình anh vừa trồng rồi tâm sự với khách, đại ý rằng, con người ta, ai cũng trải qua những sai lầm, chỉ có điều việc nhận ra và sửa chữa đến đâu mà thôi. Ở vùng đất Thái Thủy này, có rất nhiều người từng có "tiền sự" phá rừng. Cũng là "lẽ thường" vì khi xưa đã xảy ra tình trạng nhà nhà khai thác gỗ, ban ngày cưa, đêm vận chuyển về nhà và tới điểm tiêu thụ. Dù sao thì thời điểm đó, nạn phá rừng ở khu vực miền Trung xảy ra khá phổ biến và Thái Thủy nổi tiếng khắp Quảng Bình vì cái sự "bình thường" như thế. Có điều ít ai ngờ tới là phần lớn người dân Thái Thủy phá rừng không phải để mong muốn trở thành "đại gia" mà là vì mưu sinh hằng ngày.

"Biết là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn làm liều vì miếng cơm manh áo. Điều đáng nói là phá rừng vì kiếm miếng ăn nên khi bị lực lượng Kiểm lâm truy quét, những "lâm tặc" ở Thái Thủy thường chống đối rất quyết liệt...". Trong tâm sự của mình, anh Trạng cứ đau đáu với những nỗi niềm riêng của quá khứ trong sự nghiêm túc, chân thành ở từng câu từ. Có lẽ với anh, một trong những việc làm quan trọng nhất hiện nay là phải làm gì để "trả nợ rừng". Vì thế, từ những triền núi hoang cằn đầy sỏi đá, anh cùng vợ và các con đã bỏ biết bao công sức để trồng rừng.    

Khi chúng tôi hỏi: "Nếu bây giờ, Nhà nước mở cửa rừng, cho tự do buôn bán lâm sản thì anh có trở lại "nghề" không?". Không một giây đắn đo, "cựu lâm tặc" Trần Trạng bảo: Có "các vàng" thì cũng xin kiếu. "Đúng là ăn của rừng rưng rưng nước mắt! Trước kia mình lén lút triệt phá  rừng, giàu đâu không thấy, chỉ gặp tai ương, hiểm họa. Cái vòng luẩn quẩn đó thực sự chấm hết khi tui quyết tâm hoàn lương. Nói không phải khoe, nhờ 40ha rừng trồng, gia đình tui đã đổi đời, chẳng thiếu thứ chi..." - anh Trạng nói rồi nở nụ cười sảng khoái.

Những điều thần kỳ

Đến Thái Thủy hôm nay, chỉ cần nhìn thoáng qua cũng có thể thấy ấm no, hạnh phúc đang hiện về qua những cánh rừng keo, bạch đàn bạt ngàn. Thành quả này có một phần đóng góp không nhỏ của những người mới ngày nào còn mang trong mình món nợ với rừng, nay, nhờ biết "quay đầu" mà đã chiến thắng đói nghèo, trở thành "vua trồng rừng" nổi tiếng ở nơi từng được mệnh danh là "thánh địa lâm tặc". Ngoài "vua rừng" Trần Trạng, Lê Văn Thể, còn có các anh Võ Công Xướng, Phan Văn Tuấn và rất nhiều người nữa. "Triết lý" của họ rất đơn giản, chỉ là "sống giữa rừng mà để rừng chết thì chắc chắn người đó không khá lên được". Chính vì vậy, sau nhiều trăn trở, nghĩ suy, kế sách thoát nghèo đầu tiên được áp dụng khi rừng ở nơi họ trú ngụ đã "ngắc ngoải" dưới bàn tay độc ác của chính họ, là phải "trả nợ rừng", phải dựa vào đất rừng mà làm kinh tế.

"Nói cách khác, trước đây mình chỉ biết nhận những thứ của rừng cho, còn bây chừ phải trồng cây vào đất rừng để sinh lợi" - anh Trần Trạng giải thích ngắn gọn về phong trào trồng rừng làm kinh tế nói chung, việc "ra quân" trồng rừng của những "lâm tặc" khi xưa nói riêng. Theo anh Trạng, cách đây hơn 5 năm, được sự hỗ trợ của các chương trình xóa đói, giảm nghèo của Nhà nước và dự án trồng rừng Việt-Đức, người dân Thái Thủy bắt tay vào trồng rừng. Bắt đầu từ thời điểm đó, những vùng đất trống, đồi trọc, đầy cỏ dại dần nhường chỗ cho cây keo lai, cây bạch đàn. Đến nay, hầu như toàn bộ diện tích đất rừng gần 3.600ha của xã Thái Thủy đã được "xanh hóa".

578f343367400ccae5000235 Đối với người dân Thái Thủy, trồng được một cây cũng được xem là cách "trả nợ rừng". Ảnh: Đặng Thị Ánh Tuyết

Trên địa bàn xã Thái Thủy bây giờ, hầu như nhà nào cũng tham gia trồng rừng, nhà ít thì vài, ba héc ta, nhà nhiều từ vài chục cho đến hàng trăm héc ta rừng trồng. Điều đặc biệt ở Thái Thủy là có rất nhiều "đại gia" trồng rừng nguyên là "lâm tặc" đã "rửa tay gác kiếm" với diện tích rừng trồng hàng chục héc ta, như anh Lê Văn Thể trồng gần 40ha, anh Trần Trạng 30ha, anh Võ Công Xướng 45ha, anh Lê Văn Thế hơn 50ha... Hiện có trên 90% số hộ dân ở đây được giao khoanh nuôi, bảo vệ rừng, trong số đó, chiếm tỷ lệ không ít là rừng nguyên liệu. Những con số nêu trên cho thấy, hiện người dân xã Thái Thủy đang sở hữu một lượng tài sản khổng lồ ấy là chưa tính đến vài ba năm nữa, khi gỗ đến kỳ khai thác, rừng sẽ mang về cho người dân nơi đây một lượng tiền không nhỏ...

Vĩ thanh

Phải chăng, do ấn tượng với những con số liên quan đến việc trồng rừng ở Thái Thủy mà một cán bộ kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm Lệ Thủy dùng từ “thần kỳ” khi nói về thành tích trồng rừng  của những người trước đây, từng đối đầu quyết liệt với Kiểm lâm. "Thần kỳ" nhưng cũng rất bình dị, gần gũi với đời thường. Bởi, với bất kỳ ai, kể cả các "lâm tặc" ở "thánh địa lâm tặc" Thái Thủy, khi đã nhận thức ra mình vi phạm pháp luật, việc làm không đúng với lương tâm, mà quyết quay đầu hoàn lương, thì những điều tốt đẹp tất yếu sẽ đến...

Theo Báo Biên Phòng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh