THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:36

Rào cản đối với người hoàn lương

Theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương mang nhiều ý nghĩa thiết thực, thể hiện quan điểm mới, chính sách mới của Nhà nước ta với nhóm người này. Trước kia chúng ta tập trung quản lý, xử lý hành chính, nhưng bây giờ coi họ là nhóm yếu thế dễ bị tổn thương, cần hỗ trợ giúp đỡ. Thế nhưng đến nay việc triển khai quyết định này đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với nhóm phụ nữ mại dâm hoàn lương.

Đây là lời đáp với quốc tế, thể hiện sự vào cuộc của Việt Nam trong công tác hỗ trợ người nhiễm HIV; người nghiện ma tuý; người bán dâm... trong bối cảnh tài trợ quốc tế giảm dần. Đồng thời đáp ứng những kêu gọi của Liên hợp quốc trong công tác này.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với phụ nữ bán dâm sau khi đã hoàn lương, họ là những nhóm người gặp nhiều khó khăn trong hoà nhập cộng đồng. Nhiều người còn mang trong mình bệnh tật, sức khỏe yếu, nếu được vay vốn sản xuất, họ bớt đi phần nào mặc cảm, dễ dàng hơn để hoà nhập. Và ngược lại, khi không có công ăn việc làm ổn định, họ không có chi phí để nâng cao sức khoẻ, ổn định cuộc sống dễ dẫn đến tái phạm... Về mặt xã hội, nếu những nhóm người này có công ăn việc làm ổn định, không tái phạm thì an ninh trật tự được ổn định, Nhà nước có thể “rảnh tay” để phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá và nâng cao cuộc sống người dân.

Tín dụng đối với người bán dâm hoàn lương: Còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, quá trình triển khai hiện đang gặp nhiều khó khăn. Đến nay có rất ít người nhận được sự hỗ trợ từ quyết định này. Ông Lê Văn Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP Hồ Chí Minh, một trong 15 địa phương thực hiện thí điểm Quyết định 29 cho biết, quy định phải chứng minh hoàn lương mới được vay vốn đã gây khó khăn trong việc tiếp cận của các chị em. “Những người mại dâm hoàn lương muốn hưởng chế độ vay vốn tín dụng thì họ phải về địa phương chứng nhận đã đi bán dâm nhưng nay đã hoàn lương. Có ai lại đi về địa phương để xác nhận điều này. Không chỉ riêng TP Hồ Chí Minh, tôi tin nhiều địa phương khác cũng khó thực hiện quyết định này”. Theo ông Quý, để tạo điều kiện cho người bán dâm có thể tiếp cận nguồn vốn, cần xem xét lại các điều kiện cho vay vốn; các thủ tục cần thông thoáng để người bán dâm không “ngại” đi vay.

Còn ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội cũng cho rằng, rào cản lớn nhất khi thực hiện Quyết định 29 là hồ sơ vay vốn phải có chứng nhận của địa phương, phải cam kết từ bỏ hành nghề. “Giữa kỳ thị xã hội, giữa việc người ta công khai danh tính để chọn được một sự hỗ trợ của Nhà nước so với việc họ tiếp tục đi làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày thì cái nào dễ hơn người ta làm”. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng còn nhiều băn khoăn khi cho nhóm người bán dâm vay vì sợ rủi ro, khó thu hồi vốn.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, trước hết cần tuyên truyền phổ biến cho chính bản thân chị em, những người hành nghề mại dâm biết đến chính sách, cách tiếp cận chính sách như nào. Đồng thời các cơ quan chức năng, ban, ngành, đoàn thể...  phải vào cuộc để hỗ trợ, tư vấn, giúp họ giải quyết các thủ tục vay vốn. “Các tổ chức tín chấp vay vốn như Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng phải quan tâm, coi họ là một đối tượng chứ không nên đắn đo, e ngại việc không bảo toàn được vốn. Để giảm rủi ro khi cho vay vốn, cần xem xét kỹ những người có nhu cầu, phương thức sản xuất thực sự. Khi họ có nguyện vọng, xây dựng được phương án sử dụng vốn thì phải sẵn sàng đáp ứng vốn cho họ”.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh: Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ rất tích cực. Các địa phương cũng đã sẵn sàng triển khai trợ giúp. Tuy nhiên nếu người bán dâm không mạnh dạn đứng lên vay vốn thì quyết định cũng sẽ không mang lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, những người có trách nhiệm ở các địa phương, cũng như Ngân hàng Chính sách Xã hội phải có thái độ ứng xử đúng mực, giữ gìn thông tin, thực sự quan tâm đến những người này, giúp họ không mặc cảm, giảm kỳ thị trong xã hội để họ có động lực vươn lên trong cuộc sống.

 

Theo Quyết định 29/2014/TTg, từ ngày 15/6/2014, người bán dâm hoàn lương, hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (đối tượng), sẽ được hỗ trợ tín dụng để sản xuất, kinh doanh. Mức cho vay căn cứ vào nhu cầu vay và khả năng trả nợ của từng cá nhân, hộ gia đình. Người, hộ gia đình được vay không phải thế chấp. Mức vay không vượt quá các mức sau: Cá nhân, mức cho vay tối đa 20 triệu đồng; hộ gia đình, mức cho vay tối đa là 30 triệu đồng.

15 thành phố thực hiện thí điểm, gồm: Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hoà Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu.

CHU LƯƠNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh