Khánh Hòa: Phát động "Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực"
- Dược liệu
- 00:34 - 12/11/2016
Tại Lễ phát động, phát biểu trước 500 đại biểu đại diện các sở, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh, ông Nguyễn Duy Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng Ban chỉ đạo Vì sự tiến bộ của phụ nữ nhấn mạnh: "Tháng hành động bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2016, nhằm mục đích thu hút sự quan tâm và tham gia của các cá nhân, cơ quan, tổ chức và cộng đồng xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của các mục tiêu cần đạt được của công tác bình đẳng giới, hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ cũng như việc phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Qua đó, vận động toàn xã hội cùng góp sức tích cực nhằm thực hiện hiệu quả hơn các chính sách, chương trình bình đẳng giới, giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Tỉnh Khánh Hòa sau 5 năm triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới gia đoạn 2011-2020 đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tỷ lệ giải quyết việc làm hàng năm nam chiếm 50% và nữ trên 45%. Tỷ lệ doanh nghiệp có nữ làm chủ đạt 30%. Trong giáo dục đào tạo, khoảng cách giới trong trong các cấp học, bậc học dần được thu hẹp. Tỷ lệ nữ được học tập nâng cao trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học ngày càng tăng. 99,6% nữ trong độ tuổi từ 15 - 35 đã được xóa mù chữ. Trong y tế, tỷ lệ phụ nữ tiếp cận với các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe bà mẹ không ngừng được cải thiện, tỷ suất chết mẹ liên quan đến thai sản giảm dần qua các năm. Trong gia đình, vị trí, vai trò của phụ nữ được tôn trọng và được tham gia nhiều hơn vào các quyết định quan trọng trong gia đình, nam giới ngày càng ý thức hơn trách nhiệm xây dựng một gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc".
Ông Nguyễn Duy Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại buổi Lễ
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Bắc, Khánh Hòa vẫn còn nhiều bất cập trong công tác bình đẳng giới. Đó là, tỷ lệ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo ở các cấp còn thấp, chưa tương xứng với lực lượng và sự đóng góp của phụ nữ. Đời sống một bộ phận phụ nữ còn khó khăn, đặc biệt phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Sự bất bình đẳng trong gia đình, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn xảy ra phức tạp... Tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" vẫn còn tồn tại trong nhân dân nặng nề, nhiều chế độ chính sách cho phụ nữ vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Điều kiện phát huy sức sáng tạo của phụ nữ còn hạn chế, ít có cơ hội học tập để thăng tiến, vì nhiều lý do sinh đẻ, nuôi con, nội trợ gia đình. Đáng báo động nhất là tình trạng bạo lực đối với phụ nữ - một hình thức của bạo lực giới mà phụ nữ thường là nạn nhân, diễn ra tại gia đình và môi trường xã hội nơi lao động nữ làm việc.
Ông Nguyễn Duy Bắc cũng kêu gọi trong gia đình, cha mẹ, ông bà và tại trường học thầy cô giáo phải nâng cao nhận thức về bình đẳng giới vì chính họ là tác nhân quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới cho thế hệ trẻ. Gia đình mà trong đó nam giới và nữ giới được bình đẳng với nhau sẽ tiếp tục là môi trường tuyên truyền, giáo dục hiệu quả nhất về bình đẳng giới. Bên cạnh đó, nếu các em được giáo dục trong một môi trường bình đẳng, không bị bạo lực giữa giáo viên với học sinh và giữa học sinh với nhau chắc chắn, các em sẽ trở thành nhân tố tích cực thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và góp phần xây dựng một xã hội không có bạo lực trên cơ sở giới.