THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:32

Kết hợp giữa truyền thông và mạng xã hội để cập nhật thông tin về liệt sỹ

 

Theo thống kê của Bộ Quốc phòng, có khoảng 1.146.000 liệt sỹ đã hy sinh trong 3 cuộc kháng chiến của dân tộc. Hiện đã tìm kiếm được 900 nghìn mộ liệt sỹ và xác định danh tính được 600 nghìn mộ. Tuy nhiên vẫn còn khoảng 200 nghìn mộ liệt sỹ chưa được tìm thấy. Điều đáng nói, 200 nghìn ngôi mộ này cơ bản là không có thông tin, không biết hy sinh ở đâu, thời gian nào, đơn vị nào. Cục Chính sách - Bộ Quốc phòng đang tìm kiếm thông tin theo phương án tìm mẫu số chung, nghĩa là trong chiến tranh, các đơn vị bộ đội thường tham gia trận đánh ở cấp trung đội, đại đội, do đó sẽ tìm kiếm mộ liệt sỹ theo tập thể.

Các em học sinh chăm sóc các phần mộ liệt sỹ.

 

Bộ Quốc phòng hiện đang quản lý 5 phần mềm liên quan đến tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, cụ thể: Quản lý toàn bộ danh sách liệt sỹ; Phần mềm về 5.000 quân nhân mất tích; Cổng Thông tin điện tử cho phép thân nhân liệt sỹ cập nhật hồ sơ, thông tin về liệt sỹ; Xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; Tích hợp danh sách liệt sỹ và mộ liệt sỹ trong nghĩa trang liệt sỹ do Bộ LĐ-TB&XH đang quản lý.

Tuy nhiên, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tìm kiếm hài cốt liệt sỹ Bộ Quốc phòng gặp một số khó khăn. Các phần mềm Bộ đang quản lý và sử dụng đều ở dạng thông tin thứ cấp, chưa tích hợp thống nhất và khai thác không thuận tiện, hiệu quả. Nhân dân còn gặp khó khăn khi tiếp cận, khai thác thông tin trên Cổng Thông tin điện tử do sự phức tạp của công nghệ. Và quan trọng nhất là thiếu nguồn nhân lực có năng lực về công nghệ thông tin.

Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan được giao quản lý các mộ liệt sỹ hiện đang nằm tại các nghĩa trang liệt sỹ trên toàn quốc. Đại diện Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, cuối năm 2015, Bộ đã tiến hành điều tra toàn quốc về mộ liệt sỹ để thu thập thông tin, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sỹ, mộ liệt sỹ, trong đó có cả lấy mẫu của thân nhân liệt sỹ để phục vụ giám định ADN sau này. Bộ LĐ-TB&XH cũng gặp những khó khăn tương tự như Bộ Quốc phòng trong việc giải mã ký hiệu, phiên hiệu các đơn vị quân đội trong chiến tranh để từ đó kết nối các nguồn thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.

Về việc ứng dụng CNTT trong tìm kiếm hài cốt mộ liệt sỹ là cần thiết và hiệu quả. Ông Trần Minh – Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số - Bộ TT&TT cho biết, sự phát triển của công nghệ sẽ khiến cho những khó khăn phía Bộ Quốc phòng nêu về việc tích hợp các phần mềm, các dữ liệu không còn là vấn đề phức tạp. Không cần thiết phải ứng dụng lại các công nghệ đã tương đối lỗi thời ở giai đoạn hiện nay như các giải pháp xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung, mua sắm phần mềm thương mại để xây dựng website, cổng thông tin, cơ sở dữ liệu gây tốn kém, không hiệu quả, không chủ động trong mở rộng, tích hợp hệ thống, đòi hỏi thời gian và chi phí khá lớn. Bên cạnh hiệu quả của truyền thông truyền thống, đại diện Công ty Cổ phần công nghệ chọn lọc thông tin đưa ra đề xuất sử dụng sức mạnh của mạng xã hội để người dân, cựu chiến binh, thân nhân liệt sỹ tham gia cung cấp, cập nhật thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ, trên cơ sở đó xây dựng hai cơ sở dữ liệu về liệt sỹ và thân nhân liệt sỹ, từ đó đối chiếu và hỗ trợ xác định danh tính liệt sỹ.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhất trí với đề xuất cần phải kết hợp giữa truyền thông truyền thống và huy động sức mạnh của mạng xã hội để cập nhật các thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ. Thứ trưởng giao Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số là đơn vị đầu mối của Bộ TT&TT làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ-TB&XH xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sỹ và mộ liệt sỹ và đề nghị các Bộ, ngành liên quan tạo điều kiện tối đa cho Viện thực hiện nhiệm vụ được giao. Muộn nhất là cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5, Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số phải xây dựng xong và đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở dữ liệu liệt sỹ và mộ liệt sỹ. 

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh