Một sáng chủ nhật trời mưa ở Kawaguchi, thành phố nửa triệu dân ở ngoại ô Tokyo, một nhóm người cả nam lẫn nữ tay cầm ô đang lần lượt đi hàng đôi vào một quán bar nép mình nơi góc phố, theo CNN.
Phía trên cánh cửa quán bar có đề tên June Bride. Suốt 25 năm qua, đó là địa điểm nổi tiếng tại khu dân cư yên tĩnh ở tỉnh Saitama.
Bao năm qua, diện mạo của June Bride chẳng thay đổi là mấy, nhưng nội thất bên trong thì khác hẳn. Quán cũ và sân khấu hát karaoke được thay thế bằng bục giảng kinh và cây thánh giá rất to. Mọi người lần lượt ngồi kín các dãy ghế được kê gọn gàng. Khuôn mặt ai cũng ướt nước mưa nhưng tươi tỉnh. Họ nói chuyện với nhau rất khẽ.
Vài người trong số họ từng là khách quen của quán, nhưng họ không còn đến đây để nhậu nữa, bởi đây giờ là nơi cầu nguyện.
Trong tốp người đi vào sau cùng có một người đàn ông mà mọi người quen gọi là cha Tatsuya Shindo.
Khi ông bước qua cánh cửa, đèn điện trong phòng bật sáng và người ta quên luôn cả thời tiết ảm đạm ngày hôm đó. Ông bước lên bục giảng kinh, tay giơ cao, đầu gật gật và bắt đầu giảng say sưa như thể được tiếp sức bởi một nguồn năng lượng từ trên cao.
Shindo trông trẻ hơn nhiều so với cái tuổi 44, phần nào có lẽ nhờ mái tóc dài và nụ cười luôn nở trên môi. Ông rất hay cười, kể cả khi ông chia sẻ với nhóm giáo dân gồm khoảng 100 người của mình về những chuyện trong quá khứ.
"Trước đây chúng ta là kẻ thù của nhau trong giới giang hồ, sẵn sàng nổ súng vào nhau. Nay chúng ta cùng tôn sùng Chúa", ông nói.
Giống như một số người khác trong nhóm giáo dân, vị linh mục này cũng từng là xã hội đen. Phần lớn bọn họ gia nhập các băng đảng yakuza khi ở tuổi vị thành niên. Khi đó, Shindo 17 tuổi.
Hành trình trở thành mafia
"Tôi chỉ là một cậu bé, đâu có nghĩ sâu. Tôi ngưỡng mộ các thành viên yakuza vì vẻ ngoài của họ. Họ lắm tiền và xài sang. Trong mắt tôi họ mới ngầu làm sao", ông kể.
Ảo tưởng về cuộc sống sung sướng trong thế giới giang hồ lôi cuốn hàng chục nghìn thiếu niên Nhật Bản gia nhập các băng đảng yakuza. Shindo cho biết phần lớn bạn giang hồ của ông đều xuất thân từ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.
Yakuza đề cao lòng trung thành và tình huynh đệ. Nhưng khi đã lún sâu vào thế giới giang hồ, ông nhận ra rằng cái giá để thuộc về nơi này thường phải trả bằng máu.
"Ông trùm của tôi bị giết. Mọi người bị giết trong các cuộc đọ súng. Họ bị bắn vào chân. Gã buôn thuốc với tôi bị đầu độc chết. Nhiều người tự tử hay đột tử. Tôi đã trông thấy nhiều người bỏ mạng. Nhiều đệ tử của tôi bị đâm đến chết", Shindo kể lại.
Shindo mang nhiều vết sẹo trên người. Ngực và tay ông đầy những hình xăm khó hiểu luôn thấy ở các thành viên băng đảng ở Nhật. Người ta cấm những người mang hình xăm dễ lộ xuất hiện ở hầu hết nơi công cộng như một cách để tách các thành viên yakuza ra khỏi xã hội. Shindo thường cởi áo sơ mi khi làm lễ rửa tội cho các cựu thành viên băng đảng có mang hình xăm.
Ông từng nghiện ma túy. Lần đó, ông lái xe khi đang phê thuốc và đâm vào xe ông chủ. Ông cho xem ngón tay út đã bị cắt mất một đốt như một hình thức tự phạt để chuộc lỗi trong giới yakuza.
Shindo từng bị bắt 7 lần. Ông ngồi tù ba lần, lần đầu khi ông 22 tuổi. Kể từ lúc đó đến năm 32 tuổi khi bị đuổi khỏi băng đảng, ông đã ngồi tù hết 8 năm. Ông kể rằng ông tìm đến Chúa khi đọc kinh thánh trong tù. Ông tìm hiểu và trở thành linh mục sau khi mãn hạn tù cách đây hơn chục năm.
Hiện Shindo đứng đầu một nhóm giáo dân tập hợp mọi thành phần xã hội.
"Những người đến đây có hoàn cảnh khác nhau. Có người đã ly hôn, phá sản và bị hắt hủi. Có cả những phụ huynh mất con, có con ngồi tù hoặc bị xa lánh sau khi ra tù. Đây là nơi họ làm lại cuộc đời. Một thành viên băng đảng yakuza có thể hoàn lương là một kỳ tích", ông nói.
Hiro, cựu thành viên yakuza, là một trong số những người mới gia nhập nhóm giáo dân. Anh rời khỏi băng đảng lớn nhất Nhật Bản là Yamaguchi Gumi sau 5 năm gia nhập.
"Thật khó có thể tái hòa nhập cộng đồng", anh nói.
Người đàn ông 37 tuổi này bị cả nhà xa lánh và phải trải chiếu xuống sàn nhà thờ để ngủ mỗi đêm. Một giáo dân thuê anh ta làm thợ sơn.
"Khi còn trong băng đảng, chẳng bao giờ tôi dậy sớm như bây giờ. Tôi sống vì tiền. Để có tiền, tôi đã làm những việc xấu xa, kể cả buôn ma túy. Giờ tôi đang cố gắng trở thành người tốt. Đây là giai đoạn quan trọng trong đời tôi. Tôi đã thay đổi nhiều kể từ khi đến nhà thờ này", anh nói.
Hiro cho rằng nếu không có nhà thờ này thì có lẽ giờ anh đang ở trong tù. Trong một xã hội mà những người như anh không dễ dàng nhận được cơ hội thứ hai, thì đây là cơ hội hiếm hoi để anh làm lại cuộc đời.
Suy thoái
Các cựu thành viên yakuza ở Nhật không còn nhiều sự lựa chọn. Thế giới ngầm của họ đang thu nhỏ lại và lợi nhuận đang cạn dần sau những cuộc truy quét của chính quyền. Cảnh sát ước tính hiện chỉ còn khoảng 50.000 thành viên yakuza, thấp hơn nhiều so với vài năm trước.
Theo nhà báo Jake Adelstein ở Tokyo, người chuyên viết về yakuza, các băng đảng mafia Nhật kiềm chế hoạt động của bọn côn đồ. Một khi ảnh hưởng của các băng nhóm này không còn nữa, tội phạm đường phố sẽ nở rộ ở Tokyo, vốn được coi là một trong những nơi an toàn nhất thế giới.
"Phải nghĩ cách sử dụng những người này cũng như xóa bỏ định kiến xã hội đối với họ. Nếu không thì sau khi rời bỏ băng đảng, họ sẽ lại phạm tội, vào tù hoặc tự tử. Nhiều người trong số họ đã tự tử rồi. Xã hội Nhật Bản không dễ dàng chấp nhận những người bị mất đốt ngón tay, mang hình xăm và từng kiếm sống bằng con đường bất lương", Adelstein nói.
"Khi nó ra tù, nó xin lỗi và nói với tôi 'Con sống sót được là vì mẹ đấy, mẹ ơi'. Khi nghe được những lời này, tôi quyết định phải quên hết mọi điều trong quá khứ. Giờ tôi rất hạnh phúc", bà nói.
"Khi con trai cần nơi làm nhà thờ, tôi đã giao June Bride cho nó. Tôi mở quán bar này đã 25 năm rồi. Những năm đầu, số người tham dự các buổi cầu nguyện chưa đến 10 người. Giờ thì có hàng chục người tham dự".
Nghĩ lại quãng đường của con bà trước khi trở thành linh mục, bà lại cười khi người ta gọi ông là "cha". June Bride không còn là nơi người ta đến để uống cocktail và hát karaoke. Bây giờ, cứ đến cuối tuần là căn phòng lại tràn ngập tiếng nhạc và tiếng hát Thánh ca của hàng chục con người.
"Tôi tin cuộc sống của con tôi giờ đây chính là cái kết có hậu mà Chúa ban tặng", bà nói.